Chia sẻ cùng thầy cô: Tấm gương giữa đại ngàn

06/11/2019 09:01 GMT+7

Đoàn công tác chương trình 'Chia sẻ cùng thầy cô' đã đến thăm cô giáo Trần Thị Thúy Ngân và Trần Thị Bá Tiền - những tấm gương tiêu biểu dạy học sinh dân tộc thiểu số được tuyên dương trong chương trình ý nghĩa này.

Người dạy trẻ hát

Cô giáo Trần Thị Bá Tiền (35 tuổi) dạy Trường phổ thông dân tộc bán trú tiểu học Hà Đông (xã Hà Đông, H.Đắk Đoa, Gia Lai) kể năm 2014, cô “đậu” biên chế ở H.Đắk Đoa và được tuyển dụng làm giáo viên dạy âm nhạc tại trường nói trên. Ngày đầu tiên khi biết mình trúng tuyển và được đi dạy, cô Tiền mừng rỡ vì ước mơ lâu nay trở thành hiện thực. Nghe xong quyết định, biết mình dạy ở ngôi trường cách nhà 130 km, cô Tiền không khỏi hoang mang.
Cô Ngân giờ đã là giáo viên kỳ cựu của Trường phổ thông dân tộc bán trú tiểu học Lê Văn Tám

Cô Ngân giờ đã là giáo viên kỳ cựu của Trường phổ thông dân tộc bán trú tiểu học Lê Văn Tám

“Lúc đầu vợ chồng tôi rất băn khoăn, lo lắng và e ngại về quãng đường xa. Nhưng tình yêu nghề với ước mơ cháy bỏng được đứng trên bục giảng nên tôi quyết định phải đi dạy và được gia đình đồng thuận”, cô Tiền chia sẻ.
Vậy là hai vợ chồng cô Tiền chở nhau đi hỏi đường, cùng tìm về Trường phổ thông dân tộc bán trú tiểu học Hà Đông. Đường đi càng lúc càng vào sâu trong rừng, không một bóng người dân để hỏi thăm. Nhưng lúc đến nơi, được đồng nghiệp, học sinh chào đón và hỏi thăm rất ân cần, tình cảm nên mọi lo lắng đều tan biến… Thế là đã 5 năm cô Tiền cảm thấy yêu quý, có trách nhiệm gắn bó với ngôi trường này.
Có một chuyện không may đã ập đến với cô Tiền. Đó là một ngày tháng 9.2019, như thường lệ, cô Tiền thức dậy từ 3 giờ sáng chuẩn bị đồ đạc để đến trường, khi băng qua con đường dài nhỏ hẹp đầy ổ gà, cô không may gặp tai nạn từ chiếc xe tải chở sắn. Tai nạn lần ấy đã cướp mất đi cánh tay trái của cô giáo. Các bác sĩ, người thân và cả bản thân cô vô cùng đau xót, nhưng vẫn phải phẫu thuật cắt bỏ, vì đó là cách duy nhất cứu sống cô lúc bấy giờ.
Là một giáo viên dạy âm nhạc, lúc nào cô cũng tìm ra những phương pháp dạy học sinh động nhất để các em dễ dàng cảm thụ những giai điệu, ca từ. Tiếng cười giòn tan không thể thiếu trong những tiết học của cô Tiền.

Trẻ cũng dạy cô nói

Ở một xã khác trên vùng đất đại ngàn, cô Trần Thị Thúy Ngân (36 tuổi, xã Đắk Smar, H.K’Bang, Gia Lai) cũng là một trong những gương giáo viên tiêu biểu mà chúng tôi đã có dịp đến thăm. Năm 2004, cô Ngân được UBND H.K’Bang tuyển dụng về làm giáo viên Trường phổ thông dân tộc bán trú tiểu học Lê Văn Tám (xã Krong, H.K’Bang).
Cái khó của địa hình vẫn không ngăn được bước chân cô đến với trường, với lớp. Cứ thế, mười mấy năm ròng trôi qua, cô Ngân giờ đã là giáo viên kỳ cựu của điểm trường. Không chỉ bởi ý chí vững vàng, tấm lòng yêu nghề đưa cô đến với bục vinh dự này, mà còn vì cô là một trong những giáo viên dám tiên phong thay đổi cách truyền đạt kiến thức.
“Vì bất đồng ngôn ngữ, khó tiếp cận với học sinh nên tôi quyết định dạy từ cái gốc trước. Tiết học nào cũng vậy, tôi luôn ưu tiên dạy tiếng Việt cho các em trước, sau đó mới dạy môn chính là toán. Lúc đầu, sợ ban giám hiệu biết tôi bị “cháy giáo án”, có hôm còn dự giờ, thấy tôi lọng cọng vướng víu, tôi đã nói thật là bình thường không dạy như cách mà thầy đã thấy… Và rồi, thầy hiệu trưởng đã động viên, cho rằng cách dạy chữ trước nhất cho các em vẫn là phương pháp dạy hiệu quả…”, cô Ngân kể.
Việc bất đồng ngôn ngữ khiến công tác dạy học gặp muôn vàn khó khăn. Vậy là cô Ngân còn quyết định học thêm tiếng của người Ba Na mọi lúc, mọi nơi. Cô học từ những em học sinh dân tộc lớp 1. Cô dạy trẻ tiếng nói của người Kinh, trẻ dạy cô tiếng nói của người Ba Na.
Sự trao đổi qua lại đã giúp cô phần nào hiểu được hơn tâm tư tình cảm của các em, hiểu được hoàn cảnh gia đình của học trò mình. Để duy trì sĩ số, cô Ngân còn lặn lội đến nhà từng em để vận động phụ huynh đưa con đến trường. Cô kể rằng biết bao tình huống oái oăm đã xảy ra, có nhiều bậc cha mẹ còn đòi tự tử chỉ vì không muốn con đến trường, sợ trường bắt mất con… Nói đến đây, ánh mắt cô nhìn xa xăm như nhớ về chuỗi ngày xưa cũ đầy gian nan, vất vả.
4 năm qua, chương trình “Chia sẻ cùng thầy cô” đã tuyên dương 214 thầy cô giáo công tác tại các trường học điểm lẻ ở 64 huyện nghèo. Năm nay, chương trình sẽ tuyên dương 63 thầy cô giáo đang trực tiếp giảng dạy tại các lớp học thuộc trường mầm non, tiểu học và THCS ở vùng khó khăn. Ông Trịnh Văn Hào, Giám đốc marketing Công ty cổ phần Tập đoàn Thiên Long, cho biết: “Chương trình sẽ truyền đi những thông điệp đẹp về thầy cô giáo đang công tác dạy học cho các em dân tộc thiểu số trên mọi miền Tổ quốc, từ đó góp phần truyền cảm hứng mạnh mẽ cho cộng đồng, xã hội và cho thế hệ trẻ mai sau”.
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.