Chiêm ngưỡng làng truyền thống Cơ Tu được UNESCO bảo trợ di sản

12/05/2016 15:18 GMT+7

Khu làng truyền thống Cơ Tu được xây dựng trên một ngọn núi cao thuộc xã A Tiêng, huyện Tây Giang, Quảng Nam. Theo đánh giá của các nhà chuyên môn, đây là một quần thể giàu tính thẩm mỹ, mang đậm bản sắc văn hóa Cơ Tu.

Được đánh giá là một quần thể kiến trúc độc đáo có một không hai của dân tộc Cơ Tu hiện nay tại Việt Nam, làng truyền thống đặt tại trung tâm H.Tây Giang (Quảng Nam) vừa được Liên hiệp Các hội UNESCO Việt Nam trao bằng chứng nhận bảo trợ di sản.
Khu làng truyền thống Cơ Tu huyện Tây Giang được xây dựng trên một ngọn núi cao thuộc xã A Tiêng. Không gian làng nằm ở chính giữa thung lũng trung tâm hành chính huyện, có tổng diện tích 5 ha. Làng tựa lưng vào núi, được các nhà chuyên môn đánh giá là một quần thể giàu tính thẩm mỹ, mang đậm bản sắc văn hóa Cơ Tu. Chính giữa làng là nhà gươl truyền thống mang chức năng cộng đồng và được xem là “linh hồn” của làng như đình làng của người Kinh.
Người Cơ Tu coi làng nào không có nhà gươl tức là không còn gốc truyền thống văn hoá. Do vậy, khi lập làng, dựng nhà, họ đều chọn đất để dựng nhà gươl đầu tiên. Xung quanh nhà làng còn có 10 moong (nhà truyền thống) do nhân dân 10 xã trong huyện góp công sức xây dựng. Trong đó, “điểm nhấn” là ngôi nhà dài duy nhất còn sót lại tại miền núi Quảng Nam cũng như của cộng đồng người Cơ Tu trên cả nước với 40 bếp lửa tương đương với 40 gia đình cùng chung sống.
Theo Ban chỉ đạo Văn hóa H.Tây Giang, căn nhà được xây dựng vào năm 1978 tại bản A Tu (xã Ch’Ơm) của chủ hộ J’ngol Vă. Hơn 30 năm che chở cho cả làng với khoảng 40 hộ cùng cư trú, ngày 25.9.2007, căn nhà dài này được cơ quan chức năng H.Tây Giang xin chủ hộ chuyển về trung tâm huyện để phục vụ công tác bảo tồn.
Căn nhà dài 35 m, được dựng ít nhất 32 cái cột theo kiểu nhà sàn. Điểm độc đáo là bên trong ngôi nhà không có thêm bất cứ chiếc cột nào nên diện tích mặt sàn sử dụng lên đến 210 m2. Với những kiến trúc tiêu biểu đã nêu, theo chính quyền địa phương, làng văn hóa truyền thống giống như một “bảo tàng” về văn hóa kiến trúc và điêu khắc của người Cơ Tu Tây Giang.
12 ngôi nhà tại làng truyền thống đều được phục dựng nguyên bản với chất liệu làm bằng gỗ, lợp bằng lá. Bên trong mỗi nhà gươl được chạm trổ điêu khắc rất nghệ thuật với những hình ảnh động vật, săn bắt thú hoang, các hoa văn, họa tiết rất độc đáo như: rắn, người, trâu, voi…
Thanh Niên xin giới thiệu một số hình ảnh về ngôi làng độc đáo này:
Gươl làng được trang trí rất đẹp mắt
Nhiều tượng mang phong cách đặc trưng của người Cơ Tu được trưng bày trong ngôi nhà này
Trong đó có nhiều hình ảnh về muông thú biểu thị đời sống gắn với núi rừng của đồng bào Cơ Tu
Điểm đặc biệt là chính giữa gươl làng có một cây cột to và rất cao được trang trí nhiều phù điêu đặc sắc
Xung quanh gươl là các moong (nhà sàn truyền thống) của người Cơ Tu
Căn nhà dài phía xa với khoảng 35 m có một không hai của đồng bào người Cơ Tu được nhìn qua một chi tiết chạm trổ truyền thống
Căn nhà này từng là nơi sinh sống của 150 con người
Với kết cấu không có thêm cột bên trong căn nhà nên diện tích sử dụng lên đến hơn 200 m2
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.