Chiếc tủ nuôi tằm kỳ diệu

Huy Đạt
Huy Đạt
06/11/2019 08:00 GMT+7

Trăn trở về nguy cơ các làng nghề nuôi tằm truyền thống có thể bị mai một trong nay mai, nhóm sinh viên (SV) Trường ĐH Duy Tân (Đà Nẵng) đã thiết kế mô hình Ứng dụng công nghệ IoT (internet vạn vật) trong nuôi tằm.

Nhóm SV này trình bày tính độc đáo và sáng tạo của sản phẩm tủ nuôi tằm (ảnh). Chiếc tủ được làm từ các vật liệu: sắt, thép, vật liệu cách nhiệt, trang bị thêm các thiết bị điện tử như cảm biến, quạt hơi nước… Đặc biệt là các chương trình thuật toán có thể dễ dàng quản lý những điều kiện về nhiệt độ, độ ẩm, ánh sáng từ xa và hoàn toàn tự động.
Chiếc tủ này tự động đo đạc, thu thập các số liệu liên quan đến môi trường nuôi tằm (nhiệt độ, độ ẩm, ánh sáng…) để có thể tự động điều chỉnh, cân bằng thông số môi trường cho thích hợp với điều kiện sinh trưởng của tằm ở mỗi giai đoạn khác nhau. Các thông số liên quan sẽ được hệ thống gửi đến người nuôi tằm thông qua ứng dụng chạy trên thiết bị di động.
Tủ nuôi tằm sẽ tạo ra môi trường ổn định giúp tăng năng suất, tăng thu nhập cho nông dân. Theo tính toán, nếu nuôi tằm bằng phương pháp truyền thống, nông dân có thể nuôi 4 - 5 vụ/năm, nhưng khi sử dụng tủ nuôi tằm, năng suất tăng lên 8 - 10 vụ/năm. Trong khi đó, chi phí để tạo nên chiếc tủ nuôi tằm khoảng 4,5 triệu đồng.
Ông Phạm Tiên Phong, nguyên Trưởng phòng Quản lý công nghệ và thị trường công nghệ (Sở Khoa học - Công nghệ Đà Nẵng), cho biết mô hình nuôi tằm bằng công nghệ IoTý tưởng sáng tạo rất cao. Lâu nay, chuyện nuôi tằm trong môi trường tự nhiên luôn gặp rủi ro do không kiểm soát được các thông số liên quan. Giờ đây, với tủ nuôi tằm, các thiết bị được sử dụng giúp loại trừ các yếu tố tác động bên ngoài, tạo môi trường thuận lợi nhất cho tằm phát triển.
“Nhóm SV đã làm được việc mà nhà nước đang khuyến khích, ưu tiên, đó là hiện đại hóa ngành công nghiệp và sản xuất truyền thống - vừa lưu giữ được nghề truyền thống, lại cho thu nhập cao”, ông Phong nhận định.
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.