Chế biến để làm giàu từ nông nghiệp

22/02/2020 08:15 GMT+7

Nông nghiệp Việt Nam nếu không giải quyết được nút thắt về công nghiệp chế biến và cơ giới hóa để sản xuất quy mô lớn thì giấc mơ thoát nghèo và làm giàu từ nông nghiệp sẽ khó thành hiện thực.

Đó là chia sẻ của nhiều đại biểu tại hội nghị trực tuyến toàn quốc do Chính phủ và Bộ NN-PTNT tổ chức ngày 21.2 với chủ đề: Thúc đẩy phát triển công nghiệp chế biến nông sản, cơ giới hóa nông nghiệp trong bối cảnh cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ 4, dưới sự chủ trì của Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc.

Công nghệ lạc hậu, giá trị chế biến thấp

Chia sẻ hiện trạng về ngành công nghiệp chế biến, Bộ trưởng Bộ NN-PTNT Nguyễn Xuân Cường cho biết hệ thống công nghiệp chế biến nông sản có công suất khoảng 120 triệu tấn nguyên liệu/năm và trên 7.500 doanh nghiệp (DN) có chế biến gắn với xuất khẩu. 10 năm trở lại đây, công nghiệp chế biến có tốc độ tăng trưởng 5 - 7%/năm và có một số ngành chế biến hiện đại nhưng nhìn chung năng lực chế biến chưa đáp ứng yêu cầu về chất lượng sản phẩm, dây chuyền công nghệ, công suất chế biến, đặc biệt là dịp mùa vụ, cao điểm thu hoạch.
Xuất khẩu tươi là hướng đi quan trọng, nhưng chế biến quan trọng hơn để tránh lặp lại tình trạng được mùa rớt giá
Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc
Báo cáo từ Bộ NN-PTNT ghi nhận một số ngành có tỷ lệ chế biến ở mức thấp như rau, quả khoảng 10%, chè chiếm khoảng 40% nguyên liệu. Ngành gỗ và thủy sản công suất chế biến ở mức cao cũng chỉ đạt từ 65 - 78% và 95% số cơ sở chế biến nông lâm sản có quy mô vừa và nhỏ, hộ gia đình. Ở một số ngành hàng có tuổi đời trên 15 năm như chè thì 40% công nghệ chế biến lạc hậu, chắp vá.
Nông sản qua chế biến mới có thể gia tăng giá trị và giải quyết được vấn đề thời vụ Ảnh: Chí Nhân

Nông sản qua chế biến mới có thể gia tăng giá trị và giải quyết được vấn đề thời vụ

Ảnh: Chí Nhân

Thứ trưởng Bộ Công thương Đỗ Thắng Hải cho rằng công nghiệp chế biến nông sản tăng nên các mặt hàng nông sản xuất khẩu tăng bình quân từ 8 -10%/năm, trong đó thủy sản đang là ngành phát triển nhanh nhất. Nhưng đa số sản phẩm nông lâm sản xuất khẩu dưới dạng sơ chế thô nên giá trị gia tăng ở mức thấp. “Giá trị nông sản chế biến của nước ta thấp hơn từ 15 - 50% so với các sản phẩm cùng loại từ những nước khác đầu tư”, ông Hải nói.

Đưa nông dân vào chuỗi giá trị

Ông Trần Bá Dương, Chủ tịch HĐQT Công ty CP ô tô Trường Hải (THACO), khẳng định từ khi “bắt tay” với Hoàng Anh Gia Lai trồng 20.000 ha chuối, nhận thấy nếu có cách làm khác thì nông nghiệp không có rủi ro, thậm chí có thể làm giàu.
Theo ông Dương, ngành nông nghiệp phát triển tập trung 2 hướng: sản xuất quy mô lớn và ứng dụng công nghệ phù hợp; tổ chức sản xuất sản phẩm hàng hóa với số lượng, chất lượng ổn định, phân phối tập trung ở thị trường cố định. Các DN tập đoàn phải có mô hình sản xuất kinh doanh, cam kết được với khách hàng về chất lượng sản phẩm, sản lượng, phương thức sản xuất sau đó chuyển giao công nghệ cho nông dân làm chuỗi liên kết như nhiều tập đoàn đa quốc gia đang làm. Đây cũng là giải pháp đưa nông dân tham gia vào chuỗi sản xuất, kinh doanh theo nhu cầu thị trường, kinh tế thị trường trong bối cảnh không dễ để tích tụ đất đai sản xuất quy mô lớn.
“Khi chúng tôi đặt vấn đề đầu tư, các địa phương chỉ quan tâm chế biến nhưng đừng quên rằng xuất khẩu tươi mới là giá trị nhất. Các DN có dây chuyền chế biến nhưng chủ yếu là xuất tươi, chỉ những phần nào không xuất được mới đưa vào chế biến hoặc có dòng sản phẩm chuyên để chế biến xuất khẩu đến thị trường cao cấp, khó tính. Chế biến không phải là giải pháp cho tất cả ngành nông nghiệp mà phải gắn liền với vùng trồng, vùng nguyên liệu”, ông Dương nói.
Cùng quan điểm, ông Đinh Quang Khuê, Chủ tịch HĐQT Công ty CP thực phẩm xuất khẩu Đồng Gia (DOVECO), cho biết thực tế hiện nay DN muốn có vùng nguyên liệu vài chục héc ta tập trung là không dễ, tích tụ đất đai rất khó.
Kinh nghiệm của DOVECO nhiều năm qua là liên kết với nông dân các tỉnh Ninh Bình, Thanh Hóa, gần đây nhất là Gia Lai để xây dựng vùng nguyên liệu. Đây là cách đưa nông dân vào chuỗi sản xuất. DN nghiệp vẫn có vùng nguyên liệu đáp ứng tiêu chuẩn xuất khẩu, thậm chí những tiêu chuẩn cao cấp từ các thị trường khó tính như Nhật Bản.
“Liên kết vùng nguyên liệu theo hướng tập trung và phi tập trung. Phi tập trung là DN liên kết với nông dân, hợp tác xã. Còn liên kết tập trung là DN với các nông, lâm trường để khai thác tối đa nguồn lực về đất đai, DN yên tâm đầu tư về công nghệ, sản xuất quy mô lớn, hạ giá thành giúp sản phẩm nông sản có sức cạnh tranh tốt hơn”, ông Khuê nói.

