Chiến sự tối 19.6: Nga nói vũ khí hạt nhân sẽ ở lại Belarus vô thời hạn

19/06/2023 18:38 GMT+7

Một quan chức ngoại giao Nga cho biết việc triển khai vũ khí hạt nhân chiến thuật tại Belarus không bị giới hạn về thời gian, giữa lúc Ukraine tuyên bố giành thêm một làng trong chiến dịch phản công.

Ukraine tuyên bố chiếm được ngôi làng thứ 8

Ukraine ngày 19.6 tuyên bố họ đã đánh bật lực lượng Nga ra khỏi ngôi làng thứ tám trong chiến dịch phản công kéo dài hai tuần qua, tại một khu vực được phòng thủ nghiêm ngặt của tiền tuyến phía nam, nằm trên tuyến đường trực tiếp nhất dẫn tới biển Azov.

Chiến sự tối 19.6: Nga nói vũ khí hạt nhân sẽ ở lại Belarus vô thời hạn - Ảnh 1.

Binh sĩ Ukraine ở tỉnh Zaporizhzhia

REUTERS

Một quan chức thân Nga ở tỉnh Zaporizhzhia một ngày trước cho biết Ukraine đã nắm quyền kiểm soát làng Piatykhatky, theo Reuters. Sau đó, quan chức này tuyên bố lực lượng của Moscow đã đẩy lùi quân đội Ukraine và vào sáng 19.6, ông thông báo Ukraine đang tấn công trở lại.

Thứ trưởng Bộ Quốc phòng Ukraine Hanna Maliar cho biết lực lượng Ukraine không chỉ chiếm lại Piatykhatky mà còn tiến sâu tới 7 km vào phòng tuyến của Nga trong hai tuần qua, giành được 113 km2 đất đai, theo Reuters.

Xem nhanh: Chiến dịch quân sự Nga ở Ukraine ngày 480 có diễn biến gì nóng?

"Trong hai tuần tiến hành các hoạt động tấn công theo hướng Berdiansk và Melitopol, 8 khu vực dân cư đã được giải phóng", bà Maliar nói trên Telegram, đề cập đến 2 thành phố nằm ven biển Azov.

Việc chiếm lại các ngôi làng cho thấy Ukraine đang từng bước giành được thắng lợi, làm nổi bật thách thức trong việc vượt qua các phòng tuyến mà Moscow đã dành nhiều tháng để củng cố. Piatykhatky rất quan trọng vì nằm cách bờ biển khoảng 90 km.

Cũng trong ngày 19.6, Bộ Quốc phòng Nga cho biết lực lượng của họ đã ngăn chặn nỗ lực của Ukraine nhằm chiếm làng Novodonetske thuộc tỉnh Donetsk ở miền đông, một trong những khu vực tập trung nỗ lực phản công của Kyiv.

Vũ khí hạt nhân Nga sẽ ở Belarus bao lâu?

Hãng tin TASS ngày 19.6 dẫn lời một quan chức ngoại giao cấp cao của Nga cho biết việc Nga triển khai vũ khí hạt nhân chiến thuật ở Belarus là không có giới hạn về thời gian.

Chiến sự tối 19.6: Nga nói vũ khí hạt nhân sẽ ở lại Belarus vô thời hạn - Ảnh 2.

Tổng thống Belarus Alexander Lukashenko và Tổng thống Nga Vladimir Putin tại Sochi (Nga) hôm 9.6

REUTERS

Vào tháng 3, Nga tuyên bố họ sẽ đưa vũ khí hạt nhân chiến thuật tới Belarus, một đồng minh thân cận đã hỗ trợ hoạt động quân sự của Moscow ở Ukraine. Tổng thống Belarus Alexander Lukashenko mới đây cho biết số vũ khí này bắt đầu được chuyển đến vào tháng trước. Đây là lần đầu tiên Moscow đưa các đầu đạn này ra bên ngoài nước Nga kể từ khi Liên Xô tan rã.

Tổng thống Putin tiết lộ dự thảo hiệp ước trung lập của Ukraine

"Về khung thời gian khả dĩ cho sự hiện diện của vũ khí hạt nhân chiến thuật Nga trên lãnh thổ Belarus, các thỏa thuận giữa Nga và Belarus không chứa đựng bất kỳ hạn chế nào về vấn đề này", TASS dẫn lời ông Alexei Polishchuk, Vụ trưởng Vụ Các quốc gia Liên Xô cũ thuộc Bộ Ngoại giao Nga, nói trong một cuộc phỏng vấn.

Ông Polishchuk cho biết về lý thuyết, số vũ khí này có thể được rút khỏi Belarus nếu Mỹ và NATO "chấm dứt phá hoại an ninh và chủ quyền của Nga và Belarus".

Nga chặn âm mưu "khủng bố" của Ukraine?

Cơ quan An ninh Liên bang (FSB) của Nga ngày 19.6 cho biết họ đã ngăn chặn một loạt "âm mưu phá hoại và khủng bố" của Kyiv nhắm vào các quan chức được Nga hậu thuẫn trên lãnh thổ mà Moscow kiểm soát ở Ukraine. Phía Nga cũng đã bắt giữ một phụ nữ trong cuộc điều tra, theo Reuters.

Trong một tuyên bố, FSB cho biết mục tiêu trong các cuộc tấn công tiềm tàng là các quan chức thực thi pháp luật của Nga và các quan chức chính quyền được Nga hậu thuẫn ở tỉnh Zaporizhzhia, một trong 4 tỉnh của Ukraine mà Moscow đơn phương tuyên bố sáp nhập năm ngoái.

Số người chết do lũ lụt sau vụ vỡ đập ở Ukraine tăng lên

Kyiv không lập tức bình luận về các cáo buộc của FSB.

FSB cho biết họ đã mở vụ án hình sự đối với một phụ nữ mà họ mô tả là "đồng lõa", với các cáo buộc liên quan đến khủng bố và tàng trữ trái phép chất nổ.

Nga giải thích việc không cho LHQ hỗ trợ vùng ngập

Điện Kremlin ngày 19.6 cho biết việc Nga quyết định từ chối sự hỗ trợ của Liên Hiệp Quốc, tại các khu vực thuộc Ukraine do Nga kiểm soát đang bị ngập sau vụ vỡ đập Kakhovka, xuất phát từ lo ngại về an ninh và “các khía cạnh khác”, theo Reuters.

LHQ ngày 18.6 cho hay Moscow đã từ chối đề nghị giúp đỡ giữa lúc số người chết tăng lên và nước bẩn khiến các bãi biển ở miền nam Ukraine phải đóng cửa.

"LHQ sẽ tiếp tục can dự để tìm kiếm sự tiếp cận cần thiết. Chúng tôi kêu gọi các nhà chức trách Nga hành động phù hợp với nghĩa vụ của họ theo luật nhân đạo quốc tế", Denise Brown, điều phối viên nhân đạo của LHQ phụ trách Ukraine, cho biết trong một tuyên bố, theo The Guardian.

Tổng thống Putin nói gì về triển vọng hòa đàm với Ukraine trong cuộc gặp nhóm lãnh đạo châu Phi?

Sự cố vỡ đập vào ngày 6.6 đã gây ra ngập úng tại nhiều khu vực do Nga kiểm soát thuộc tỉnh Kherson ở miền nam Ukraine, phá hủy nhà cửa và đất nông nghiệp, đồng thời cắt đứt nguồn cung cấp nhu yếu phẩm cho người dân.

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.