Chiến lược quy hoạch tỉnh Quảng Trị đến năm 2030, tầm nhìn 2050

25/03/2022 08:00 GMT+7

Nghị quyết ĐH Đảng bộ tỉnh Quảng Trị lần thứ XVII (nhiệm kỳ 2020-2025) đặt ra những mục tiêu năm 2030, tầm nhìn 2050 với những khát vọng lớn lao về giấc mơ Quảng Trị. Những giấc mơ không hề bất khả thi.

Quy hoạch có tầm nhìn chiến lược

Để Quảng Trị “Phấn đấu đến năm 2025, trở thành tỉnh có trình độ phát triển thuộc nhóm trung bình cao; năm 2030 thuộc nhóm tỉnh khá của cả nước” như trong nghị quyết ĐH Đảng bộ tỉnh Quảng Trị lần thứ XVII, theo ông Võ Văn Hưng, Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Trị, tiên quyết vẫn là xây dựng quy hoạch có tầm nhìn. “Có quy hoạch tốt sẽ có nhà đầu tư tốt, có dự án tốt. Từ đó, KT-XH sẽ phát triển”, ông Hưng nói.

Theo ông Hưng, muốn đưa Quảng Trị phát triển bền vững cần chiến lược đi đôi với tầm nhìn dài hạn, phù hợp với sự phát triển của đất nước. Cần mạnh dạn xóa bỏ những chồng chéo, bất hợp lý để tạo nên quy hoạch đáp ứng tiềm năng lợi thế của vùng đất, phù hợp đến từng huyện, thị, thành phố.

Phối cảnh dự án Trung tâm điện khí LNG Hải Lăng giai đoạn 1, công suất 1.500 MW, tổng vốn đầu tư gần 54.000 tỉ đồng

THANH LỘC

Vì vậy, ngoài lắng nghe các nhà tư vấn trong nước, tỉnh đã có những ký kết để các chuyên gia quốc tế từ Liên đoàn sản xuất Singapore (SMF) hiện thực hóa “Giấc mơ Quảng Trị”. Cụ thể, Liên doanh Sakae Holdings và Tập đoàn Surbana Jurong (Singapore) sẽ được nghiên cứu khả thi, lập đề xuất dự án và thực hiện đầu tư cụ thể tại Quảng Trị: sân bay, cảng biển, các khu công nghiệp, cảng và logistics, khu đô thị, bệnh viện, trung tâm y tế, trường học, giao thông và hạ tầng...

Vững kiềng 3 chân thương hiệu Quảng Trị

Trong định hướng phát triển kinh tế xanh của mình, Quảng Trị đã xác định được 3 trụ cột rất đặc thù.

Với công nghiệp, Quảng Trị chú trọng phát triển công nghiệp năng lượng, thể hiện tham vọng năm 2030 sẽ đưa địa phương thành trung tâm năng lượng ở miền Trung, khi ở KKT Đông Nam có nhiệt điện, điện khí thì ở phía tây đã hình thành cánh đồng điện gió lớn nhất khu vực và cả nước, biến gió Lào thành điện năng… Quảng Trị cũng đang nỗ lực đưa du lịch - dịch vụ thành mũi nhọn, khai thác tiềm năng kinh tế biển với tam giác du lịch Cửa Tùng - Cửa Việt - Cồn Cỏ, song song với việc khai mở du lịch trải nghiệm hoang sơ miền tây Quảng Trị. Với nông nghiệp, Quảng Trị vẫn xem đây là bệ đỡ của nền kinh tế, sẽ được phát triển theo hướng: sạch, tự nhiên, hữu cơ.

Huy động hiệu quả các nguồn lực, cùng xây giấc mơ

Những tiềm năng to lớn không khỏa lấp hết khó khăn của Quảng Trị. Chính vì thế, Nghị quyết ĐH Đảng bộ tỉnh Quảng Trị lần thứ XVII đã chỉ rõ: “Nội lực là quyết định, ngoại lực là quan trọng". Ngoài sự hỗ trợ từ T.Ư hay các nhà đầu tư, thì người Quảng Trị phải hợp trí, hợp lực, xây dựng thế hệ người Quảng Trị mới năng động, có khát vọng xây dựng quê hương thành tỉnh khá, tỉnh giàu.

Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Trị Võ Văn Hưng nhấn mạnh rằng: “Năm 2030 trong giấc mơ Quảng Trị có nhiều thứ. Là trung tâm năng lượng miền Trung, là lọt top 30 tỉnh khá của cả nước... Tầm nhìn 2050 còn có những điều lớn lao hơn. Đó là giấc mơ mang khát vọng lớn lao nhưng không phải là bất khả thi. Và dẫu thế nào thì Quảng Trị cũng tự hào vì đã dám ước mơ, nỗ lực hết mình vì ước mơ tốt đẹp đó”.

Với tư duy mới “Quảng Trị phát triển, doanh nghiệp phát triển”, tỉnh đã có những kết quả tốt đẹp trong thời gian ngắn. Đó là sự ủng hộ của Chính phủ về việc xây dựng Quảng Trị thành trung tâm năng lượng miền Trung; Thủ tướng có quyết định chủ trương đầu tư dự án xây dựng sân bay Quảng Trị theo phương thức đối tác công - tư. Đó là hàng loạt dự án lớn được khởi công, hoàn thiện với những nhà đầu tư tên tuổi trong, ngoài nước. Nhưng rõ ràng nhất là năm 2021 dù dịch bệnh Covid-19 bủa vây, Quảng Trị đã thu ngân sách kỷ lục (hơn 5.500 tỉ đồng), đạt hơn 180% dự toán T.Ư.

Đó có lẽ là trái ngọt đầu mùa của Quảng Trị trong hành trình vun đắp giấc mơ của chính mình của năm 2030, tầm nhìn 2050.

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.