Chiến sự ngày 462: Nga nói bắn chìm tàu chiến cuối cùng của Ukraine

01/06/2023 05:10 GMT+7

Quân đội Nga tuyên bố đã phá hủy tàu chiến cuối cùng của Ukraine trong cuộc tấn công mới đây tại cảng Odessa ở miền nam.

Phát ngôn viên Igor Konashenkov của Bộ Quốc phòng Nga ngày 31.5 cho biết tàu chiến cuối cùng của hải quân Ukraine, chiếc Yuri Olefirenko đã bị lực lượng không quân vũ trụ Nga phá hủy bằng vũ khí tấn công chính xác. Vụ tấn công xảy ra vào ngày 29.5 khi tàu chiến đang neo tại cảng Odessa, theo TASS. Yuri Olefirenko là tàu đổ bộ tầm trung.

Nga tuyên bố đã phá hủy tàu chiến cuối cùng của Ukraine

Phát ngôn viên Oleh Chalyk của hải quân Ukraine từ chối bình luận về tuyên bố của Nga. Ông nói rằng hải quân sẽ không tiết lộ bất kỳ thông tin nào về tổn thất trong chiến sự.

Hồi đầu tuần, các quan chức Ukraine thừa nhận 5 máy bay của nước này bị hư hại trong một cuộc tấn công ở miền tây trong khi cảng Odessa xảy ra vụ cháy do bị không kích.

Chiến sự ngày 462: Nga nói bắn chìm tàu chiến cuối cùng của Ukraine - Ảnh 1.

Tàu đổ bộ Yuri Olefirenko

BỘ QUỐC PHÒNG UKRAINE

Bộ Quốc phòng Nga ngày 31.5 thông báo các lực lượng nước này đang tiến hành các hoạt động tấn công chống lại quân đội Ukraine bên ngoài thành phố Donetsk ở miền đông Ukraine.

Đài RT dẫn thông báo cho biết các đơn vị tấn công của Lữ đoàn súng trường cơ giới số 5 của Nga và một đơn vị lực lượng đặc biệt Akhmat đang tấn công quân đội Ukraine gần thị trấn Maryinka, cách thành phố Donetsk, thủ phủ của tỉnh cùng tên khoảng 30 km về phía tây.

Xem nhanh: Chiến dịch quân sự Nga ở Ukraine ngày 461 có diễn biến gì nóng?

Đơn vị Akhmat có trụ sở tại Cộng hòa Chechnya thuộc Nga và là thành phần của Vệ binh Quốc gia Nga. Lực lượng này được đặt theo tên của Akhmad Kadyrov, nhà lãnh đạo đầu tiên của Chechnya và là cha của nhà lãnh đạo hiện tại, Ramzan Kadyrov.

Cũng trong ngày 31.5, Bộ Quốc phòng Nga tuyên bố phía Ukraine đã mất 200 binh sĩ tại khu vực Donetsk, 3 xe thiết giáp và 12 xe vận tải, một khẩu pháo và 2 giàn phóng rốc két đa nòng. 

Trong vòng 24 giờ, các hệ thống phòng không Nga ngăn chặn 12 quả rốc két phóng từ Hệ thống rốc két pháo binh cơ động cao (HIMARS) và một quả tên lửa hành trình tầm xa Storm Shadow.

Ukraine chưa bình luận gì về những thông tin trên.

Tổng thống Biden: Ukraine vẫn có thể có tên lửa tầm xa ATACMS

Trong ngày 31.5, Nga thông báo các vụ pháo kích và tấn công bằng máy bay không người lái (UAV) tiếp tục nhắm vào lãnh thổ nước này.

Đức tuyên bố Ukraine có quyền tự vệ

Người phát ngôn chính phủ Đức Steffen Hebestreit ngày 31.5 cho biết, theo luật pháp quốc tế, Ukraine có quyền "chính đáng" để tự vệ trước các cuộc tấn công của Nga.

Theo CNN, bình luận của ông Hebestreit liên quan các cuộc tấn công bằng UAV hôm 30.5 tại Moscow khiến 2 người bị thương và làm hư hại một số tòa nhà, theo truyền thông nhà nước Nga. Ukraine đã phủ nhận mọi liên quan.

Ông Hebestreit cho biết thêm rằng Thủ tướng Đức Olaf Scholz đã điện đàm với Tổng thống Ukraine Volodymyr Zelensky trong ngày 30.5.

Ngoại trưởng Anh James Cleverly hôm 30.5 cũng thừa nhận Ukraine có quyền hành động bên ngoài biên giới của họ để tự vệ. "Các mục tiêu quân sự hợp pháp bên ngoài biên giới của họ là một phần của quyền tự vệ. Và chúng ta nên công nhận điều đó", ông Cleverly nói.

