Chiến sự ngày 334: Nga, Ukraine đều thiệt hại nặng

Khánh An
Khánh An
24/01/2023 04:30 GMT+7

Trong khi Ukraine chờ vũ khí hạng nặng từ phương Tây, chiến sự vẫn tiếp diễn khốc liệt khiến 2 bên thiệt hại nặng nề.

Binh sĩ Ukraine bị thương được sơ tán tại Donetsk vào ngày 23.1

reuters

Báo Kyiv Independent ngày 23.1 đưa tin Nga tấn công tại 7 tỉnh ở miền đông, nam và bắc Ukraine trong vòng 24 giờ, trong khi 2 bên tiếp tục đưa ra những con số tổn thất về binh sĩ, thiết bị của đối phương.

Các tỉnh hứng hỏa lực Nga gồm Donetsk, Kherson, Kharkiv, Sumy, Dnipropetrovsk, Zaporizhzhia và Luhansk. Tại Kherson, làng Antonivka trúng hỏa lực Nga khiến 1 người thiệt mạng, theo tỉnh trưởng Yaroslav Yanushevych.

Điểm mặt các loại xe chiến đấu bọc thép hạng nặng Mỹ, châu Âu viện trợ cho Ukraine

Bộ Tổng tham mưu các Lực lượng vũ trang Ukraine ngày 23.1 cho hay rằng kể từ đầu chiến sự đến nay, phía Nga đã tổn thất 121.480 binh sĩ, cùng 3.150 xe tăng, 6.276 xe chiến đấu bọc thép, 4.936 xe cộ khác, 2.146 khẩu pháo, 447 khẩu pháo phóng loạt, 220 hệ thống phòng không, 287 máy bay, 277 trực thăng, 1.894 máy bay không người lái và 18 tàu thuyền.

Trong các thông cáo mới nhất, Bộ Quốc phòng Nga cho hay lực lượng nước này đã giành quyền kiểm soát khu vực Krasnopolye ở Donetsk. Ngoài ra, theo Sputnik, Bộ Quốc phòng Nga ngày 23.1 còn cho hay phía Ukraine đã tổn thất thêm 40 binh sĩ tại hướng Kupiansk và 70 binh sĩ cùng một hệ thống radar ở hướng Lyman.

Các binh sĩ Ukraine ở gần tiền tuyến tại khu vực Soledar vào ngày 23.1

reuters

Ở hướng Zaporizhzhia, Ukraine tổn thất 30 binh sĩ và 1 khẩu Grad. Còn ở hướng Dnipro, Nga đã phá hủy một hệ thống rốc két pháo binh cơ động cao (HIMARS) của Ukraine do Mỹ sản xuất.

Ở vùng Donetsk, Ukraine tổn thất thêm 60 binh sĩ, 2 xe chiến đấu bọc thép, 1 khẩu pháo Msta-B và 1 khẩu D-30.

Nga và Ukraine chưa bình luận về những con số trên do đối phương đưa ra.

Cáo buộc mới của Nga về HIMARS

Hãng Reuters ngày 23.1 đưa tin Cục Tình báo nước ngoài Nga (SVR) cáo buộc Ukraine đặt những vũ khí phương Tây cung cấp tại các nhà máy điện hạt nhân trên cả nước, trong đó có hệ thống rốc két pháo binh cơ động cao (HIMARS).

Trong thông cáo, SVR không đưa ra chứng cứ nhưng cáo buộc Ukraine đặt HIMARS, các hệ thống phòng không và đạn pháo do Mỹ cung cấp tại nhà máy điện hạt nhân Rivne ở tây bắc Ukraine.

Tại sao HIMARS ngày càng quan trọng đối với Ukraine?

Khi được hỏi về thông tin trên, phát ngôn viên Điện Kremlin Dmitry Peskov nói rằng điều đó thể hiện tầm quan trọng của việc duy trì đối thoại với Cơ quan Năng lượng nguyên tử quốc tế (IAEA).

Tuy nhiên, ông cho hay hiện chưa có kế hoạch gặp mặt nào giữa Tổng giám đốc IAEA Rafael Grossi và Tổng thống Nga Vladimir Putin. Ukraine chưa bình luận về cáo buộc mới nhất của phía Nga.

Xem thêm: Nga cáo buộc Ukraine đặt HIMARS ở nhà máy điện hạt nhân

Estonia viện trợ kỷ lục cho Ukraine

Báo Kyiv Independent ngày 23.1 đưa tin Estonia sẽ bàn giao tất cả pháo 155 mm cho Ukraine theo gói viện trợ kỷ lục công bố hôm 19.1.

“Chúng tôi muốn tạo tiền lệ để các nước khác sẽ không có bất cứ lý do nào không cung cấp vũ khí cần thiết giúp Ukraine chiến thắng”, theo Đại sứ Estonia tại Ukraine Kaimo Kuusk.

