Chí sĩ Phan Bá Phiến chưa được tôn trọng!

12/05/2006 10:58 GMT+7

Phong trào Nghĩa hội (1885 - 1887) tuy ngắn ngủi và chỉ lan rộng trong 3 tỉnh Quảng Nam, Quảng Ngãi, Bình Định; nhưng những tên tuổi lớn như Nguyễn Duy Hiệu, Phan Bá Phiến, Trần Văn Dư, Tiểu La Nguyễn Thành, Châu Thượng Văn… vẫn còn lưu lại trong lịch sử chống ngoại xâm của dân tộc.

Thời đó chí sĩ Phan Bá Phiến, được nghĩa binh và nhân dân gọi là ông “Án Hổ”, đóng vai trò quan trọng thứ hai sau lãnh tụ Nguyễn Duy Hiệu, đã uống thuốc độc quyên sinh để không rơi vào tay giặc, bảo vệ bí mật của phong trào… đã gây một sự xúc động cao độ  trong giới trí thức thời bấy giờ. Nhưng tiếc thay, ngày nay - chuẩn bị kỷ niệm 120 năm ngày hi sinh của ông - lại chưa có sự vinh danh đúng mực; ngay cả nơi yên nghỉ của ông ở xã Tam Tiến, huyện Núi Thành (Quảng Nam) cũng bị hoang phế và ngày càng hư hại…

Cụ Phan Bá Phiến sinh khoảng đầu triều Thiệu Trị, mồ côi cha mẹ nhưng với chí lớn và  thông minh, ông đã đậu cử nhân Mậu Ngọ (1858). Ra làm quan tri huyện Phù Cát (Bình Định). Khi giặc Pháp đánh chiếm nước ta, ông từ quan và cùng Nguyễn Duy Hiệu lập nên Phong trào Nghĩa hội, thống nhất được lực lượng cả 3 tỉnh trung kỳ và lập căn cứ - tân tỉnh ở vùng rừng núi Trung Lộc, nay thuộc huyện Quế Sơn (Quảng Nam) chiến đấu ròng rã suốt 3 năm. Sau nhiều lần tập kích, quân tay sai của giặc Pháp do Nguyễn Thân chỉ huy mới đánh được vào sào huyệt của nghĩa quân. Để bảo toàn lực lượng và phong trào yêu nước về sau, hai thủ lĩnh là hội chủ Nguyễn Duy Hiệu và Phan Bá Phiến đã quyết định không để rơi vào tay giặc. Phan Bá Phiến đã uống thuốc độc quyên sinh vào ngày 21/9/1887. Cụ Phan Bội Châu sau này đã soạn văn bia trên mộ cụ Phan Bá Phiến như sau: “…Năm đầu Hàm Nghi nước mất, vua rời kinh thành, ông phụng chiếu Cần vương đánh với giặc Pháp nhiều trận. Thế cùng lực kiệt, sát thân thành nhân… Sống hiếu chết trung. Vì nước sống tốt đẹp, vì nước chết oanh liệt. Ông quả đủ cả hai  đức: sáng và trung kiên”. Theo gia đình họ Phan ở Tam Tiến, bia trên khắc vào ngày 21/12/1936.

Chủ tịch UBND xã Tam Tiến Lữ Đình Vân đưa chúng tôi ra thăm mộ cụ Phan Bá Phiến trên một nỗng cát gần trụ sở  xã. Ngôi mộ gần như hoang phế, dường như rất lâu rồi không được chăm sóc, nhiều chỗ bị trẻ chăn trâu đập phá. Ông Vân nói: "Thu nhập bình quân của người dân chỉ 100 ngàn đồng/tháng, ngân sách thiếu hụt nên biết có lỗi với tiền nhân cũng đành chịu. Chỉ biết đề đạt lên cấp trên…”. Theo lãnh đạo sở Văn hóa Thông tin tỉnh Quảng Nam, mộ cụ Phan Bá Phiến đã được xếp hạng di tích lịch sử địa phương, ngành VHTT đã lập dự án tôn tạo với kinh phí 200 triệu đồng nhưng đến nay chưa được cấp trên phê duyệt!

Theo nhà nghiên cứu lịch sử Trần Viết Ngạc: Sự hi sinh của Nguyễn Duy Hiệu và Phan Bá Phiến đã bảo toàn được lực lượng yêu nước thời bấy giờ tại các tỉnh miền Trung. Sự xuất hiện trở lại sau đó của các nhân vật đã từng tham gia Nghĩa hội như Tiểu La Nguyễn Thành, Đỗ Đăng Tuyển, Châu Thượng Văn trong phong trào Duy Tân, chống thuế Trung kỳ… đầu thế kỷ 20 là một minh chứng. Với những ý nghĩa to lớn như vậy, thiết nghĩ nơi yên nghỉ của chí sĩ Phan Bá Phiến cần được tôn trọng hơn nữa để góp phần giáo dục lòng yêu nước cho các thế hệ sau.

Trương Điện Thắng

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.