Chị Hoa - Truyện ngắn dự thi của Quốc Việt

23/10/2022 08:30 GMT+7

Trời chiều. Những đám mây trôi chầm chậm về phía chân núi như muốn níu kéo chút còn lại của ngày.

Chị Hoa ngồi bên chái hiên lọ mọ sắc thuốc. Đã mấy ngày mưa liên tiếp nên đống củi không kịp khô, khói lên nghi ngút làm đôi mắt chị cay xè.

Nghe tiếng ho sặc sụa của anh Năm, chị lật đật chạy lên nhà trên đỡ anh ngồi dậy. Đôi bàn tay gầy guộc của chị vuốt lấy vuốt để ngực anh. Dứt một tràng ho, anh Năm giương cặp mắt sâu hoáy nhìn chị nói bằng giọng hổn hển:

"Mình… cứ lo việc của… mình đi. Tôi… không… sao".

"Mình ho nhiều quá! Hay là mai tôi cắt mấy thang thuốc khác cho mình uống thử xem sao?".

"Thôi! Cắt làm chi… nữa… cho tốn tiền".

"Nhưng…".

Hoa chưa kịp nói hết câu thì nước mắt đã bắt đầu ứa ra. Chị giơ cánh tay gạt ngang như muốn ngăn lại. Nhìn anh, người đàn ông lực lưỡng bây giờ chưa đầy bốn mươi ký, chỉ còn da bọc xương, chị thấy đau lòng.

Từ ngày bệnh viện trả về, chị cũng đã đưa chồng đi khắp nơi tìm thầy với hy vọng “may thầy phước chủ” nhưng cuối cùng cũng không có kết quả. Anh Năm giờ như ngọn đèn sắp cạn, không biết lúc nào sẽ ra đi.

"Tôi đã nói… với mình… đừng khổ vì tôi nữa… Tôi… không xứng…".

Lại một tràng ho sặc sụa không để cho anh Năm nói hết câu. Chị Hoa nhanh chóng đỡ chồng ngồi tựa vào thành giường, nhỏ nhẹ:

"Tôi và mình sống với nhau cũng hơn chục năm, không còn tình cũng còn nghĩa. Lẽ nào tôi lại bỏ rơi mình lúc này".

Anh Năm im lặng nhìn chị. Có lẽ anh muốn khóc nhưng cái cơ thể khô quéo kia không đủ nước mắt để mà ứa ra. Anh ra dấu cho chị đỡ mình nằm xuống. Kê lại cái gối cho anh xong, chị lặng lẽ bước ra sau bếp canh siêu thuốc. Nhìn đóm lửa cháy lập lòe, chị mơ màng nghĩ đến những chuyện đã qua…

***

Ngày đó, Hoa không xinh nếu không muốn nói là xấu nên mãi đến hơn ba mươi tuổi chị vẫn chưa có chồng, trong khi đám bạn đã con bồng con bế. Đôi lần Hoa nghĩ hay tìm một gã đàn ông nào đó "xin" một đứa con để sau này vui với tuổi già. Nhưng chưa kịp thực hiện ý định của mình thì ông trời sắp đặt cho chị gặp anh Năm. Anh là bộ đội phục viên trở về sau chiến tranh biên giới với một mảnh đạn còn nằm lại cơ thể. Méo mó có hơn không. Chị cần có tấm chồng cho thiên hạ khỏi lời dị nghị nên gật đầu chấp nhận khi anh Năm ngỏ lời xin cưới. Và thế là anh chị nên duyên bằng một mâm cơm đơn giản kính báo tổ tiên, ra mắt xóm giềng. Anh nghèo. Chị cũng chẳng khá hơn. Tài sản của hai vợ chồng là căn nhà lụp sụp với vài ba thửa ruộng bạc màu.

Minh họa: Tuấn Anh

Cưới nhau về, anh Năm theo đám người làng ra thị trấn kiếm việc làm thuê, còn chị ở nhà lo đàn gà, con lợn, luống rau. Niềm mơ ước duy nhất của hai vợ chồng là có một đứa con cho vui cửa vui nhà. Nhưng chờ mãi cũng chẳng thấy đâu.

Ở quê vẫn còn nặng nề chuyện sinh con nối dõi tông đường. Việc chị Hoa mãi vẫn chưa thấy tin vui làm cho người ta lời qua tiếng lại; không biết đẻ, chắc do nghiệp kiếp trước... Anh Năm lúc đầu còn an ủi chị nhưng lâu dần đâm ra chán nản. Từ một người đàn ông hiền lành chịu khó, anh trở nên cau có, thường xuyên mượn rượu giải sầu. Chị cam chịu. Nghĩ do lỗi ở mình.

Nhưng cuộc sống anh chị vẫn sẽ như vậy nếu như không có một ngày đất chỗ nhà anh chị được quy hoạch. Đất sốt sình sịch, dân khắp nơi đổ xô về mua. Với vài ba mảnh ruộng, anh chị cũng có trong tay một số tiền khá lớn. Có tiền, anh thay đổi đến mức chị không nhận ra. Anh ăn mặc chải chuốt, sắm con xe máy xịn thay cho chiếc xe cà tàng vẫn đi làm ngày trước. Và anh có bồ như một lẽ tất yếu. Chị biết nhưng cũng mắt nhắm mắt mở cho qua. Người đàn bà chân lấm tay bùn mang trong mình suy nghĩ “lấy chồng theo chồng” cứ lầm lũi như cây lúa thiếu phân, thiếu nước mặc cho anh muốn làm gì thì làm.