Đại sứ Kuusk còn xác nhận thông tin trên truyền thông trước đó về việc gói viện trợ sẽ có hàng chục khẩu pháo FH-70 (155 mm) và D-30 (122 mm), cùng hàng ngàn viên đạn pháo 155 mm, hàng trăm súng phóng lựu chống tăng M2 Carl Gustaf và đạn dược.

Đức sẽ không cản Ba Lan chuyển xe tăng Leopard cho Ukraine, Pháp có thể xem xét chuyển xe tăng Leclerc

Liên quan việc viện trợ cho Ukraine, Reuters đưa tin ngoại trưởng các nước Liên minh châu Âu (EU) ngày 23.1 đồng ý chi thêm 500 triệu euro viện trợ cho Ukraine, nâng tổng mức viện trợ quân sự từ chi tiêu chung của EU lên 3,6 tỉ euro.

Nếu tính thêm cả mức hỗ trợ riêng của từng nước, EU đã cam kết hỗ trợ hơn 11 tỉ euro vũ khí cho Ukraine.

Xem thêm: 'Tạo tiền lệ', Estonia sẽ giao toàn bộ pháo 155 mm cho Ukraine

Căng thẳng giữa Nga với Estonia, Latvia

Trong diễn biến liên quan, Reuters đưa tin Nga thông báo hạ cấp quan hệ ngoại giao với Estonia với cáo buộc “hoàn toàn bài Nga”, trong khi Estonia cũng đáp trả bằng cách yêu cầu phái bộ Nga rời khỏi Estonia.

Cùng ngày, Bộ Ngoại giao Latvia cho biết đã yêu cầu Đại sứ Nga rời khỏi Latvia trước ngày 24.2, trong động thái thể hiện sự đoàn kết với Estonia.

Trong một diễn biến khác, ông Andriy Yermak, Chánh văn phòng Tổng thống Ukraine, cho biết nước này cần vài trăm xe tăng từ các đồng minh phương Tây để phản công và giành lại kiểm soát những lãnh thổ từ Nga.

Bạn biết gì về các loại xe tăng phương Tây mà Ukraine đang mong chờ được cung cấp?

“Chúng tôi cần xe tăng, không phải 10 đến 20 chiếc mà là vài trăm. Mục tiêu của chúng tôi là khôi phục biên giới năm 1991”, quan chức này của Ukraine viết trên Telegram.

Đức không ngăn Ba Lan gửi xe tăng cho Ukraine

Đài CNN ngày 23.1 dẫn lời Ngoại trưởng Đức Annalena Baerbock cho hay nước này sẽ không ngăn Ba Lan gửi các xe tăng chiến đấu Leopard 2 cho Ukraine, trong bối cảnh các bên chưa thống nhất về viện trợ vũ khí hạng nặng này cho Kyiv.

“Nếu được hỏi, chúng tôi sẽ không ngăn cản”, bà Baerbock trả lời báo giới.

Liên quan việc Đức chần chừ trong việc gửi xe tăng chiến đấu cho Ukraine, bà cho biết Đức có quy định liên quan việc kiểm soát sử dụng đầu cuối.

Giám đốc CIA, tổng thống Ukraine lo viện trợ vũ khí từ Mỹ sẽ gặp khó vì lý do gì?

Xem thêm: Đức không ngăn Ba Lan gửi xe tăng Leopard 2 cho Ukraine

Nga nói Mỹ “luôn khiêu khích”

Hãng TASS ngày 23.1 dẫn lời Thứ trưởng Ngoại giao Nga Sergei Ryabkov cho rằng tình hình hiện nay không có lợi cho việc ấn định ngày họp ủy ban tư vấn Nga-Mỹ về Hiệp ước Cắt giảm và Hạn chế vũ khí tấn công chiến lược (New START).

“Tình hình hiện tại không khuyến khích thiết lập một ngày mới, nhất là khi cân nhắc xu hướng leo thang trong cả hành động lẫn luận điệu của Mỹ”, ông nhận định và cáo buộc Mỹ “luôn khiêu khích Nga”.

Nhà ngoại giao này cáo buộc phía Mỹ chờ đợi thời điểm Nga có phản ứng dẫn đến việc gián đoạn. "Do đó, họ không nên kỳ vọng vào mọi việc trong lĩnh vực này tiến hành như thường lệ”, theo ông Ryabkov.

Ngoại trưởng Lavrov nói phương Tây và Nga gần như đang có "cuộc chiến thực sự"

Trong một diễn biến khác, Reuters dẫn lời Ngoại trưởng Nga Sergei Lavrov nói rằng Ukraine từ chối hòa đàm càng lâu thì càng khó có được giải pháp. Ông còn cho rằng mâu thuẫn giữa Nga với phương Tây “hầu như là cuộc chiến thực sự”.

Ngoài ra, ông cho biết thỏa thuận ngũ cốc ở biển Đen “ít nhiều” đang được tuân thủ. Mỹ và Ukraine chưa đưa ra bình luận về những phát biểu trên.

Xem thêm diễn biến tình hình Ukraine:

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.