Chiến sự Nga-Ukraine chiều 8.3: ông Tập Cận Bình lên tiếng, Ukraine bắt đầu sơ tán

Văn Khoa
Văn Khoa
08/03/2022 19:25 GMT+7

Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình hôm nay 8.3 lên tiếng về tình hình Ukraine trong cuộc gặp trực tuyến với giới lãnh đạo Pháp và Đức, khi chiến dịch quân sự của Nga ở Ukraine bước sang ngày thứ 13.

Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình hôm nay 8.3 kêu gọi "kiềm chế tối đa" về vấn đề Ukraine, gọi cuộc khủng hoảng Ukraine "gây lo lắng sâu sắc", theo AFP dẫn lại thông tin từ Đài truyền hình trung ương Trung Quốc (CCTV). Ông Tập đưa ra lời kêu gọi này trong cuộc gặp trực tuyến với Tổng thống Pháp Emmanuel Macron và Thủ tướng Đức Olaf Scholz.

Chủ tịch Tập Cận Bình kêu gọi các bên "kiềm chế tối đa" ở Ukraine

Ông Tập còn nhấn mạnh ông muốn Nga và Ukraine "duy trì đà đàm phán, vượt qua các khó khăn và tiếp tục đối thoại để đạt kết quả... đồng thời ngăn chặn một cuộc khủng hoảng nhân đạo quy mô lớn", theo CCTV.

Ukraine bắt đầu sơ tán

Reuters đưa tin giới chức Ukraine hôm nay bắt đầu sơ tán dân thường ở một số thành phố sau khi phía Nga tuyên bố ngừng bắn và mở hành lang nhân đạo. Theo đó, người dân bắt đầu rời khỏi thành phố Sumy ở vùng đông bắc và thị trấn Irpin gần thủ đô Kyiv.

Ukraine bắt đầu sơ tán dân theo 'hành lang nhân đạo'

Hôm 7.3, Bộ Quốc phòng Nga thông báo nước này sẽ tuyên bố “chế độ im lặng” từ 10 giờ sáng hôm nay 8.3 theo giờ Moscow, tức khoảng 14 giờ cùng ngày theo giờ Việt Nam, và “sẵn sàng mở các hành lang nhân đạo” ở Kyiv và 3 thành phố Mariupol, Kharkiv và Sumy, theo AFP.

Trong khi đó, phát ngôn viên Bộ Ngoại giao Ukraine Oleg Nikolenko cáo buộc lực lượng Nga nã pháo vào một tuyến sơ tán dành cho dân thường bị mắc kẹt ở Mariupol hôm nay, vi phạm thỏa thuận ngừng bắn, theo Reuters. Nga chưa có phản ứng về cáo buộc này.

Quân nhân Ukraine kiểm tra đạn dược từ xe quân sự bị phá hủy ở vùng Sumy ngày 7.3

AFP

Bộ Quốc phòng Nga đưa ra thông báo ngừng bắn mới sau khi Văn phòng Cao ủy Liên Hiệp Quốc về Nhân quyền khẳng định có ít nhất 406 dân thường, trong đó có 27 trẻ em, thiệt mạng ở Ukraine kể từ khi Moscow phát động chiến dịch quân sự ở Ukraine.

Ngoài ra, Văn phòng Cao Ủy Liên Hiệp Quốc về người tị nạn (UNHCR) hôm nay cho hay số người xin tị nạn từ chiến sự Nga-Ukraine đã tăng lên khoảng 2 triệu người, theo Reuters.

Hiện chưa có phản ứng của Nga về thông tin thương vong đối với dân thường. Moscow lâu nay phủ nhận chiến dịch quân sự ở Ukraine nhắm vào các mục tiêu dân sự.

Xem nhanh: Có gì trong ngày thứ 13 chiến sự Nga-Ukraine?

Tổng thống Zelensky chỉ trích phương Tây thất hứa?

Trong khi đó, Tổng thống Ukraine Volodymyr Zelensky hôm nay lên án điều ông gọi là những lời hứa không được thực hiện từ phương Tây là bảo vệ Ukraine trước chiến dịch quân sự của Nga.

“13 ngày qua chúng tôi đã nghe nhiều lời hứa, 13 ngày qua chúng tôi được bảo rằng chúng tôi sẽ được hỗ trợ trên không, rằng sẽ có máy bay, rằng các máy bay sẽ được giao cho chúng tôi", Tổng thống Zelensky nói và bức xúc: “Nhưng trách nhiệm cho những lời hứa đó cũng dừng lại ở những người không có khả năng đưa ra quyết định ở phương Tây trong 13 ngày qua”, theo Reuters.

Ngày 28.2, ông đã đề nghị NATO lập vùng cấm bay trên bầu trời Ukraine để ngăn chặn tên lửa và máy bay từ Nga nhưng đến ngày 4.3, NATO quyết định bác bỏ đề nghị này và không đưa máy bay quân sự đến Ukraine.

Lính nước ngoài nói gì khi đến tham chiến tại Ukraine?

Tuy không lập vùng cấm bay và không đưa quân đến Ukraine, các nước thành viên NATO gần đây đã triển khai hàng ngàn binh sĩ đến sườn phía đông của khối và đang gửi vũ khí để hỗ trợ Ukraine phòng thủ. Ngoài ra, phương Tây còn đe dọa áp đặt các lệnh trừng phạt mới nhắm vào Nga vì chiến dịch quân sự của nước này ở Ukraine.

“Rất rõ ràng rằng chúng tôi sẵn sàng thực hiện thêm các biện pháp nặng nếu Tổng thống Nga Vladimir Putin không dừng lại...”, Chủ tịch Ủy ban Châu Âu Ursula von der Leyen tuyên bố hôm 4.3.

Chiến sự Nga - Ukraine:

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.