Chỉ sợ mất lòng tin của dân

27/12/2013 03:00 GMT+7

Sáng 26.12 tại Hà Nội, Bộ Quốc phòng, Ban Tuyên giáo T.Ư, Tỉnh ủy Thừa Thiên-Huế và Học viện Chính trị - Hành chính Quốc gia Hồ Chí Minh đã tổ chức Hội thảo khoa học Đồng chí Nguyễn Chí Thanh với Cách mạng Việt Nam và quê hương Thừa Thiên-Huế.

Sáng 26.12 tại Hà Nội, Bộ

Quốc phòng, Ban Tuyên giáo T.Ư, Tỉnh ủy Thừa Thiên-Huế và Học viện Chính trị - Hành chính Quốc gia Hồ Chí Minh đã tổ chức Hội thảo khoa học Đồng chí Nguyễn Chí Thanh với Cách mạng Việt Nam và quê hương Thừa Thiên-Huế. 

 
Đại tướng Võ Nguyên Giáp và  Đại tướng Nguyễn Chí Thanh trao đổi tình hình chiến sự chiến trường miền Nam (5.7.1967) - Ảnh: tư liệu

Ông Đinh Thế Huynh, Ủy viên Bộ chính trị, Trưởng ban Tuyên giáo T.Ư nhắc lại bài học lịch sử mà Đại tướng để lại. Trong những năm đầu kháng chiến chống thực dân Pháp xâm lược, Đại tướng được phân công làm Bí thư Tỉnh ủy Thừa Thiên, kiêm Bí thư Phân khu ủy Bình-Trị-Thiên. Khi đó, tình hình chiến sự tại mặt trận Bình-Trị-Thiên vô cùng ác liệt, lực lượng của ta bị tổn thất nghiêm trọng, mặt trận Huế bị địch phá vỡ, nhiều cơ quan, tổ chức Đảng trong tỉnh bị thiệt hại nặng nề, một số cán bộ, đảng viên tỏ ra bi quan, một bộ phận quần chúng hoang mang lo sợ. 

Để động viên tinh thần của nhân dân, củng cố ý chí quyết chiến, quyết thắng của cán bộ, bộ đội ta, Đại tướng Nguyễn Chí Thanh đã khẳng định: "Mất đất chưa phải là mất nước. Chúng ta chỉ sợ mất lòng tin của dân. Có lòng tin của dân là có tất cả. Vì vậy chúng ta không được chạy dài. Chúng ta phải trở về với dân, chúng ta nhất định thắng!".

Theo trung tướng Đồng Sĩ Nguyên, khi Mỹ trực tiếp đưa quân vào xâm lược miền Nam Việt Nam, Đại tướng Nguyễn Chí Thanh được Bộ Chính trị cử vào phụ trách T.Ư Cục miền Nam. Ngay từ những ngày tháng đầu, Đại tướng đã đi thực địa chiến trường và sớm đưa ra kết luận, đánh giá rất ngắn gọn, nhưng vô cùng giá trị gửi về Bộ Chính trị: “Đế quốc Mỹ giàu nhưng không mạnh”.

Khai thác điểm yếu cơ bản của địch, Đại tướng đã chỉ thị cho quân dân miền Nam: “Hãy nắm thắt lưng địch mà đánh, để giành thắng lợi”. Một khẩu hiệu chiến lược và rất chiến thuật mà Thủ tướng Võ Văn Kiệt sau này nhiều lần tâm đắc nhắc lại: “Chính nhờ khẩu hiệu đó, mà quân dân miền Nam chiến đấu đến giành thắng lợi cuối cùng”.

Theo Đại tướng, Bộ trưởng Quốc phòng Phùng Quang Thanh, những trận thắng phủ đầu quân Mỹ ở Núi Thành (Quảng Nam), Vạn Tường (Quảng Ngãi), Plây - Me vào giữa năm 1965 đã chứng minh cho nhận định sắc sảo của Đại tướng Nguyễn Chí Thanh rằng quân và dân Việt Nam không chỉ dám đánh, biết đánh mà còn đánh thắng Mỹ về quân sự trong chiến lược “Chiến tranh cục bộ”. Thực tiễn chiến đấu và những thắng lợi trong trận đụng đầu với quân Mỹ là cơ sở quan trọng để BCH T.Ư Đảng hình thành và hoàn chỉnh Nghị quyết T.Ư lần thứ 12 khóa 3 (12.1965), khẳng định quyết tâm, đường lối đánh Mỹ.

