Chiến sự ngày 216: Ukraine đe dọa lính dự bị Nga

28/09/2022 05:30 GMT+7

Ukraine kêu gọi lực lượng dự bị Nga nên đầu hàng nếu muốn bảo toàn mạng sống. Cùng ngày, Nga công bố kết quả trưng cầu dân ý sơ bộ về việc sáp nhập các vùng tại Ukraine vào Nga.

Tỉnh trưởng Kharkiv Oleh Syniehubov ngày 27.9 thông báo lực lượng Ukraine đã giải phóng làng Kupiansk-Vuzlovyi ở tả ngạn sông Oskil. Ông Syniehubov cho biết thêm lực lượng Nga chỉ còn kiểm soát khoảng 6% diện tích của tỉnh Kharkiv, theo tờ Kyiv Independent. Cuộc phản công trong tháng này của Ukraine tại Kharkiv đã giúp nước này giành lại nhiều vùng lãnh thổ.

Xe quân sự Nga bị phá hủy tại Izium, Kharkiv

Reuters

Không quân Ukraine cùng ngày thông báo đã bắn hạ 3 máy bay không người lái Shahed-136 được cho là của Iran cung cấp cho Nga tại tỉnh Mykolaiv. Phía Nga chưa bình luận về thông tin này nhưng Moscow và Tehran đã bác bỏ thông tin chuyển giao máy bay không người lái.

Xem nhanh: Ngày 217 chiến dịch, Nga huy động quân dự bị nhưng Ukraine nói không cần, chỉ muốn thêm vũ khí phương Tây

Ukraine đe dọa quân dự bị Nga

Chánh văn phòng tổng thống Ukraine Andriy Yermak ngày 27.9 kêu gọi binh sĩ Nga nên đầu hàng nếu muốn có cơ hội sống, nếu không họ sẽ bị mất mạng. Lời đe dọa được đưa ra cho các binh sĩ dự bị vừa gia nhập lực lượng chiến đấu của Nga theo lệnh động viên cục bộ của Tổng thống Vladimir Putin hồi tuần trước.

Lễ xuất quân của lực lượng dự bị Nga tại Sevastopol ngày 27.9

Reuters

Lượng người Nga đổ về biên giới các nước lân cận từ khi lệnh động viên được công bố đã tăng mạnh trong những ngày qua. Tờ Novaya Gazeta Europe đưa tin có đến 261.000 nam giới Nga rời khỏi Nga kể từ lệnh động viên. Tuy nhiên, phát ngôn viên Điện Kremlin Dmitry Peskov ngày 27.9 nói không có số liệu này và khuyến cáo nên hỏi lực lượng biên phòng. Ông Peskov cũng nói rằng Nga chưa quyết định về việc đóng cửa biên giới hay ban bố thiết quân luật, theo TASS. Bộ Quốc phòng Nga tuyên bố không có ý định yêu cầu các nước láng giềng đưa công dân Nga về lại Nga.

Trưng cầu dân ý ở 4 khu vực Ukraine có kết quả, mối lo xung đột hạt nhân nổi lên

Đa số ủng hộ gia nhập Nga, Ukraine không công nhận

Ngày 27.9 là ngày bỏ phiếu cuối cùng của các cuộc trưng cầu dân ý về việc sáp nhập các vùng "Cộng hòa Nhân dân Donetsk" tự xưng (DPR), "Cộng hòa Nhân dân Luhansk" tự xưng (LPR), vùng do Nga kiểm soát tại Zaporizhzhia và Kherson, vào lãnh thổ Nga.

Sputnik dẫn kết quả bỏ phiếu sơ bộ tại các điểm bỏ phiếu ở Nga cho thấy người dân các vùng nói trên đang sống tại Nga đa số đồng ý ủng hộ việc sáp nhập, với kết quả hầu như từ 96% trở lên.

Kiểm phiếu trưng cầu dân ý tại Sevastopol

Reuters

Lượng cử tri đi bỏ phiếu đều trên mức cần thiết để được coi là hợp lệ. Bà Valentina Matviyenko, Chủ tịch Hội đồng Liên bang Nga (Thượng viện), nói rằng nếu kết quả thuận lợi, thượng viện có thể cân nhắc việc sáp nhập 4 vùng trên vào ngày 4.10.

