Chia tay đã nhiều năm, sao vẫn chưa quên được người yêu cũ?

Nguyễn Điền
Nguyễn Điền
25/05/2022 13:56 GMT+7

Sau chia tay, nhiều người may mắn cân bằng được cuộc sống trong thời gian ngắn nhưng cũng có những người dù nhiều năm trôi qua, kỷ niệm với người yêu cũ vẫn đeo bám họ khôn nguôi.

Sau chia tay có thể hiểu mọi chuyện giờ đã kết thúc, nhưng có thật sự chấp nhận hay không thì không phải ai cũng làm được
Quốc Việt

Các bạn trẻ thường quan tâm rất nhiều đến giai đoạn bắt đầu một mối quan hệ, thậm chí có một số cặp đôi đầu tư thực hiện màn tỏ tình cực kỳ hoành tráng. Tuy nhiên, ít ai nghĩ đến, hoặc sẵn sàng tâm lý cho việc kết thúc như thế nào nhằm giảm sự thương tổn cho cả hai.

Câu chuyện cô gái khuyết tật tiễn người yêu đi lấy vợ

Chia sẻ với PV Thanh Niên, N.T.T.N (25 tuổi, quê Vĩnh Phúc), cô gái khuyết tật vận động, kể lại mối tình kéo dài 5 năm với một chàng trai có sức khỏe bình thường.

Cô và người yêu biết nhau thông qua mạng xã hội, sau đó cả hai tìm được tiếng nói chung, sự đồng điệu trong tâm hồn và yêu nhau. Cả hai cũng đã xác định đây là một mối quan hệ sẽ vấp phải nhiều sự phản đối và sẽ có cái kết không trọn vẹn, nhưng vẫn ở bên nhau trong suốt 5 năm.

Những tưởng sau thời gian dài bên nhau, N. và bạn trai sẽ có cái kết đẹp, nhưng cô lại nhận được lời “chia tay” đến từ bạn trai ngay lúc cô tưởng chừng như mối quan hệ này đang ổn định nhất. “Tôi không thể chấp nhận kết cuộc này và mọi thứ như sụp đổ, khiến tôi không thể nào làm chủ cảm xúc của bản thân”, N. chia sẻ.

Gần 3 năm kể từ ngày người thương nói lời tạm biệt, mỗi ngày N. đều cố gắng lạc quan, luôn nỗ lực trong học tập, đi đến nhiều nơi dù khả năng vận động rất kém. Tuy vậy, mỗi khi đêm về, cô gái trẻ lại một mình ôm lại những kỷ niệm cũ, không thể đếm được số lần cô bật dậy giữa đêm và khóc nức nở như một đứa trẻ.

Dù đã rất kiên cường nhưng N. vẫn không thể nào nguôi ngoai được nỗi đau mà mối tình kéo dài 5 năm mang lại. Đã rất nhiều lần N. tìm đến các chuyên gia để tham vấn tâm lý, mọi chuyện có vẻ khá hơn khi cô dần làm chủ được cảm xúc và cân bằng hơn trong cuộc sống. “Nỗi đau vẫn còn đó, vẫn vậy chỉ là sức chịu đựng trong tôi có tăng lên theo thời gian”, N. chia sẻ.

Mọi chuyện tưởng chừng như đã được kiểm soát nếu như N. không biết được tin bạn trai cũ kết hôn. Ngày người yêu cũ kết hôn hồi tháng 2.2022, N. đã nhờ một người em thân thiết chở đến nơi diễn ra đám cưới. Đứng từ xa, N. không kìm được những giọt nước mắt khi nhìn thấy người yêu cũ cưới vợ.

Dù muốn hay không chúng ta vẫn phải tiếp tục sống tốt ở tương lai, dù cho đoạn tình cảm cũ có đẹp đến mức nào đi nữa

Nguyễn Điền

Tại sao không thể quên được người yêu cũ ?