Chế biến để chủ động thị trường

Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc khẳng định thời gian qua chính sách cho nông nghiệp được ban hành nhiều nhưng chưa tập trung, sau hội nghị này cần phải tập trung vào những chính sách được coi là “cú đấm thép” tháo gỡ vướng mắc phát triển cơ giới hóa và chế biến nông sản.
Khẳng định vai trò nòng cốt của DN, đặc biệt là khối DN tư nhân đầu tư, phát triển công nghiệp chế biến và cơ giới hóa, đưa nông nghiệp phát triển, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc ghi nhận: “Thông điệp chung các DN khẳng định đầu tư để làm giàu từ nông nghiệp, nông nghiệp có thể làm giàu. Đó là cơ hội, niềm tin mới để chúng ta tiếp tục đầu tư phát triển các thế mạnh nông nghiệp đa dạng, phong phú ở nhiều địa phương”. Thủ tướng cũng nhắc nhở coi trọng thị trường mới để xuất khẩu nhưng lưu ý các DN cần quan tâm thị trường trong nước tổ chức tốt khâu lưu thông, phân phối sản phẩm nông sản, thực phẩm chất lượng tốt nhất cho người dân Việt Nam.
“Chúng ta nhấn mạnh công nghiệp chế biến, nếu không có chế biến thì nông sản khó gia tăng giá trị, không giải quyết được vấn đề thời vụ. Tôi đồng ý quan điểm của ông Dương (Trần Bá Dương - PV) đẩy mạnh xuất khẩu tươi, nhất là rau quả, thủy sản. Bên cạnh đó, nếu công nghệ chế biến sâu được thì có thể chủ động được thị trường hơn. Sản phẩm chế biến có thể xuất khẩu vào các thị trường cao cấp. Xuất khẩu tươi là hướng đi quan trọng nhưng chế biến quan trọng hơn để tránh lặp lại tình trạng được mùa rớt giá”, Thủ tướng nói.
“Tinh thần lớn của hội nghị là thực hiện tầm nhìn của Việt Nam đến năm 2030 phải đứng vào top 10 quốc gia chế biến rau quả, nông lâm sản của thế giới; đến năm 2030 nông nghiệp phải được cơ giới hóa đồng bộ, hiện đại. Các ngành hàng chủ lực phải được nâng cao năng suất, hiệu quả xác định như thế để triển khai các giải pháp phù hợp, trọng yếu giúp các địa phương, đất nước có thể làm giàu từ nông nghiệp”, Thủ tướng nhấn mạnh.
Người đứng đầu Chính phủ cho rằng, xây dựng thương hiệu cho sản phẩm nông sản là quan trọng, từ đó có thể quy hoạch, tổ chức vùng sản xuất; sản xuất nhỏ lẻ, manh mún thì không thể có được vùng nguyên liệu quy mô lớn. Để giải quyết vấn đề này, Thủ tướng cho biết Chính phủ sắp trình Thường vụ Quốc hội một nghị quyết riêng về chính sách đất đai để tích tụ ruộng đất trong điều kiện chưa thể sửa đổi được luật Đất đai.
Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc cũng yêu cầu Ngân hàng Nhà nước nghiên cứu bổ sung cho các DN chính sách giảm lãi suất, giãn nợ nếu để tăng nguồn lực đầu tư mạnh vào công nghiệp chế biến, cơ giới hóa nông nghiệp. Ngay sau hội nghị này, Bộ NN-PTNT khẩn trương xây dựng trình Chính phủ phê duyệt chiến lược phát triển ngành công nghiệp chế biến, cơ giới hóa nông nghiệp đến năm 2030. Bộ Công thương triển khai đề án phát triển chiến lược cơ khí trọng điểm trong nông nghiệp vì đây là khâu yếu; phát triển logistics gắn với nông nghiệp.
Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc phát biểu kết luận hội nghị Ảnh: TTXVN

Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc phát biểu kết luận hội nghị

Ảnh: TTXVN

Bộ KH-CN xây dựng tiêu chí đánh giá năng lực chế biến nông sản; hỗ trợ DN, người dân, hợp tác xã trong chuyển giao, ứng dụng công nghệ chế biến nông sản.
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.