Chi tiêu nhảy vọt trong mùa dịch

13/08/2021 06:39 GMT+7

Rau xanh, thịt cá, tiền điện, nước... đều tăng cao trong vòng 2 tháng qua và vẫn chưa có dấu hiệu hạ nhiệt khiến nhiều gia đình lo lắng.

Tiền chợ tăng cao

Dù trước kia hiếm khi phải ghi lại chi tiết tiền chi tiêu trong gia đình, nhất là tiền chợ, nhưng hơn một tháng qua, chị Thu An (ngụ Q.3, TP.HCM) đã phải làm động tác này vì thấy “sao nhanh hết tiền quá”.
Đầu tuần này, sau khi đặt mua một số thực phẩm cho gia đình, chị ngồi bần thần và liệt kê: 1 kg tôm giá 260.000 đồng/kg, cao hơn 80.000 đồng/kg so với trước khi dịch Covid-19; cá nục nhí 130.000 đồng/kg, cao hơn 60.000 đồng/kg; sườn non 320.000 đồng/kg, cao hơn 60.000 - 70.000 đồng/kg; ba rọi lên 250.000 đồng/kg, tăng 70.000 đồng/kg... Chưa kể rau xanh toàn tăng gần gấp đôi và cũng hạn chế đi chợ nên gia đình chị đã phải giảm số lượng so với trước. “Chỉ riêng tiền chợ trong tháng 7 tăng thêm hơn 3 triệu đồng, lên gần cả chục triệu. May mà giờ cũng làm việc ở nhà nên không chi thêm những khoản la cà quán xá hay ra đường”, chị Thu An chia sẻ.
Gia đình chị Hoàng chỉ 2 người đang sống tại chung cư Useful (Q.Tân Bình, TP.HCM) cho biết liên tục trong 2 tháng 6 và 7, khi thời gian làm việc tại nhà gần như 100%, hóa đơn tiền điện đã tăng hơn gấp 2 lần. Từ 504.000 đồng tiền điện trong tháng 5, vọt lên 972.000 đồng trong tháng 6 và 1,1 triệu đồng vào tháng 7. Trong tháng 8 này, nhà chị được giảm 10%, tương đương 100.000 đồng thì vẫn phải đóng hơn 900.000 đồng, cao hơn gần gấp đôi trước khi dịch bệnh xảy ra. Bên cạnh đó, chi phí chi tiêu riêng việc mua sắm thực phẩm ăn uống từ tháng bùng phát dịch Covid-19 đợt 4 tại TP.HCM đã tăng 20 - 30%. Chị Hoàng dẫn chứng, giá bí xanh tăng gấp đôi từ 20.000 đồng/kg nay 40.000 đồng/kg; trứng gà từ 27.000 đồng/chục, nay chị phải mua 40.000 đồng/chục; cải ngọt từ 25.000 đồng/kg nay 35.000 đồng/kg…
Trong khi đó, với những người lao động thì lại phải “thắt lưng buộc bụng” bởi tiền đã cạn kiệt khi nhiều ngày phải ngồi yên trong nhà. Đó là câu chuyện của hơn 15 hộ trong con hẻm nhỏ trên đường Lê Tấn Bê (KP.2, P.An Lạc, Q.Bình Tân, TP.HCM). Sau 32 ngày bị giăng dây, hẻm nhỏ này đã được gỡ phong tỏa. Hơn 15 hộ là dân lao động tự do, lớn tuổi, thuê nhà để ở và hơn 2 tháng qua sống chủ yếu nhờ vào… từ thiện của các nhà hảo tâm gần xa. Anh Tuyển, cư dân sống trong hẻm này, cho biết tình cảnh của người dân vô cùng bi đát. Đến nay, đa số là dân ngụ cư, không đăng ký tạm trú nên chưa nhận được tiền hỗ trợ. Hiện nhiều gia đình chỉ còn gạo, mì và nước mắm hỗ trợ, nấu ăn tạm...