Ngoại trưởng Ukraine Dmytro Kuleba tuyên bố những cuộc bỏ phiếu do các quan chức được Nga hậu thuẫn tại các vùng lãnh thổ của Ukraine sẽ không có tác động nào đến chính trị, ngoại giao và hành động của Ukraine trên chiến trường.

Ukraine và phương Tây cho rằng các cuộc trưng cầu dân ý này là giả mạo và không hợp pháp, do đó không công nhận kết quả. Châu Âu cũng đang xem xét cấm vận những người tổ chức việc bỏ phiếu này.

Xem thêm: Truyền thông Nga: Kết quả trưng cầu dân ý sơ bộ đa số ủng hộ sáp nhập Nga

Nghi án phá hoại vụ rò rỉ khí gas đường ống từ Nga sang châu Âu

Hai đường ống dẫn khí đốt từ Nga sang châu Âu là Nord Stream 1 và Nord Stream 2 đã bị rò rỉ và gây nguy cơ cho tàu thuyền, máy bay hoạt động tại khu vực biển Baltic.

Quân đội Đan Mạch công bố hình ảnh cho thấy những đám bong bóng khí lớn nổi lên mặt biển từ 3 lỗ rò rỉ tại vùng đặc quyền kinh tế của Thụy Điển và Đan mạch, có đường kính từ 200-1.000 m.

Tình báo Mỹ từng cảnh báo Đức về nguy cơ đường ống Nord Stream bị tấn công

Lãnh đạo Cơ quan Năng lượng Đan Mạch Kristoffer Bottzauw nói các lỗ rò rỉ rất lớn và có thể phải mất cả tuần để bịt lại đường ống Nord Stream 2. Đường ống này dẫn ga từ Nga sang Đức, dù chưa chính thức vận hành nhưng cũng đã có ga bên trong. Đường ống Nord Stream 1 cũng đã ngừng hoạt động do mâu thuẫn về tình hình Ukraine.

Mạng lưới Địa chấn quốc gia Thụy Điển thông báo đã ghi nhận 2 vụ giải phóng năng lượng cực lớn ngày 26.9 ngay trước vụ rò rỉ khí ga và cũng gần vị trí rò rỉ ở ngoài khơi đảo Bornholm của Đan Mạch. Nhà khoa học địa chấn Peter Schmidt của Đại học Uppsala (Thụy Điển) nói với AFP rằng không có gì khác ngoài một vụ nổ có thể giải phóng năng lượng lớn đến mức này.

Bọt khí ga từ đường ống Nord Stream 2 rò rỉ gần Bornholm, Đan Mạch

Reuters

Thủ tướng Mateusz Morawiecki Ba Lan cho rằng có kẻ đã phá hoại nhưng không nêu bằng chứng. Thủ tướng Đan Mạch Mette Frederiksen cũng không loại trừ khả năng này.

Nga nói cực kỳ lo ngại về các vụ rò rỉ và không loại trừ bất kỳ nguyên nhân nào. Trong khi đó, Ukraine cáo buộc Nga đã "tấn công khủng bố" nhằm vào EU. Vụ rò rỉ chấm dứt những kỳ vọng còn sót lại về khả năng châu Âu có thể nhận khí đốt từ Nga qua đường ống Nord Stream 1 trước mùa đông, theo Reuters.

Kịch bản có thể xảy ra nếu Tổng thống Putin dùng vũ khí hạt nhân ở Ukraine

Nga lại đe dọa hạt nhân

Ông Dmitry Medvedev, người hiện là phó chủ tịch Hội đồng An ninh Nga, ngày 27.9 đã chỉ ra tình huống có thể thúc đẩy Moscow tiến hành một cuộc tấn công hạt nhân tại Ukraine.

"Hãy tưởng tượng rằng Nga buộc phải sử dụng vũ khí đáng sợ nhất chống lại chế độ Ukraine, những kẻ đã thực hiện hành động gây hấn quy mô lớn tạo ra nguy hiểm cho chính sự tồn tại của nhà nước chúng ta", ông Medvedev tuyên bố trong một bài đăng trên Telegram, theo Reuters.

Xem thêm: Chiến sự tối 27.9: Nga lại đe dọa hạt nhân, nói NATO sẽ không dám đáp trả

Xem thêm diễn biến chiến sự Ukraine:

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.