Chiến sự ngày 390: Mỹ cảnh giác trước cuộc gặp của ông Tập và ông Putin

21/03/2023 05:00 GMT+7

Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình đã gặp Tổng thống Nga Vladimir Putin ở Moscow hôm 20.3, trong nỗ lực thúc đẩy vai trò của Bắc Kinh như là thế lực kiến tạo hòa bình tiềm năng cho Ukraine.

Chiến sự ngày 390: Mỹ cảnh giác trước cuộc gặp của ông Tập và ông Putin - Ảnh 1.

Cái bắt tay giữa hai nhà lãnh đạo Nga-Trung ở Điện Kremlin

REUTERS

Nga và Trung Quốc có cùng mục tiêu

Tại Điện Kremlin, Chủ tịch Tập khẳng định với Tổng thống Putin rằng Nga và Trung Quốc "có mục tiêu tương tự nhau", và cả hai đều thúc đẩy nỗ lực nhằm đạt được sự phồn thịnh cho nước mình.

"Chúng ta có thể hợp tác và cùng nhau hành động để đạt được những mục tiêu đó", Đài CNN dẫn lời ông Tập.

Đối thoại thượng đỉnh Nga-Trung ở Điện Kremlin

"Nga là quốc gia đầu tiên tôi đến sau khi tái đắc cử Chủ tịch Trung Quốc", ông Tập nói với ông Putin.

Ông Tập cũng tin rằng ông Putin nhận được sự ủng hộ của người dân Nga trước cuộc bầu cử tổng thống diễn ra vào năm sau, dù ông Putin đến nay vẫn chưa xác nhận sẽ tranh cử.

Đối thoại thượng đỉnh Nga-Trung ở Điện Kremlin

Ông Putin nói với ông Tập rằng mình đã xem xét những đề nghị của Trung Quốc về sáng kiến cho cuộc xung đột Ukraine, và nhà lãnh đạo Nga xem những đề nghị này với sự tôn trọng.

"Chúng tôi cởi mở trước việc khởi động tiến trình đàm phán về Ukraine", ông Putin cho biết.

Sau khi cuộc gặp thượng đỉnh Nga-Trung diễn ra ở Điện Kremlin, Ngoại trưởng Mỹ Antony Blinken bày tỏ sự hoài nghi về các đề xuất hòa đàm liên quan Ukraine do Chủ tịch Tập đưa ra trong chuyến thăm Moscow. Ông Blinken còn cảnh báo rằng đây có thể là "chiến thuật trì hoãn" nhằm giúp Nga đạt được đà tiến trên bộ ở Ukraine.

Xem nhanh: Ngày 389 chiến dịch, Chủ tịch Trung Quốc đến Nga; phương Tây giúp Ukraine chuẩn bị phản công

Nguy cơ 'Bakhmut thứ hai'

Hôm 20.3, Ukraine cảnh báo thị trấn miền đông Avdiivka có thể sớm rơi vào cục diện như Bakhmut. Reuters dẫn lời người phát ngôn Oleksiy Dmytrashkivskyi của nhánh bộ binh Tavria (Ukraine) đồng ý với phân tích của tình báo quân đội Anh rằng Nga đang tìm cách cắt đứt các đường dây chi viện cho Avdiivka.

"Quân địch thường xuyên tìm cách bao vây Avdiivka. Tôi hết sức nhất trí với các đồng nghiệp Anh về khả năng Avdiivka có thể sớm trở thành Bakhmut thứ hai", ông Dmytrashkivskyi cho biết.

Avdiivka nằm ở phía bắc thành phố miền đông Donetsk, nơi Nga kiểm soát từ năm 2014.

Bên cạnh đó, mặt trận Bakhmut ở vùng công nghiệp Donbass tiếp tục diễn ra một trong những trận chiến khốc liệt nhất sau gần 13 tháng chiến sự ở Ukraine. Thủ lĩnh Yevgeny Prigozhin của nhóm lính đánh thuê Nga Wagner tuyên bố đến tối 20.3, các đơn vị của mình đã kiểm soát 70% Bakhmut.

Bakhmut còn khốc liệt, Ukraine đã cảnh báo nguy cơ xuất hiện "Bakhmut thứ hai"

Tuy nhiên, trong thư gửi Bộ trưởng Quốc phòng Nga Sergei Shoigu được công bố hôm 20.3, ông Prigozhin cảnh báo quân đội Ukraine có kế hoạch phản công nhằm cắt đứt các đơn vị Wagner khỏi lực lượng chính của quân Nga ở miền đông Ukraine.