Tăng hỗ trợ trực tiếp cho người lao động

Theo TS Nguyễn Thanh Trọng (Đại học Quốc gia TP.HCM), tình hình dịch bệnh kéo dài, cuộc sống của người dân, nhất là những người lao động tự do, người mất việc làm không có thu nhập nhiều tháng nay trở nên vô cùng khó khăn. Trong lúc này, Chính phủ cần sớm có thêm gói hỗ trợ mới, hiệu quả hơn cả về an sinh xã hội lẫn kích thích kinh tế.
Có thể chọn hình thức phát phiếu mua hàng cho người dân, vừa kích thích tiêu dùng, vừa giúp sản xuất tồn tại để vượt qua khó khăn. Chính sách này cũng đã được một số quốc gia sử dụng. Thời gian qua, một số địa phương, tổ chức phát phiếu mua hàng cho bà con khó khăn ở những siêu thị 0 đồng cũng là một hình thức như vậy nhưng quy mô nhỏ lẻ, chưa có sự thống nhất về chính sách, quy mô thực hiện.
Điểm hạn chế ở đây là việc hỗ trợ không phân biệt đối tượng, song nó có ý nghĩa lớn trong việc kích cầu, hạn chế tác động tiêu cực lên nền kinh tế. Thậm chí, với người có điều kiện, nhận những phiếu này, họ vẫn có thể chia sẻ cho người khó khăn hơn để đi mua hàng đúng nhu cầu của họ.
Chuyên gia kinh tế Lê Đăng Doanh cho rằng nên giải ngân thật nhanh hết gói cứu trợ đã công bố, cứ phát tiền tận tay cho người dân, không phân biệt có tạm trú hay không. Chính quyền địa phương cứ đi thẳng đến xóm mà phát bởi lúc này ai cũng ở nhà, cứu đói lúc này là cực kỳ quan trọng.
Tuy nhiên, để hiệu quả cho việc hỗ trợ, giá cả hàng hóa phải giảm thấp nhất có thể. Hiện tại, rau củ quả tăng do hàng từ các tỉnh về TP.HCM và Hà Nội còn khó khăn. TS Lê Đăng Doanh nhấn mạnh: Tại sao rau củ quả khu vực đồng bằng sông Cửu Long, Lâm Đồng lại rẻ như cho mà về TP.HCM lại tăng gấp nhiều lần? Bài toán về giá cả đang có vấn đề, phải tạo cơ hội thông thoáng để hàng về thành phố và có phương án mở lại chợ truyền thống để tiêu thụ hàng hóa giá rẻ, tự khắc sẽ giảm được gánh nặng cứu đói cho người dân.
Còn TS Phạm Thị Thanh Xuân, Trường ĐH Kinh tế - Luật (ĐH Quốc gia TP.HCM), cho hay đang cùng các đồng nghiệp nỗ lực phân tích, đề xuất những giải pháp mang tính hiến kế để hỗ trợ cho nhiều nhóm đối tượng kinh tế tại TP.HCM và vùng kinh tế trọng điểm phía nam. Chẳng hạn, nhóm đề xuất thành phố dành một gói hỗ trợ cho giáo dục khi năm học mới cận kề. Cụ thể, hỗ trợ ngay cho các gia đình có con em từ mầm non đến đại học vẫn yên tâm được tiếp tục đến trường. Nếu học sinh nào chẳng may bị mất bố hoặc mẹ hay người bảo trợ thì cần hỗ trợ trực tiếp 1 triệu đồng/em/tháng trong thời gian suốt năm học mới 2021 - 2022.
Dù không có đầy đủ số liệu, nhưng qua thăm dò thì việc giảm tiền điện 10 - 15% áp dụng chung cho tất cả đối tượng cũng không mang lại hiệu quả như mong muốn. Đối với những người lao động, công nhân thì đa số sử dụng tiền điện chỉ 200.000 - 300.000 đồng/tháng nên việc chỉ giảm 15%, tương đương 30.000 đồng/tháng là chưa đủ hỗ trợ cho họ trong lúc khó khăn này. Ngành điện lực có thể dựa trên thống kê số lượng hộ gia đình tiêu thụ điện dưới 500.000 đồng và nên xem xét giảm nhiều hơn, chẳng hạn 30 - 40% tiền điện.
TS Phạm Thị Thanh Xuân
Nhóm thứ hai nếu học sinh nào có bố mẹ tạm thời bị mất việc sẽ được hỗ trợ 500.000 đồng/em/tháng trong thời gian 6 tháng. Nhóm cuối là trẻ em có bố hoặc mẹ hay người bảo trợ bị giảm thu nhập từ 30% trở lên thì sẽ được hỗ trợ khoảng 200.000 đồng/em/tháng trong thời gian 6 tháng. Đồng thời yêu cầu các trường rà soát và không thu bất kỳ khoản phụ thu nào trong năm học mới.
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.