Chây ì không chịu thi hành án, coi chừng vào tù

11/06/2023 06:58 GMT+7

Nhiều vụ người phải thi hành án tỏ ra chây ì, thậm chí chống đối việc thi hành án, chỉ đến khi bị khởi tố hình sự mới chấp hành nên vướng vào lao lý.

Bị khởi tố mới chịu thi hành án

Cuối tháng 4 vừa qua, Công an TP.Bắc Ninh (Bắc Ninh) ra quyết định khởi tố vụ án, khởi tố bị can đối với ông Đ.T.K (36 tuổi) về tội không chấp hành án. Tháng 9.2022, ông K. và vợ ly hôn, tòa án quyết định giao cháu A. (10 tháng tuổi, con chung của hai vợ chồng) cho vợ ông K. nuôi dưỡng. Tuy nhiên, ông K. cương quyết không chịu thi hành án (THA).

Chây ì không chịu thi hành án, coi chừng vào tù - Ảnh 1.

Chi cục THADS TP.Bắc Ninh đọc quyết định bàn giao con giữa ông K. và vợ cũ

Phúc Bình

Trong suốt 7 tháng sau đó, cơ quan THA và chính quyền địa phương nhiều lần vận động, thuyết phục nhưng đều không mang lại kết quả. Chỉ đến khi bị khởi tố, đồng thời Phó chủ tịch UBND TP.Bắc Ninh hai lần trực tiếp đến nhà động viên, ông K. mới chịu giao con cho vợ cũ.

Tháng 5.2022, Công an H.Long Mỹ (Hậu Giang) cũng khởi tố vụ án, khởi tố bị can đối với ông N.V.C (70 tuổi) về tội không chấp hành án. Năm 2016, theo bản án của tòa, ông C. phải giao trả cho bà N.T.B hơn 7.000 m2 đất lúa. Dù cơ quan THA đã có thông báo, niêm yết công khai việc THA, chính quyền nhiều lần vận động, giải thích nhưng ông C. cố tình không thực hiện. Hơn một năm sau, cơ quan chức năng tổ chức cưỡng chế đối với ông C., khi đoàn công tác vừa rút về thì ông này lại nhổ cọc cắm mốc ranh đất, tiếp tục bao chiếm canh tác.

Hay như tháng 4.2021, TAND tỉnh Hà Giang tuyên phạt ông T.V.S (51 tuổi) cùng hai người thân mức án từ 4 - 6 tháng tù về tội không chấp hành THA. Nội dung vụ án cho thấy, năm 2016, anh em ông S. tranh chấp đất đai với hàng xóm, gửi đơn kiện đến tòa. Quá trình giải quyết, hai bên tự thỏa thuận với nhau rằng phía ông S. sẽ trả lại đất cho đối phương, nên tòa án ra quyết định công nhận việc này.

Tuy nhiên, mãi đến 4 năm sau, phía ông S. vẫn canh tác trên diện tích đất nêu trên, cơ quan THA đã lập biên bản, thậm chí cưỡng chế nhưng nhóm ông này không chấp hành, không ký vào các biên bản làm việc. Giữa năm 2020, cơ quan công an ra quyết định khởi tố vụ án, khởi tố bị can, ông S. và người thân mới chịu trả lại đất canh tác.

Điểm chung ở cả ba vụ án, đó là người phải THA luôn tỏ thái độ chây ì, không hợp tác khi được yêu cầu THA. Điển hình như vụ việc ông K. ở Bắc Ninh, đại diện cơ quan THA cùng các đơn vị liên quan đã có hàng chục lần đến nhà riêng thuyết phục nhưng đều bất thành. Cùng với việc ra quyết định xử phạt hành chính, phía THA hai lần tổ chức cưỡng chế, thế nhưng ông K. vẫn tìm lý do để không giao con cho vợ cũ.

Ông Phạm Đình Tuấn, chấp hành viên Chi cục Thi hành án dân sự (THADS) TP.Bắc Ninh, cho hay đây là vụ việc có tính chất rất phức tạp, cũng là trường hợp đầu tiên trên địa bàn phải kiến nghị khởi tố vì không chịu THA. Không giống với tài sản thông thường, việc giao con sau ly hôn liên quan trực tiếp quyền con người, nhất lại là trẻ em, nên không thể cứng nhắc THA bằng mọi giá. Cũng vì điều này, người phải THA tìm cách trì hoãn, khiến việc THA gặp nhiều khó khăn.

Biện pháp cứng rắn nếu cố tình chây ì

Pháp luật hiện hành đã có đầy đủ chế tài đối với hành vi không chịu THA. Nhẹ thì phạt tiền từ 3 - 5 triệu đồng về hành vi "không thực hiện công việc phải làm theo bản án, quyết định", theo quy định tại điều 64 Nghị định 82 năm 2020 của Chính phủ; nặng thì truy cứu trách nhiệm hình sự về tội "không chấp hành án" theo quy định tại điều 380 bộ luật Hình sự, với khung hình phạt cao nhất đến 5 năm tù. Vậy vì sao vẫn xảy ra nhiều trường hợp chây ì khiến THA kéo dài?

THADS ảnh hưởng trực tiếp đến quyền lợi về tài sản, con người. Thông thường, cơ quan chức năng sẽ tạo điều kiện để người phải THA và người được THA tự thỏa thuận với nhau, giúp giảm tải công việc và chi phí phát sinh. Tuy nhiên, nhiều trường hợp người phải THA tìm lý do kéo dài thời gian THA, thậm chí chống đối không muốn thực hiện nghĩa vụ.

