Chiêm ngưỡng bộ sưu tập khủng của 'vị thần đèn cổ' nổi tiếng nhất Việt Nam

Lê Công Sơn
Lê Công Sơn
16/06/2022 11:08 GMT+7

Là vật để giữ ngọn lửa, đèn tự nhiên đi vào đời sống, trở thành vật dụng không thể thiếu trong mỗi gia đình. Vì vậy, bộ sưu tập khủng về đèn cổ của “vị thần đèn”, cố linh mục Nguyễn Hữu Triết khiến nhiều người xuýt xoa.

Lâu nay, nói đến linh mục Nguyễn Hữu Triết, ai cũng đều yêu quý về “vị thần đèn cổ” như cách gọi thân thương dành cho ông, bởi cách sống nhân hậu và tình nghĩa cùng niềm đam mê sưu tập đèn cổ tâm huyết như máu thịt.

“Một con người bình dị, đôn hậu, nhân ái, luôn nhiệt thành trong công tác xã hội. Linh mục Triết luôn say mê, trân trọng với di sản văn hóa dân tộc qua việc sưu tầm các di vật của tiền nhân: sách, tư liệu văn bản xưa, đồ cổ nhiều chất liệu. Ông cũng là một trong những người đóng góp cho sự ra đời của Hội Cổ vật TP.HCM và hiến tặng nhiều di vật, cổ vật cho các bảo tàng”, TS Hoàng Anh Tuấn (Giám đốc Bảo tàng Lịch sử TP.HCM) chia sẻ cảm động khi nói về người đã khuất.

Lễ khai mạc chuyên đề "Sưu tập Nguyễn Hữu Triết - Tâm huyết một đời người" tại Bảo tàng Lịch sử TP.HCM tháng 4.2022

BẢO TÀNG LỊCH SỬ TP.HCM

Trong bộ sưu tập hơn 600 chiếc đèn cổ Việt Nam của cha Giuse Nguyễn Hữu Triết, bộ sưu tập có nhiều chiếc đèn cổ hết sức đặc biệt. Đại diện Tổ chức Kỷ lục Việt Nam nhận xét: “Đơn cử như chiếc đèn Sa Huỳnh, với chất liệu là đất nung, đúc đơn sơ như cái lọ, nhưng tuổi đời đã lên đến 2.500 năm. Phần lớn hiện vật nơi đây được cha Giuse Nguyễn Hữu Triết sưu tầm ở khắp nơi. Từ những chiếc đèn cổ được sử dụng trước Công nguyên, trải dài cho đến trước năm 1975, bộ sưu tập “khủng” này khiến nhiều người không khỏi trầm trồ vì cảm nhận được “hơi thở” lịch sử nhiều giai đoạn. Những ngọn đèn cổ cực kỳ phong phú về kiểu dáng, kích cỡ, đa dạng về chất liệu, từ đất nung, đồng, gốm, gỗ cho đến thủy tinh”.

Còn đèn cổ của nhiều quốc gia trong khu vực: Trung Quốc, Nhật Bản, Thái Lan, Myanmar, Campuchia… và trên thế giới, có niên đại trải dài từ khoảng 2.500 năm đến trước năm 1975 cũng được cha Triết cất công sưu tầm, trong đó có loại có xuất xứ từ nền văn minh Ả Rập được “tuyển” trong tổng số 1.700 đèn dầu ông hiện có, rồi những chiếc đèn Pháp chứa được 7,5 lít dầu, hay chiếc đèn Ấn Độ cao 1,5 m, có tới 5 ngọn.

Rồi đèn bằng sứ thời vua Đạo Quang (nhà Thanh, Trung Quốc) và cả những chiếc đèn Chăm-pa của các thế kỷ 7, 8. Chưa kể một số chiếc đèn cổ của các nước Nhật, Anh, Mỹ, Đức, Malaysia... lạ mắt, chạm trổ tinh xảo.

Dù tự nhận mình là "dân ve chai lông vịt" khi đi góp nhặt những cái đèn dầu cổ và nhiều hiện vật quý, có những cái có từ 2.500 năm về trước, nhờ vậy mà linh mục Nguyễn Hữu Triết có được những bộ sưu tập rất giá trị

VIETKINGS

Hồi tưởng lại lịch sử cha ông xưa từ hiện vật

Được biết, với bàn tay tài hoa và sự sáng tạo trong chế tác, con người đã dùng những chất liệu như: đất nung, đồng, sắt, gỗ, thủy tinh, đá… để tạo ra các loại đèn với nhiều kiểu dáng khác nhau. Đèn được sử dụng với các công năng như: để chiếu sáng, làm tín hiệu, dùng trong nghi lễ, thờ cúng.

Ngoài ra, với những đường nét mỹ thuật thì đèn còn được dùng để trang trí. Qua kiểu dáng độc đáo, kỹ thuật chế tác khéo léo, tinh xảo, màu sắc phong phú… đèn không chỉ đơn thuần là vật dụng thông thường mà còn thể hiện bản sắc văn hóa truyền thống của mỗi dân tộc.

Ngoài việc sưu tập đèn cổ của nhiều quốc gia trên thế giới và đèn cổ nhiều nhất là Việt Nam, vị thần đèn Nguyễn Hữu Triết còn là nhà sưu tập cân và quả cân gắn với hoạt động giao thương trong lịch sử; Sưu tập dụng cụ ăn trầu gồm các loại bình vôi, ống vôi, dao, ô trầu, ống nhổ, cối, chìa ngoáy, hộp đựng… với chất liệu gốm và kim loại.

“Một con người bình dị, đôn hậu, nhân ái, luôn nhiệt thành trong công tác xã hội. Linh mục Triết luôn say mê, trân trọng với di sản văn hóa dân tộc qua việc sưu tầm các di vật của tiền nhân: sách, tư liệu văn bản xưa, đồ cổ nhiều chất liệu. Ông cũng là một trong những người đóng góp cho sự ra đời của Hội Cổ vật TP.HCM và hiến tặng nhiều di vật, cổ vật cho các bảo tàng”, TS Hoàng Anh Tuấn (Giám đốc Bảo tàng Lịch sử TP.HCM)

Bộ dụng cụ ăn trầu thế kỷ 19

Lục lạc đồng thế kỷ 18 - 19

Bình tỳ bà gốm men trắng thế kỷ 15 -16 Chu Đậu, Hải Dương

T.L

Các bộ sưu tập khác của ông như bộ sưu tập lục lạc với các loại hình đa dạng và phong phú về chất liệu (bạc, đồng, gỗ, gốm); Sưu tập lư hương và bát nhang gốm thời Trần (thế kỷ 13-14); thời Mạc (thế kỷ 16-17); lư hương gốm Phù Lãng (thế kỷ 17-18) và lư đồng thời Nguyễn (thế kỷ 19), kéo dài qua nhiều giai đoạn của lịch sử với những nền văn hóa khác nhau: Đông Sơn, Đại Việt, Chămpa và cả phương Tây; Các loại hình gốm có từ thời Lý đến thời Lê… vô cùng phong phú và đa dạng.

Vì vậy xem những bộ sưu tập của "vị thần đèn cổ", linh mục Nguyễn Hữu Triết người chiêm ngưỡng cảm thấy mãn nhãn như hồi tưởng lại lịch sử từ hiện vật. (Còn tiếp)

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.