Rồi chuyện gì tới cũng tới. Nhớ buổi chiều hôm đó, chị đang loay hoay với mấy luống rau ngoài vườn thì anh về. Nhìn mặt anh đỏ gay và bước đi không vững, chị biết anh say. Đi về phía chị, anh cất giọng lè nhè:

"Mình vào nhà, tôi có chuyện muốn nói".

"Chuyện gì lát nữa đi mình. Tôi đang dở tay…".

"Không được. Tôi có chuyện quan trọng".

Thấy anh gắt lên, chị lật đật rửa tay theo anh vào nhà.

Anh ngồi đối diện với chị. Nét mặt trở nên nghiêm túc. Anh nói:

"Mình ly dị đi".

"Mình nói sao? Ly dị?".

Chị bật khóc. Chị không ngờ một ngày anh có thể thốt ra câu ấy với chị. Hơn chục năm bên anh, chị an phận làm một người vợ, làm một cái bóng bên anh. Anh Năm thoáng chút bối rối khi nhìn những giọt nước mắt của chị. Anh hạ giọng:

"Xin lỗi mình. Tôi biết làm như vậy không phải với mình, nhưng Thúy đã có bầu với tôi. Mong mình hiểu…".

Chị bỏ vào buồng nằm, mặc anh nhìn theo không biết đang vui hay buồn.

Ngày đó ở quê chẳng mấy người đăng ký kết hôn nên việc chia tay của anh chị không cần phải lôi nhau ra tòa, chỉ cần mảnh giấy thỏa thuận của hai bên có chữ ký của đại diện chính quyền. Thế là xong. Chị Hoa đồng ý tiền bạc thuộc về anh, chỉ xin giữ lại căn nhà để có chỗ chui ra chui vào.

***

Thời gian trôi qua, chị một mình sống trong căn nhà lụp xụp. Người đàn bà đã qua một lần đò, không hề sinh nở được thì hạnh phúc với chị là xa xỉ. Đôi khi chị nghĩ đến anh Năm. Chắc bây giờ anh đang vui vẻ bên người đàn bà khác. Thôi thì chị cũng chúc phúc cho người ta.

Một hôm, chị có dịp đi lên chợ huyện mua ít đồ chuẩn bị đám giỗ cho mẹ. Chị không tin vào mắt mình khi người đàn ông từng là chồng chị bây giờ phải nằm vất vưởng trên vỉa hè, chờ đồng tiền bố thí của những tấm lòng hảo tâm đi qua. Anh gầy gò, mặt xanh như tàu lá. Chị Hoa quay mặt sang hướng khác, lướt đi thật nhanh, sợ anh nhận ra mình. Trong đầu chị là những câu hỏi: sao anh đến nông nỗi này, vợ con anh đâu...? Chị thấy tim mình thắt lại.

Nghĩ không ra, chị lân la dò hỏi mới biết được hai vợ chồng anh và đứa nhỏ dọn về đây sống đã được một thời gian. Từ khi anh phát bệnh, tài sản tiêu tán thì người phụ nữ kia lại bỏ rơi anh để chạy theo người đàn ông khác. Còn đứa bé mà anh coi như báu vật cũng chẳng phải là con anh mà của người đàn bà đó với một gã nhân tình. Anh bị vô sinh do di chứng của mảnh đạn còn lại trong người. Hết tiền, niềm tin sụp đổ, lại mang trong mình căn bệnh nan y, anh tuyệt vọng tìm đến cái chết. Nhưng ông trời chẳng cho, mấy lần anh tự tử đều bất thành, đành vất vưởng kiếm miếng ăn qua ngày.

Hình ảnh xanh xao của anh Năm cứ ám ảnh chị, làm chị không tài nào chợp mắt được. Sau nhiều hôm suy nghĩ, chị quyết định làm một việc mà nhiều người chửi là dại: đón anh về nhà chăm sóc. Bà con láng giềng lại được dịp xào xáo. Ừ thì chị dại. Nhưng với một người không quen biết chị còn thấy động lòng thương huống hồ gì là anh, người từng đầu ấp tay gối với mình hơn chục năm trời. Ừ thì anh bạc với chị, nhưng cũng có lúc anh đối xử tốt với mình. Thay vì nghĩ đến chuyện bị anh bỏ rơi thì cứ nghĩ đến một thời nồng ấm. Chị cũng đã năm mươi rồi, chẳng có gì phải tiếc. Anh cũng đã cống hiến một phần tuổi xuân cho đất nước, thì xem như chị đưa vai gánh đỡ một phần… Chị làm những việc mà bản thân mình muốn làm, ai nói gì mặc kệ.

***

Tiếng ho của anh Năm làm chị giật mình quay trở về thực tại. Chị nhìn siêu thuốc đã tắt lửa, lật đật giở nắp ra xem, rồi rót ra chén cho nguội. Đúng lúc đó có tiếng nói từ phía sau:

"Dì Năm ơi! Mẹ con biểu đưa sang biếu dì".

Chị quay lại nhìn. Thì ra là con bé ở cạnh nhà chị. Hoa đưa tay đón lấy mớ rau trên tay nó, lên tiếng:

"Nói cho dì cảm ơn mẹ nha".

Con bé “dạ” rõ to rồi nhanh chóng chào chị ra về. Nhìn theo bóng nó khuất sau hàng rào dâm bụt, chị thở dài. Phải chi...

Gió lay nhẹ làm cây sứ gần chỗ chị đang đứng lại rụng xuống vài bông. Chị nhìn mấy bông hoa sứ nằm trên mặt đất, lầm bầm trong miệng: "Cái loài hoa gì mà lạ, không đẹp nhưng mà thơm, tối lại càng thơm, rụng xuống rồi vẫn thơm. Mà… hoa nào chả phải là hoa". Xa xa ngoài ngõ thấp thoáng vài bóng người đi tới. Hình như họ lại đến thăm nom…

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.