Xem nhanh 20h: Bản tin toàn cảnh ngày 10.6

Xử lý nghiêm tình trạng "quên việc, bỏ hồ sơ"

Theo luật sư Hà Công Tâm (Đoàn luật sư TP.Hà Nội), ngoài yếu tố chây ì từ phía người phải THA, các yếu tố chủ quan đến từ phía cơ quan THA cũng là một phần nguyên nhân khiến nhiều vụ THADS bị kéo dài. Có thể kể đến như việc chậm trễ THA dù có đủ điều kiện THA, chấp hành viên chưa rốt ráo xử lý công việc trong phạm vi trách nhiệm được phân công, không có động thái cương quyết khi gặp phải những trở ngại THA…

Mới đây, trong công văn chỉ đạo, đôn đốc, chấn chỉnh thực hiện chỉ tiêu, nhiệm vụ 6 tháng cuối năm 2023, Tổng cục THADS yêu cầu Cục trưởng THADS cấp tỉnh tập trung kiểm tra 100% hồ sơ đang tổ chức thi hành của từng chấp hành viên, trường hợp hồ sơ chậm thực hiện thì phải khắc phục ngay; thống kê chính xác số lượng vụ việc, làm rõ nguyên nhân, có giải pháp nhằm kéo giảm, thu hẹp dần lượng việc chuyển kỳ sau, nghiêm cấm tình trạng "quên việc, bỏ hồ sơ".

Trên cơ sở báo cáo của các cục, Tổng cục THADS sẽ nghiên cứu, thẩm tra và tổ chức kiểm tra trực tiếp đơn vị kết quả đạt thấp, chưa đáp ứng yêu cầu, lượng việc chuyển kỳ sau còn nhiều và có biện pháp xử lý nghiêm khắc đối với những trường hợp bỏ hồ sơ, không tác nghiệp hoặc chậm THA do nguyên nhân chủ quan của chấp hành viên; xem xét trách nhiệm đối với cục trưởng nếu buông lỏng quản lý dẫn đến sai phạm, tồn tại, yếu kém.

Luật sư Trần Thị Tĩnh, Đoàn luật sư TP.Hà Nội, đặt vấn đề vi phạm trong lĩnh vực THA xảy ra nhiều nhưng tỷ lệ bị xử lý, nhất là xử lý hình sự còn khá hiếm, khiến tính răn đe, giáo dục chưa cao. Nguyên nhân thì có nhiều, bao gồm việc cán bộ THA chưa thực sự sát sao, quy trình xử lý còn một số bất cập, sự phối hợp giữa các cơ quan có trách nhiệm chưa nhịp nhàng.

Để khắc phục, luật sư Tĩnh cho rằng yếu tố quan trọng nhất đến từ sự trách nhiệm và thái độ quyết liệt của cơ quan THA. Pháp luật đã quy định rõ về thời hạn ra quyết định THA, khoảng thời gian để người phải THA tự nguyện thi hành; trường hợp không chấp hành sẽ bị cưỡng chế, xử phạt hành chính, thậm chí truy cứu hình sự. Cơ quan THA cần thực hiện nghiêm, đúng, đủ các bước về quy trình, thời gian vừa nêu. Nếu người bị THA vẫn không hợp tác, cơ quan THA cần có biện pháp cứng rắn là đề nghị truy cứu trách nhiệm hình sự.

Tiếp đó là sự phối hợp giữa các đơn vị liên quan. Cơ quan có thẩm quyền, mà cụ thể là công an, khi nhận được đề nghị cần nhanh chóng vào cuộc xác minh, ra quyết định khởi tố nếu có đủ căn cứ. Việc xử lý dứt khoát như vậy sẽ tạo sự răn đe với người phải THA, đồng thời bảo đảm quyền lợi của người được THA, điển hình như vụ việc ở Bắc Ninh và Yên Bái.

Ngoài ra, luật sư Tĩnh nêu quan điểm cần cân nhắc tăng mức xử phạt đối với hành vi không chịu THA, bởi mức phạt tiền cao nhất 5 triệu đồng khi "không thực hiện công việc phải làm theo bản án" còn khá thấp; cùng đó là cân đối thẩm quyền xử phạt hợp lý hơn.

Nghị định 82 năm 2020 quy định chấp hành viên THADS được phạt tiền tối đa 500.000 đồng, Chi cục trưởng Chi cục THADS tối đa 2,5 triệu đồng và Cục trưởng Cục THADS tối đa 20 triệu đồng. Việc phân cấp như hiện nay có phần "bó hẹp" thẩm quyền của chấp hành viên và chi cục trưởng.

Ví dụ như vụ việc ông K. không chịu giao con ở Bắc Ninh, để xử phạt hành chính ông này, chấp hành viên Chi cục THADS TP.Bắc Ninh phải lập biên bản vi phạm rồi Chi cục có văn bản đề nghị, sau đó Cục THADS tỉnh Bắc Ninh mới ra quyết định xử phạt. Quy trình như vậy sẽ khó bảo đảm tính kịp thời, cũng như tốn nhiều thời gian, công đoạn trong việc xử lý hành vi vi phạm.

"Về phía người phải THA cần nâng cao hiểu biết và chấp hành quy định pháp luật, nếu thấy bản án chưa hợp lý có thể kiến nghị cấp cao hơn giải quyết", luật sư Tĩnh khuyến cáo. 

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.