Nhà lãnh đạo lắng nghe “phản biện”

Theo nhà báo Hữu Thọ, trong thời kỳ Đại tướng được giao phụ trách lĩnh vực nông nghiệp, ông và nhiều cán bộ khác hay được mời đến nhà Đại tướng ở 34 Lý Nam Đế (sau khi Đại tướng mất gia đình đã trả lại nhà cho Bộ Quốc phòng, nay là trụ sở Hội Cựu chiến binh). Mặc dù là Ủy viên Bộ Chính trị, giữ trọng trách trong Đảng và Quân đội nhưng Đại tướng không giữ khoảng cách mà thường khơi gợi để cán bộ ông mời đến mạnh dạn nêu ý kiến thảo luận. Theo ông Hữu Thọ, Đại tướng đã thẳng thắn nói: “Các cậu cứ tranh cãi thoải mái, mình xuất thân từ nông dân, suốt đời trận mạc, nay được trao phụ trách nông nghiệp có nhiều điều chưa biết, cho nên sẽ cùng tham gia tranh cãi, khi tranh luận có ý đúng, có ý chưa đúng là việc bình thường, còn nếu cậu nào nói đúng một nửa cũng đã giữ 50% chân lý, rất “oách” rồi còn gì”.

Lúc đó Đoàn cố vấn về thủy lợi của Trung Quốc do bà Bộ trưởng Tiền Chính Anh dẫn đầu sang đã góp ý kiến về phương châm “ba chính” trong công tác thủy lợi: giữ nước là chính; thủy lợi nhỏ là chính; nhân dân làm là chính. Theo ông Hữu Thọ, lúc bấy giờ ý kiến của các đoàn cố vấn Trung Quốc có sức nặng ghê gớm, nhưng nghe phổ biến phương châm “ba chính” một số cán bộ của ta băn khoăn nhưng cũng chỉ xầm xì với nhau.

Nhờ không khí “phản biện” được Đại tướng tạo ra lúc đó, ông Hữu Thọ đã phản hồi: “Ở ta có vùng hạn, vùng úng mà chống úng xem ra khó hơn, nhưng nhất loạt “giữ nước là chính” để chống hạn thì không bao quát tình hình; rồi cần làm nhiều thủy lợi nhỏ nhưng phải làm thủy lợi vừa và lớn mới có nguồn để chủ động cấp nước và tiêu nước, cho nên chỉ “thủy lợi nhỏ là chính mà chưa có công trình vừa và lớn thì e chống hạn và chống úng đều không hiệu quả”.

Theo ông Hữu Thọ, những điều trên là ông nói lại ý kiến của một số cán bộ mà ông nghe được, nhưng lại động chạm tới ý kiến của cố vấn là chuyện to. Sau khi buột miệng nói ra ông Hữu Thọ tưởng sẽ bị phê bình nhưng Đại tướng chỉ ôn tồn nói: “Ta cứ khiêm tốn lắng nghe ý kiến cố vấn nhưng khi làm thì điều chỉnh cho phù hợp với tình hình cụ thể của cả nước và từng vùng”. 

Theo nhà báo Phan Quang, một trăn trở thường xuyên nơi Đại tướng Nguyễn Chí Thanh, đặc biệt thời gian ông phụ trách chỉ đạo công tác nông thôn và nông nghiệp, là: chúng ta “ngồi” trên T.Ư ban hành chính sách, liệu các chính sách ấy có hợp lòng dân, có đáp ứng nhu cầu thực tế, có phù hợp xu thế thời đại? Tại sao có những chủ trương của T.Ư nhanh chóng đi vào cuộc sống, mang lại hiệu quả rõ rệt, trong khi không ít chính sách khác chỉ dừng lại ở khẩu hiệu? Bất kỳ chuyến đi thực tế nào của ông cũng có mục đích cụ thể: tìm hiểu thâm canh lúa, tổ chức chăn nuôi đại trà, làm nghề phụ, tạo việc làm cho dân lúc nông nhàn..., nhưng đằng sau những cái đó chung quy hướng vào việc tìm lời giải cho trăn trở lớn, và như vậy cũng có nghĩa là đặt câu hỏi tiếp: Vậy Đảng và Nhà nước ta cần phải có thêm những chính sách gì?

Trường Sơn

>> Những câu chuyện chưa kể về Đại tướng Nguyễn Chí Thanh
>> Những bức thư tình của Đại tướng Nguyễn Chí Thanh
>> Hội thảo khoa học về Đại tướng Nguyễn Chí Thanh
>> Triển lãm về cuộc đời và sự nghiệp của Đại tướng Nguyễn Chí Thanh

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.