Tổng thống Putin nói Ukraine tung UAV tấn công Moscow vì Nga đánh trụ sở tình báo quốc phòng Kyiv

Trong cuộc họp báo ngày 31.5, Điều phối viên phụ trách truyền thông chiến lược của Hội đồng An ninh Quốc gia Nhà Trắng John Kirby tuyên bố chính quyền Tổng thống Mỹ Joe Biden "không ủng hộ các cuộc tấn công trên đất Nga". Ông Kirby nói đã làm rõ điều này với phía Ukraine, đồng thời cho biết các quan chức Ukraine đã cam kết không sử dụng vũ khí do Mỹ cung cấp để tấn công trong lãnh thổ Nga.

Tổng thống Pháp nói Nga đánh thức NATO

Phát biểu tại một diễn đàn an ninh ở thủ đô Bratislava của Slovakia ngày 31.5, Tổng thống Pháp Emmanuel Macron nhắc lại tuyên bố trước đây của ông rằng NATO đã "chết não" nhưng đã "được đánh thức" bởi chiến dịch quân sự của Nga tại Ukraine, theo tờ The Guardian.

Chiến sự ngày 462: Nga nói bắn chìm tàu chiến cuối cùng của Ukraine - Ảnh 3.

Tổng thống Emmanuel Macron phát biểu tại Bratislava ngày 31.5

AFP

Ông nhấn mạnh rằng Ukraine đang bảo vệ châu Âu và NATO phải đảm bảo an ninh cho Kyiv. "Tôi ủng hộ việc đó và nó sẽ là chủ đề của các cuộc đối thoại tập thể trong những tuần tới, nhằm mang lại những cam kết an ninh hữu hình và đáng tin cậy cho Ukraine", Tổng thống Macron nói. Ông cho biết thêm nhiều thành viên NATO có thể đưa ra những cam kết an ninh trong lúc Ukraine chờ gia nhập liên minh.

Tổng thống Zelensky gây sức ép với phương Tây

"Chúng ta cần giúp Ukraine bằng mọi phương tiện để họ thực hiện cuộc phản công hiệu quả. Đó là điều chúng ta đang làm. Chúng ta phải tăng cường nỗ lực vì điều sắp xảy ra trong vài tháng tới sẽ mở ra cơ hội cho một nền hòa bình lâu dài", ông Macron phát biểu.

Mặt khác, Tổng thống Pháp kêu gọi các nước thuộc Liên minh châu Âu (EU) mua sắm vũ khí và trang bị năng lực tấn công vì khả năng tự vệ của châu Âu trong tương lai sẽ phụ thuộc vào người châu Âu.

Nga không quyết định việc Ukraine gia nhập NATO

Ngoại trưởng Na Uy Anniken Huitfeldt ngày 31.5 nói rằng chỉ có Ukraine và các nước NATO mới có quyền quyết định khi nào Kyiv trở thành thành viên của liên minh, và Moscow không có tiếng nói trong chuyện này, theo Reuters.

Tuyên bố của bà Huitfeldt được đưa ra trong cuộc trao đổi với các phóng viên trước thềm hội nghị ngoại trưởng NATO tại Oslo từ ngày 31.5 - 1.6. Các nước đang tìm cách thu hẹp sự chia rẽ về nỗ lực của Ukraine trong việc trở thành thành viên NATO, trước hội nghị thượng đỉnh vào tháng 7 tại Lithuania.

Ngoại trưởng Na Uy: Nga không có quyền quyết định việc Ukraine gia nhập NATO

NATO đã không chấp thuận yêu cầu đẩy nhanh tiến trình gia nhập của Ukraine vì các chính phủ phương Tây như Mỹ và Đức cảnh giác với bất kỳ động thái nào có thể đưa liên minh đến gần hơn với xung đột với Nga.

Tuần trước, Tổng thư ký NATO Jens Stoltenberg cho biết Ukraine sẽ không thể gia nhập NATO trong khi cuộc xung đột với Nga đang diễn ra, nhưng nói rằng câu chuyện sẽ khác khi xung đột kết thúc.

Nga phản đối việc Ukraine gia nhập NATO nhưng chiến dịch quân sự của nước này đã gây ra sự thay đổi chính sách mang tính lịch sử của Phần Lan, nước gia nhập NATO vào tháng 4.

Thụy Điển cũng xin gia nhập cùng lúc với Phần Lan nhưng bị Hungary và Thổ Nhĩ Kỳ cản trở. Ngoại trưởng Na Uy Huitfeldt cho rằng Thụy Điển nên trở thành thành viên chính thức của NATO trước hội nghị thượng đỉnh vào tháng 7. "Hoàn toàn không có lý do gì để kìm hãm Thụy Điển. Họ đáp ứng tất cả các tiêu chí", bà nói.

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.