Chiến sự ngày 485: Ukraine bất ngờ xác nhận chưa tung lực lượng phản công chủ chốt

Khánh An
Khánh An
24/06/2023 05:18 GMT+7

Tư lệnh Lục quân Ukraine Oleksandr Syrskyi cho biết lực lượng phản công chính vẫn chưa được tung vào chiến dịch.

Chiến sự ngày 485: Ukraine bất ngờ xác nhận chưa tung lực lượng phản công chủ chốt - Ảnh 1.

Binh sĩ Ukraine tập trận tại tỉnh Zaporizhzhia hôm 15.6

REUTERS

Tờ The Guardian ngày 23.6 dẫn lời Tư lệnh Lục quân Ukraine Oleksandr Syrskyi lần đầu tiên xác nhận rằng lực lượng chính thuộc bộ phận dự bị tấn công vẫn chưa được tung vào chiến dịch đối phó Nga.

Trong cuộc phỏng vấn độc quyền từ một căn cứ quân sự phía đông Ukraine, đại tướng Syrskyi cho biết "mọi thứ vẫn còn ở phía trước", đồng thời nói về áp lực, khó khăn trong cuộc chiến, sau khi Nga cũng nỗ lực tấn công trong những ngày qua.

Xem nhanh: Ngày 484 chiến dịch, Ukraine đổi cách phản công; Nga đã thích ứng ra sao?

Ông cho biết Bộ tổng Tham mưu Nga đã lường trước được nơi các lực lượng của Ukraine dễ gặp nguy hiểm nhất, đồng thời cảnh báo Điện Kremlin rằng ông đang săn lùng điểm yếu chết người trong phòng tuyến của họ.

Ông nói rằng "mọi người muốn chiến thắng lớn ngay lập tức, nhưng phải chuẩn bị rằng quá trình này cần thời gian vì có nhiều lực lượng ở mỗi bên", cũng như các trở ngại cơ giới.

"Tôi muốn nói rằng lực lượng chủ lực của chúng ta chưa tham gia chiến đấu, và bây giờ chúng ta đang tìm kiếm, thăm dò những chỗ yếu trong phòng thủ của địch", ông cho biết.

Trong vài ngày qua, phía Nga đã đẩy mạnh tấn công tại nhiều nơi như thị trấn Kupiansk ở Kharkiv và Lyman ở Donetsk. Tuy nhiên, theo CNN ngày 24.6, quân đội Ukraine cho biết đã đẩy lùi phía Nga tại các hướng này.

Tướng Syrskyi cho biết giao tranh dữ dội xảy ra tại rừng Serebryansky gần Bakhmut, khi Nga dường như di chuyển lực lượng chủ chốt từ phía nam. "Thật khó khăn và căng thẳng", ông mô tả tình hình chiến sự tại miền đông.

Tổng thống Putin: Quân đội Ukraine biết không có cơ hội trước Nga

Bộ Tổng tham mưu Ukraine đã tập hợp 12 lữ đoàn mới cho cuộc phản công quy mô lớn, với 9 lữ đoàn trong số đó được NATO trang bị. Đến nay, dường như chỉ mới có 3 lữ đoàn được tung vào chiến dịch.

Mỹ đề nghị điều tra về UAV Iran

Đài CNN ngày 23.6 đưa tin Đại sứ Mỹ tại Liên Hiệp Quốc Linda Thomas-Greenfield kêu gọi khẩn cấp điều tra các máy bay không người lái (UAV) do Iran cung cấp cho Nga.

"Mới đây thôi, tôi đã sát cánh cùng Ukraine, Pháp, Anh và Albania để lên tiếng về việc Nga và Iran vi phạm trắng trợn Nghị quyết 2231 của Hội đồng Bảo an Liên Hiệp Quốc", bà Thomas-Greenfield phát biểu trong một cuộc họp của Hội đồng Bảo an.

Nghị quyết trên đã được thông qua sau thỏa thuận hạt nhân Iran 2015 và nhằm kiểm soát việc chuyển giao vũ khí từ Iran.

"Chúng tôi vẫn chưa có lời giải thích vì sao các chuyên gia từ nhóm 2231 không được cử đến Ukraine để xem xét bằng chứng về nguồn gốc của những vũ khí này và sự hủy diệt mà chúng gây ra", bà lên tiếng.

Nga tố Ukraine bắn tên lửa Storm Shadow phá cầu dẫn đến Crimea

Tuy nhiên, Đại sứ Nga tại LHQ Vasily Nebenzya bác bỏ và cho rằng cáo buộc Nga dùng UAV của Iran ở Ukraine là vô căn cứ.

"Đây không phải là lần đầu tiên chúng tôi nghe thấy những cáo buộc về việc chúng tôi sử dụng máy bay không người lái của Iran ở Ukraine. Chúng tôi kiên quyết bác bỏ. Đây là những cáo buộc vô căn cứ và là những nỗ lực trắng trợn nhằm cố tình đánh lừa cộng đồng quốc tế", ông phát biểu tại cuộc họp.

Nga sẽ không hé lộ số đầu đạn hạt nhân ở Belarus

Hãng Interfax ngày 23.6 dẫn lời Thứ trưởng Ngoại giao Nga Sergei Ryabkov cho biết nước này sẽ không thông báo với Mỹ về số đầu đạn hạt nhân đang được chuyển đến Belarus, hay những vụ thử ngư lôi Poseidon có khả năng mang đầu đạn hạt nhân.

Nga và Belarus đều cho biết phía Belarus đã bắt đầu tiếp nhận vũ khí hạt nhân chiến thuật (tầm ngắn) mà Tổng thống Nga Vladimir Putin đã công khai hứa điều động đến quốc gia láng giềng.

Mỹ vẫn chi hàng tỉ USD mua uranium của Nga

"Tôi thực sự nghi ngờ khả năng vấn đề này trở thành chủ đề của bất kỳ cuộc thảo luận hay tiết lộ công khai nào từ phía chúng tôi", ông Ryabkov phát biểu phóng viên.

"Trong nhiều thập niên, Mỹ đã giữ vũ khí hạt nhân chiến thuật của mình trên lãnh thổ của một số quốc gia châu Âu và họ không bao giờ đưa ra con số chính xác", ông cáo buộc.

Vũ khí tầm ngắn không nằm trong các điều khoản của NEW START, hiệp ước nhằm giới hạn kho vũ khí hạt nhân chiến lược của các quốc gia. Tổng thống Putin đã đình chỉ tham gia, dù cả hai bên đã cam kết tiếp tục tôn trọng các giới hạn của nó.

Cũng không có hiệp ước hoặc cơ chế xác minh nào về ngư lôi có khả năng mang đầu đạn hạt nhân như Poseidon. Do đó, ông Ryabkov cho biết Nga không có kế hoạch thông báo cho Mỹ về các cuộc thử nghiệm hệ thống này.

Mỹ chưa bình luận về thông tin trên.

Tổng thống Ukraine nói tiến độ phản công chậm hơn mong muốn, không phải "phim Hollywood"

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.