Chỉ vì lỗi câu chữ

12/06/2020 04:22 GMT+7

Đó là những “lắt léo” trong các quy định, chính sách của cơ quan quản lý khiến doanh nghiệp khốn khổ, hàng loạt dự án “đứng hình”, vốn không thể chảy vào nền kinh tế, ngay giai đoạn cần kích cầu đầu tư, kích cầu tiêu dùng.

Ông Lê Hoàng Châu, Chủ tịch Hiệp hội Bất động sản TP.HCM, dẫn chứng một cụm từ “chỉ khi” thôi, mục tiêu rút ngắn thủ tục hành chính trong lĩnh vực xây dựng của TP.HCM không thể thực hiện được.
Chuyện là TP.HCM đang hoàn thiện quy trình đầu tư xây dựng đối với dự án nhà ở có quỹ đất hỗn hợp, phải chuyển mục đích sử dụng đất (SDĐ). Trong đó, nội dung bước 4 quy định nhà đầu tư được thực hiện song song các thủ tục để rút ngắn thời gian.
Nhưng Sở Xây dựng TP lại đề xuất “chỉ khi nhà đầu tư nộp tiền SDĐ và hoàn tất nghĩa vụ tài chính, các thủ tục còn lại sẽ được ký thông qua theo quy định”. Mà cụm từ “chỉ khi” có nghĩa là, nhà đầu tư vẫn phải thực hiện tuần tự các bước thủ tục chứ không thể thực hiện song song vì mỗi loại thủ tục hành chính của các sở, ngành có quy định thời gian thực hiện khác nhau.
Đáng nói, cũng vì nút thắt này, hàng trăm dự án trên địa bàn TP.HCM “đứng hình” không triển khai được. Đến lúc bàn tháo gỡ thì chỉ vì một cụm từ, mục tiêu tích cực lại bị xóa sổ.
Trước đó, thị trường bất động sản cũng dậy sóng vì 2 chữ “đất ở”. Cụ thể, luật Nhà ở quy định doanh nghiệp (DN) phải có 100% quyền sử dụng đất ở hợp pháp mới được chỉ định làm chủ đầu tư dự án. Thế nhưng trước khi trở thành “đất ở” thì đó là rất nhiều loại đất như đất lúa, đất rừng, đất nuôi trồng hải sản, đất trồng cây lâu năm, đất làm kho bãi... Chỉ đến khi DN chuyển đổi, thẩm định, đóng tiền chuyển mục đích SDĐ, các loại đất đó mới trở thành “đất ở”. Vì thế, trong giai đoạn đầu, không thể có “100% đất ở” để chấp thuận đầu tư dự án. Mà không được chấp thuận đầu tư thì chẳng DN nào dám bỏ tiền để đền bù, chuyển đổi... Thế là 2 chữ “đất ở” tốn không biết bao nhiêu công văn, kiến nghị, hội họp, tọa đàm...; gây không biết bao nhiêu sóng gió, khó khăn cho DN suốt mấy năm qua.
Tương tự, gần 2 năm nay, hàng loạt dự án tại TP.HCM rơi vào tình trạng không thụ lý hồ sơ do trình duyệt quy hoạch chi tiết tỷ lệ 1/500 hoặc trong bản vẽ tổng mặt bằng của các dự án trên là hồ sơ của “nhà đầu tư”. Trong khi đó, luật Quy hoạch đô thị quy định: Chủ đầu tư dự án đầu tư xây dựng tổ chức lập quy hoạch chi tiết khu vực được giao đầu tư. Có thể thấy, chỉ vì cách hiểu máy móc 2 cụm từ “chủ đầu tư” và “nhà đầu tư” thôi đã khiến nhiều dự án “bất động”.
Cũng giống như các dự án hạ tầng cơ sở, hạ tầng giao thông, cứ chậm trễ là đội vốn gấp đôi, thậm chí gấp ba. Thủ tục nhiêu khê tốn thời gian, công sức, chi phí... là nguyên nhân lớn nhất khiến giá bất động sản tại Việt Nam quá cao và không thể giảm ngay cả khi gặp khó kép như hiện nay. Chưa kể, cũng chính các “lắt léo” câu chữ cả vô tình và cố ý nói trên đã làm giảm tính minh bạch của môi trường đầu tư, tạo ra những rủi ro pháp lý... ảnh hưởng đến việc thu hút vốn đầu tư nước ngoài cũng như huy động nguồn lực trong nước vào tăng trưởng kinh tế của đất nước.
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.