Chuyên viên Đào Lê Tâm An (nghiên cứu sinh ngành Tâm lý học, Trường ĐH Sư phạm TP.HCM) chia sẻ: “Ở góc độ tâm lý, khi chấm dứt một mối quan hệ mà ta thật sự quan tâm sẽ dẫn đến hai sự thay đổi lớn trong cuộc sống”.

Theo anh Tâm An, ở trong một mối quan hệ tình cảm đủ lâu, các cặp đôi thường xây dựng những thói quen. Do đó, khi ngừng lại một cách đột ngột, sự thay đổi này không tạo đủ không gian cho cá nhân chuyển mình khỏi thói quen cũ. Bên cạnh đó, sự an toàn và thuộc về cũng là nhu cầu bậc cao của con người, mất đi cảm giác này sẽ tạo sự chông chênh và khiến họ càng trở nên lo lắng hơn.

“Vì thế, việc chia tay có thể sẽ ảnh hưởng tiêu cực hơn đối với những người có hình ảnh bản thân thấp hoặc có vấn đề về sự gắn bó. Hậu chia tay, những nhóm người này dễ xuất hiện những niềm tin phi lý như: tôi không xứng đáng được yêu; tôi không có gì tốt đẹp cả; hoặc những người không yêu tôi đều là người xấu xa”, anh Tâm An nói.

Chuyên viên Tâm An cho biết thêm, theo gợi ý của một số nhà tâm lý lâm sàng, có một vài giai đoạn mà con người sẽ trải qua sau khi chấm dứt một mối quan hệ. Việc thấu hiểu các giai đoạn này sẽ góp phần giúp người đang “mắc kẹt” với cảm xúc tìm ra những phương hướng giải quyết phù hợp:

Chối bỏ: Lúc này, bạn sẽ nghĩ đến những khoảnh khắc vui vẻ, hạnh phúc và cảm thấy không cam tâm. Vào những giây phút tỉnh táo, hãy viết ra giấy những lý do trực tiếp hay gián tiếp khiến mối quan hệ này dừng lại. Mảnh giấy này sẽ giúp bạn không rơi vào trạng thái chối bỏ.

Tức giận và tiếc nuối: Giai đoạn này bạn thường đối mặt với suy nghĩ “Nếu tôi làm khác đi/Nếu họ làm khác đi” thì mối quan hệ này đã có thể tiếp tục. Chính suy nghĩ này tạo ra sự tiếc nuối, dằn vặt, đôi khi là trách móc hoặc căm giận đối phương.

Thương lượng: Bạn sẽ đưa ra những lý do tự thuyết phục bản thân vì sao bạn và người cũ vẫn nên bên nhau, những mặt nào mà cả hai rất hợp nhau... Đôi khi, việc thương lượng này còn dẫn đến sự cầu xin người còn lại suy xét về quyết định chia tay và đề nghị sự tái hợp.

Trầm buồn: Bạn không tìm thấy những niềm vui trong cuộc sống vì thói quen đã bị thay đổi. Không còn những tin nhắn hoặc cử chỉ quan tâm, bạn không thấy lý do vì sao mình phải tự chăm sóc cho chính mình. Đây là giai đoạn rất bình thường, việc bạn cần làm là chủ động thừa nhận sự buồn bã này. Bạn không cần phải cố tỏ ra mạnh mẽ, cố quên nó đi, vì càng như thế sẽ càng khó chịu và tạo ra những nỗi đau “ẩn”, khó phát hiện hơn.

Chấp nhận: Đây là giai đoạn phát cho bạn tín hiệu quan trọng ở giai đoạn này là khi bạn chấp nhận việc dừng lại là một phương án tốt, và khi xem lại hình cũ hoặc nhớ về những kỷ niệm, cảm xúc không còn xao động, nghĩa là không tức giận, buồn bã, cũng không nhớ nhung, tiếc nuối. Đây là tín hiệu tích cực cho thấy bạn dần vượt qua được chuyện cũ, nhưng trước khi bắt đầu một mối quan hệ mới vẫn cần thời gian cân nhắc sâu hơn.

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.