Sếp Wagner đề nghị Bộ trưởng Shoigu hãy thực thi mọi biện pháp có thể để ngăn chặn viễn cảnh đó xảy ra, vào kéo theo "những hậu quả tiêu cực" cho nỗ lực quân sự của Nga ở Ukraine.

Chiến sự ngày 390: Mỹ cảnh giác trước cuộc gặp của ông Tập và ông Putin - Ảnh 3.

Một hệ thống pháo của Nga ở Ukraine

BỘ QUỐC PHÒNG NGA

Nga cập nhật diễn tiến ở các mặt trận

Cùng ngày, TASS cho biết các hệ thống phòng không Nga trong vòng 24 giờ qua đã bắn hạ 5 rốc két HIMARS (Hệ thống rốc két pháo binh cơ động cao) do Mỹ sản xuất và viện trợ cho Ukraine.

Trung tướng Igor Konashenkov, người phát ngôn Bộ Quốc phòng Nga, cho hay phía Nga cũng phá hủy một tên lửa chống bức xạ HARM và 7 máy bay không người lái của đối phương gần Kremennaya, Rubezhnoye, Ploshchanka và Karmazinovka thuộc Lugansk, cùng Kirillovka (Donetsk).

"Ở hướng Kupyansk, máy bay và pháo binh của nhóm tác chiến miền tây đã tấn công những đơn vị quân sự của Ukraine gần Dvurechnaya và Berestovoye (Kharkiv) và Artyomovka (Luhansk)", theo người phát ngôn.

'Bệnh viện xe buýt' nỗ lực cứu thương binh Ukraine

"Về hướng Krasny Liman, các đơn vị của thuộc đội quân của Nga ở đây, với sự yểm trợ của máy bay, pháo binh đã loại bỏ binh lực và thiết bị của Ukraine gần Yampolovka và Terny (Donetsk)", tướng Konashenkov cập nhật thông tin.

Trong khi đó, về hướng Donetsk, phía Nga cũng tuyên bố phá hủy 1 xe tăng, 3 xe chiến đấu bọc thép, một pháo phản lực phóng loạt Grad và lựu pháo tự hành Msta-B gần Semyonovka, Petrovskoye và Tonenkoye.

Các vụ giao tranh cũng diễn ra ở Kherson, Zaporizhia, Kharkiv, và Nga cho biết đã vô hiệu hóa nhiều vũ khí, thiết bị quân sự của Ukraine tại đây.

Chiến sự ngày 390: Mỹ cảnh giác trước cuộc gặp của ông Tập và ông Putin - Ảnh 4.

Mỹ sẽ chuyển giao các bệ phóng HIMARS cho Ukraine theo gói viện trợ mới nhất

REUTERS

17 nước EU và Na Uy mua đạn dược cho Ukraine

Hôm 20.3, Cơ quan Quốc phòng châu Âu của Liên minh châu Âu (EU) thông báo 17 thành viên EU và Na Uy nhất trí cùng nhau mua đạn dược hỗ trợ Ukraine và bổ sung vào kho vũ khí của những nước này.

"Dự án mở đường cho các thành viên EU và Na Uy triển khai theo hai hướng: đầu tiên là lộ trình nhanh, kéo dài 2 năm để tiếp cận đạn pháo 155 mm, thứ hai là dự án 7 năm nhằm trang bị nhiều loại đạn dược khác nhau", Reuters dẫn thông báo của cơ quan EU.

"Áo, Bỉ, Croatia, CH Síp, CH Czech, Estonia, Phần Lan, Pháp, Đức, Hy Lạp, Luxembourg, Malta, Hà Lan, Bồ Đào Nha, Romania, Slovakia, Thụy Điển và Na Uy đã ký vào dự án", Cơ quan Quốc phòng châu Âu cho biết, thêm rằng có những thành viên EU khác đang bày tỏ sự quan tâm với sáng kiến này.

Nga nói chuyến thăm của Tổng thống Putin tới Donbass là 'tự phát'

Cùng ngày, Mỹ công bố khoản viện trợ quân sự mới trị giá 350 triệu USD cho Ukraine, bao gồm các bệ phóng HIMARS, xe chiến đấu bộ binh Bradley.

"Một mình Nga có thể chấm dứt chiến sự vào ngày hôm nay. Cho đến khi Nga làm điều đó, chúng tôi đã đoàn kết với Ukraine cho đến tận cuối cùng", Ngoại trưởng Mỹ Antony Blinken tuyên bố khi công khai khoản viện trợ mới.

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.