Chè trăm tuổi xứ Lộc Thanh

Phạm Anh
Phạm Anh
15/01/2023 14:35 GMT+7

Thôn Lộc Thanh, xã Bình Minh được ví như vùng “trung du” của H.Bình Sơn (Quảng Ngãi). Ở đây đang có hàng chục héc ta chè, trong đó có hàng trăm, hàng ngàn gốc chè cổ thụ hàng trăm tuổi hiếm có.

Trời phú cho Lộc Thanh đất có màu như đất đỏ bazan, cây cối tốt tươi bên dòng sông Trà Bồng luôn trong xanh. Cây chè có lẽ cũng hưởng được lợi thế đất - sông mà xanh tốt quanh năm.

Tiếp khách bên ấm chè xanh nghi ngút khói, ông Trần Ngọc Giàu (80 tuổi, thôn Lộc Thanh) kể rằng đất này xưa chè xanh bát ngát. Thế rồi qua thời gian, dân thôn chặt nhiều rẫy chè hàng trăm năm để trồng bạch đàn, keo, cao su. Cho đến những năm gần đây, người dân Lộc Thanh nhận ra những loại cây bán lấy tiền kiểu

“mì ăn liền” kia không còn đáng giá nữa và không kiếm tiền nhiều bằng những cây chè thân thương bên hiên nhà. Từ đó họ ra sức bảo vệ, gìn giữ, chăm sóc và bảo tồn những vườn chè cổ thụ thành sản vật đặc trưng làng quê xứ trung du.

Gốc chè hơn trăm tuổi

PHẠM ANH

Chè Lộc Thanh không giống chè nơi khác. Cầm lá chè thấy dày hơn nhưng nhỏ. Nhấp ngụm chè, mới đầu cảm thấy đắng, chát ngầm. Khi nước chè chảy vào cơ thể, đầu lưỡi bắt đầu cảm nhận được vị ngọt, thơm. Nước chè có màu xanh vàng sóng sánh, đến nước thứ hai, ba vẫn còn đậm, vị ngọt vẫn đầu đọng trên đầu lưỡi, vòm miệng.

Để uống chè Lộc Thanh ngon, người xứ này tìm lấy nước ở giếng có sỏi dưới đáy, không có phèn, để nước chè nấu lên không có màu đỏ bầm. Lựa lá chè cũng không quá non, quá già. Lá non làm chè nhạt màu. Lá già chè sẽ bị giảm vị ngọt, chát. Khi nấu, lá chỉ vò sơ qua và nấu cả lá lẫn cành để giữ mùi thơm và nước chè đậm hơn.

Ông Giàu kể chuyện, giọng đều đều, mắt tự hào nhìn qua đám rừng chè xanh trước mặt. Ông bảo, nếu biết làm, rừng chè cổ trăm năm quê mình sẽ là nơi hấp dẫn du khách thập phương. Và ông mơ một ngày nào đám trẻ sẽ làm được điều này.

Hôm ấy, chúng tôi theo chân dân thôn đi ra rẫy, mục sở thị những gốc chè cổ trăm năm. Ông Trần Văn Thống (49 tuổi, thôn Lộc Thanh) dẫn chúng tôi ra thăm 1 ha chè của gia đình, trong đó có khoảng 200 gốc chè trăm tuổi. Có gốc to hơn 2 gang tay, gân guốc, da cây như có màu thời gian phủ lên. Ở đây, để tiện việc chăm sóc, dân thôn chỉ để tán chè rộng, còn lại hay tỉa cành nên cây chè cổ chỉ cao hơn 2 m trở lại. Ông Thống bảo rằng nếu để cây lớn tự nhiên, có thể cây cao hơn 5 m, không thua gì chè Tây Bắc. Có điều cây chè sẽ bị bão tố làm trốc gốc, hư hại nên dân thôn không ai để cây cao quá. Theo ông Thống, không thể đoán tuổi của các “cụ” chè, vì từ nhỏ theo ông nội, ba mẹ ra đây hái lá thì mấy trăm gốc chè này đã có lâu lắm rồi.

Trong rẫy chè cổ ở thôn Lộc Thanh

Nói về những cây chè trăm tuổi, ông Phan Văn Hội (cũng ở thôn Lộc Thanh) khoe rằng gia đình ông rất may còn giữ được rẫy chè cổ thụ hơn 1 ha. Đây là cây giúp gia đình ông ổn định cuộc sống những năm qua. Theo ông Hội, năm xưa dân thôn Lộc Thanh trồng chè chủ yếu để thưởng thức hằng ngày, lễ tết thì làm quà biếu họ hàng, người thân đi xa về thăm quê. Còn bây giờ, chè Lộc Thanh, chè cổ trăm năm hấp dẫn thiên hạ bằng giá trị thực thụ bởi là một thứ thức uống ngon và cả giá trị thời gian.

Ông Nguyễn Văn Dân, nguyên Chủ tịch UBND xã Bình Minh, cho biết ông từng gắn bó với xã Bình Minh, biết chè cổ nổi tiếng ở thôn Lộc Thanh. Chính ông Dân và chính quyền xã này đã quyết đưa cây chè vào đề án mỗi xã một sản phẩm, khuyến cáo người dân tăng diện tích cây chè.

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.