Chia sẻ cùng thầy cô: Cô giáo Khmer nặng lòng với học sinh nghèo

11/11/2020 09:13 GMT+7

'Công việc tuy thầm lặng như đưa khách sang sông nhưng đó là điều ý nghĩa và hạnh phúc nhất của cuộc đời làm nhà giáo của tôi', cô Pha nói.

Bám trụ trường vùng sâu và lan tỏa tình thương đến học sinh nghèo, cô Thạch Thị Bút Pha (31 tuổi), giáo viên Trường tiểu học Tuân Tức (xã Tuân Tức, H.Thạnh Trị, Sóc Trăng), là một trong những nhà giáo được vinh danh trong chương trình 'Chia sẻ cùng thầy cô' năm nay.

Yêu trường bởi sự nghèo khó

Sinh ra trong một gia đình thuần nông, đông anh em, từ nhỏ cô Pha đã mơ ước được làm giáo viên. Năm 2009, cô thi đậu vào Trường cao đẳng Sư phạm Sóc Trăng, ngành giáo dục thể chất - công tác Đội. Sau khi tốt nghiệp, cô được nhận vào công tác tại Trường tiểu học Tuân Tức, một trường vùng sâu thuộc xã Tuân Tức.
Chương trình “Chia sẻ cùng thầy cô” nằm trong chuỗi phong trào “Tôi yêu Tổ quốc tôi”. Chương trình do T.Ư Hội Liên hiệp Thanh niên Việt Nam phối hợp với Bộ GD-ĐT, Ủy ban Dân tộc và Tập đoàn Thiên Long tổ chức thường niên nhằm tri ân những giáo viên có nhiều đóng góp cho sự nghiệp giáo dục.
Cô Pha kể khi cô mới về công tác, Trường tiểu học Tuân Tức còn tạm bợ, thiếu thốn trăm bề. Song, chính hoàn cảnh khó khăn của học sinh (HS) nơi đây đã khiến cô thực sự xúc động và càng thêm yêu quý ngôi trường này.
“Kỷ niệm sâu sắc của tôi khi bước vào nghề giáo là một ngôi trường lợp mái tôn, đổ dột lúc trời mưa. Một số HS không có đồng phục đến lớp, có em chỉ có 1 bộ đồng phục mặc cho cả tuần. Bọc ni lông đựng sách vở thay ba lô nhưng các em vẫn tươi cười hồn nhiên”, cô Pha chia sẻ.
Tại trường, cô Pha được phân công dạy môn thể dục và làm Tổng phụ trách Đội. Gặp nhiều khó khăn về cơ sở vật chất nhưng cô không nản lòng mà cố gắng thích nghi, tìm giải pháp ứng biến. Giờ sinh hoạt không có loa hỗ trợ, cô phải tiếp quản bằng chính thanh giọng của mình. Những ngày đầu khản giọng, mất tiếng, nhưng dần dà thành quen. Bộ trống Đội bị thủng, dùi trống xước gãy, cô dùng băng keo dán lại để tái sử dụng. Tuy vậy, với lòng yêu nghề và nỗ lực của cả cô và trò, Đội viên nhi đồng của trường nhiều năm liền là Liên đội mạnh cấp huyện. Với tấm lòng yêu trẻ, giờ học của cô Pha lúc nào cũng tràn ngập niềm vui, rộn rã tiếng cười trẻ thơ.

Ươm mầm tương lai cho học sinh Khmer

Trường tiểu học Tuân Tức có gần 70% HS là con em đồng bào dân tộc Khmer. Nhiều gia đình do hoàn cảnh kinh tế quá khó khăn nên ít quan tâm đến việc học hành của các con. Có nhiều em chưa đọc, viết thạo được tiếng Việt đã phải nghỉ học giữa chừng để ở nhà phụ giúp cha mẹ làm rẫy, chăm nom gia súc…
Không đành lòng nhìn những đứa trẻ Khmer sống mà không có ước mơ, không tương lai - nghề nghiệp đã thôi thúc cô Pha không quản ngại sớm chiều đến vận động gia đình cho các em được tiếp tục đi học. Khi đến trường thì cô mua quần áo, sách vở, dụng cụ học tập cho các em.
Mỗi năm qua, nhiều lứa HS được cô vận động đi học đã rời ngôi trường này để bước sang bậc học cao hơn. Thế nhưng, cô vẫn đến thăm hỏi, tiếp tục hỗ trợ hoàn cảnh các em. “Công việc tuy thầm lặng như đưa khách sang sông nhưng đó là điều ý nghĩa và hạnh phúc nhất của cuộc đời làm nhà giáo của tôi”, cô Pha nói.
Nhiều năm liền, cô Pha hiện là chiến sĩ thi đua, giáo viên dạy giỏi của trường. Không chỉ vì cô có phương pháp dạy học tích cực mà vì cô còn thấu hiểu tâm lý học sinh. “Lứa tuổi HS tiểu học rất năng động nên tôi thường xuyên tổ chức các hoạt động vừa học vừa chơi để tạo sự sinh động cho tiết dạy. Trẻ nhỏ dễ sợ hãi, tổn thương nên tôi rất chú ý thái độ, lời lẽ của mình mỗi khi chỉ dạy các em. Tôi xem mình như mẹ, như chị của các em”, cô Pha chia sẻ.
Trước thềm 20.11, đoàn công tác của Hội Liên hiệp Thanh niên Việt Nam đã đến thăm hỏi, động viên, tặng quà cho cô Pha tại nơi cô công tác. Cô Pha cũng là 1 trong 63 gương mặt giáo viên ưu tú được vinh danh trong chương trình “Chia sẻ cùng thầy cô” năm 2020 được tổ chức tại thủ đô Hà Nội nhân ngày Nhà giáo VN 20.11 tới đây.
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.