Chiêm ngưỡng 5 bảo vật quốc gia - tác phẩm của Chủ tịch Hồ Chí Minh

20/09/2021 06:04 GMT+7

Theo Quyết định số 1426 ngày 1.10.2012 của Thủ tướng Chính phủ , 5 tác phẩm, bài viết của Chủ tịch Hồ Chí Minh bao gồm: Đường cách mệnh (xuất bản năm 1927), Nhật ký trong tù (1942 - 1943), Lời kêu gọi Toàn quốc kháng chiến (bản viết tay của Chủ tịch Hồ Chí Minh ngày 19.12.1946), Lời kêu gọi đồng bào và chiến sĩ cả nước (văn bản Chủ tịch Hồ Chí Minh đọc trên Đài tiếng nói Việt Nam sáng 17.7.1966) và Di chúc (văn bản gốc Chủ tịch Hồ Chí Minh viết từ ngày 10.5.1965 đến 19.5.1969) được công nhận bảo vật quốc gia.

Để giúp bạn đọc hiểu sâu sắc hơn về tầm vóc và nội dung của những bảo vật quốc gia này, NXB Chính trị quốc gia Sự thật phối hợp với NXB Thông tin và Truyền thông vừa tái bản cuốn sách Hồ Chí Minh và 5 bảo vật quốc gia do Khu di tích Chủ tịch Hồ Chí Minh tại Phủ Chủ tịch biên soạn.

Sách Hồ Chí Minh và 5 bảo vật quốc gia (2021)

Nội dung cuốn sách gồm 5 phần tương ứng với 5 bảo vật quốc gia, được trình bày công phu, khoa học, bám sát chủ đề tư tưởng của từng tác phẩm. Cả 5 bảo vật quốc gia tác phẩm của Chủ tịch Hồ Chí Minh đều được in kèm bản gốc từ tư liệu của Bảo tàng Lịch sử quốc gia, Bảo tàng Hồ Chí Minh và Cục Lưu trữ Văn phòng T.Ư Đảng. Chiêm ngưỡng từng bảo vật quốc gia, bạn đọc càng hiểu rõ lịch sử ra đời của các tác phẩm này, đồng thời có căn cứ cụ thể để xóa bỏ những ý kiến xuyên tạc liên quan tới tác phẩm Nhật ký trong tù của Hồ Chí Minh.
Bạn đọc còn minh định lại được những nhầm lẫn trước đây của một số cơ quan nghiên cứu. Đó là Lời kêu gọi Toàn quốc kháng chiến. Chỉ với 2 trang ngắn gọn, văn bản do Chủ tịch Hồ Chí Minh soạn thảo, có bút tích của ông Lê Đức Thọ - Thường vụ T.Ư Đảng khi đó đã thêm vào 5 chữ (trước đây, các cơ quan nghiên cứu nhầm sang tên người khác). Cụ thể như sau:
Ban đầu, trong dự thảo của Chủ tịch Hồ Chí Minh viết: “Ai có súng dùng súng. Ai có gươm dùng gươm, không có gươm thì dùng cuốc, thuổng, gậy gộc. Ai cũng phải ra sức chống Pháp cứu nước”. Ông Lê Đức Thọ thêm vào 2 chữ “thực dân” thành câu hoàn chỉnh: “Ai cũng phải ra sức chống thực dân Pháp cứu nước”.
Cuối Lời kêu gọi là khẩu hiệu: “Việt Nam độc lập muôn năm”. Ông Lê Đức Thọ thêm vào 3 chữ “và thống nhất” để thành: “Việt Nam độc lập và thống nhất muôn năm”.
TS Chu Đức Tính, nguyên Giám đốc Bảo tàng Hồ Chí Minh, bình luận: “Đặc biệt, Hội nghị Thường vụ T.Ư Đảng mở rộng còn được Chủ tịch Hồ Chí Minh đề nghị góp ý kiến cho Lời kêu gọi Toàn quốc kháng chiến do Người soạn thảo. Các đồng chí đã thảo luận và được Người đồng ý cho sửa thêm một số chữ vào Lời kêu gọi. Đây là cách làm việc dân chủ và là nền nếp thường xuyên của Người”.
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.