Cháy ở Viện Y dược học Dân tộc TP.HCM: Di tản khẩn cấp hơn 200 bệnh nhân

28/05/2005 16:30 GMT+7

Lúc 8h55 ngày 28/5, Viện Y dược Học dân tộc số 273 - 275 Nguyễn Văn Trỗi, Q.Phú Nhuận đã bị phát hỏa. Chỉ trong thời gian ngắn, khói bao trùm 3 tầng lầu buộc phải di tản khẩn cấp hơn 200 bệnh nhân (bại liệt, thấp khớp..., đa số bệnh nhân di chuyển không được) đang nằm điều trị tại đây để đảm bảo an toàn tính mạng.

Theo nhân viên của Viện, lửa phát ra từ kho chứa bao bì giấy thuộc Khoa dược tại lầu 1 của Viện (gồm 3 tầng lầu), sau đó nhanh chóng lan sang các nơi khác. Trong thời điểm xảy ra cháy, trong Khoa dược có một nhân viên đang trực phát hiện và báo cho bảo vệ dập lửa nhưng bất thành. Chỉ trong thời gian ngắn, đám cháy đã nhanh chóng lan sang khu vực điều chế thuốc, sấy thuốc. Khói lùa theo đường cầu thang bộ bao trùm các phòng bệnh nhân đang nằm điều trị tại 3 tầng lầu. Ngay lập tức, bệnh nhân được “lệnh” di tản khẩn cấp để tránh hỏa hoạn. Lúc đó, bệnh nhân cũng như người nuôi bệnh đều hốt hoảng, bỏ đồ đạc lại, chỉ kịp cứu bệnh nhân.

Tại hiện trường, thiếu tá Huỳnh Văn Tâm - Phó Đội PCCC Q. Bình Thạnh, người chỉ huy chữa cháy cho biết: “Sau 40 phút, 3 xe chữa cháy cùng 25 chiến sĩ đã dập tắt hoàn toàn đám cháy. Khi lực lượng PCCC chuyên nghiệp có mặt tại hiện trường đã phối hợp với lực lượng PCCC tại chỗ cứu hơn 100 bệnh nhân ra khỏi khu vực cháy. Trong lúc xảy ra cháy, nhiều cửa sổ ở khu vực cháy đều bị đóng kín nên khói nhiều. Rất may, lực lượng PCCC đã khống chế kịp thời ngọn lửa, nếu không sẽ lan sang  kho chứa hơn 200 lít cồn và dãy phòng thí nghiệm (hóa chất) gần đó, thì hậu quả khó lường. Trong lúc thi hành nhiệm vụ, chiến sĩ Lê Bá Đăng (23 tuổi) của Đội PCCC Q. Bình Thạnh đã bị thương. Nguyên nhân cũng như mức thiệt hại đang được điều tra làm rõ”.

Bà Ngô Thị Mua (60 tuổi, quê Bình Thuận) chưa hết bàng hoàng: “Đang ngồi cho chồng Nguyễn Văn Nghệ (59 tuổi, bệnh nhân bị nhức chân, di chuyển bằng nạn, nằm ở lầu 2 - PV) ăn sáng thì đột nhiên khói ập vào phòng, gây ngột thở. Tôi nghe tiếng cô y tá la lớn chập điện cháy, dìu bệnh nhân xuống đất. Lúc đó tôi chỉ có một mình hoảng quá, ôm chồng dìu xuống cầu thang”. Khó khăn hơn là trường hợp chị T. (quê Quảng Bình) chăm sóc ba và mẹ đều trên 80 tuổi, nằm bất động một chỗ điều trị ở phòng 308 (lầu 3) cho biết: “Khủng khiếp thật. Tội nghiệp ba mẹ tôi. Nhờ người đàn ông to con chạy vào cõng ba mẹ tôi xuống đất kịp thời nếu không thì hậu quả khó lường”.  Anh Nguyễn Anh Dũng (ngụ ở Q. Phú Nhuận) - người đã cứu hơn 10 bệnh nhân xuống đất an toàn kể lại: “Tôi hành nghề xe ôm trước cổng Viện. Khi nghe báo cháy, tôi bỏ xe chạy vào, leo lên lầu thấy khói mù mịt, điện cúp tối om; sau đó tôi chạy vội vào phòng ở lầu 1 cõng các cụ già xuống. Tôi cởi áo, tiếp tục lên lầu 1, 2, 3 cứu được hơn 10 người nữa”.

Lãnh đạo Viện đã bố trí một căn phòng trống ở dưới đất để cho bệnh nhân nằm tạm nhưng cũng quá tải khiến bệnh nhân phải nằm ở ngoài trời. Tại hiện trường, bác sĩ Lê Hùng - Phó Viện trưởng Viện Y dược học Dân tộc (Sở Y tế TP.HCM) cho biết: “Đã di chuyển tổng cộng hơn 200 bệnh nhân xuống đất an toàn. Rất may, bệnh nhân nặng đều có hai người chăm sóc nên bệnh nhân đã được đưa xuống kịp thời. Khu vực cháy nằm trong dự án cải tạo sửa chữa mới. Dự án đang chờ phê duyệt. Gần 30 năm nay, bệnh viện chỉ xảy ra một vài lần chập điện nhỏ nhưng được lực lượng PCCC tại chỗ dập tắt kịp thời, còn vụ cháy này thuộc loại lớn nhất từ trước đến nay”.

Di chuyển các bệnh nhân tới nơi an toàn

Các bệnh nhân được đưa tới căn phòng dưới đất để nằm tạm

Đàm Huy

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.