Chạy bạt mạng trong làn khẩn cấp trên cao tốc: Xe khách vi phạm, vì sao khó xử lý !?

27/09/2018 07:23 GMT+7

Tình trạng ô tô, đặc biệt là xe khách chạy bạt mạng trong làn khẩn cấp trên cao tốc vẫn diễn ra tràn lan, dù Thanh Niên đã có bài phản ánh và đơn vị quản lý cao tốc bức xúc về nguy cơ gây tai nạn.

Theo bà Nguyễn Thị Hoài Phương, Phó giám đốc Công ty CP dịch vụ kỹ thuật đường cao tốc VN (VEC E), đơn vị quản lý, vận hành và khai thác đường cao tốc TP.HCM - Long Thành - Dầu Giây, sau khi Thanh Niên ngày 23.9 có bài Chạy bạt mạng trong làn khẩn cấp trên cao tốc, hằng ngày, camera của VEC E vẫn ghi nhận hàng loạt phương tiện trong đó rất nhiều xe khách cố tình lưu thông, dừng đỗ trên làn khẩn cấp. “Thực trạng này cực kỳ nguy hiểm, tiềm ẩn nguy cơ mất an toàn giao thông rất cao. Thực tế, sau 5 năm đưa vào hoạt động đã xảy ra nhiều vụ tai nạn giao thông do dừng trong làn khẩn cấp. Nếu để xảy ra tai nạn với xe khách thì hậu quả khôn lường”, bà Phương bức xúc.
Cam kết nhưng không thực hiện (?!)
Theo VEC E, hiện có hai “kênh” ghi nhận phương tiện vi phạm lưu thông vào làn khẩn cấp trên đường cao tốc TP.HCM - Long Thành - Dầu Giây. “Kênh” thứ nhất là VEC E lắp đặt camera tại khu vực trạm thu phí, các nút giao và các camera tại các vị trí trên chính tuyến với mục đích để quản lý đường cao tốc. “Kênh” thứ hai là hằng ngày, VEC E có bố trí ô tô tuần tra kiểm soát trên tuyến cao tốc, ghi nhận và ghi hình xe vi phạm, phát tờ rơi nhắc nhở các lái xe và kịp thời xử lý các sự cố xảy ra. Trên các ô tô tuần tra kiểm soát đều có gắn camera nên tất cả phương tiện đi vào làn khẩn cấp đều ghi rõ biển số xe.  
Theo một lãnh đạo của VEC E, hiện bình quân mỗi ngày đơn vị ghi nhận hơn 20 lượt phương tiện dừng đỗ và đi vào làn đường khẩn cấp trên cao tốc. Các phương tiện vi phạm được camera ghi hình lại, sau đó VEC E chuyển cho Cục CSGT (C08) Bộ Công an tại TP.HCM, xử lý. Hình ảnh cho thấy nhiều xe khách của một số thương hiệu chạy tuyến TP.HCM đi Bà Rịa-Vũng Tàu, Đà Lạt và cả một số tỉnh miền Trung, miền Bắc lưu thông, dừng đỗ vào làn khẩn cấp trên cao tốc. Tuy nhiên, việc CSGT xử lý ra sao thì VEC E không hề được biết, trong khi xe vi phạm vẫn rất nhiều.
Vị lãnh đạo này cũng cho biết ngày 12.10.2017, Đội 6, Phòng 10 (C08) tại TP.HCM có buổi làm việc với VEC E về việc hai bên phối hợp xử lý phương tiện vi phạm trên cao tốc. Cuộc họp thống nhất VEC E sẽ tổng hợp và cung cấp thông tin xe vi phạm trên cao tốc vào thứ hai hằng tuần để CSGT điều tra xử lý nghiêm. Sau đó, vào ngày đầu hằng tháng, C08 sẽ thông báo kết quả xử lý phương tiện vi phạm do VEC E cung cấp. Thực hiện tinh thần cuộc họp, từ tháng 10.2017 đến nay, VEC E đã gửi hàng trăm trường hợp phương tiện vi phạm lưu thông trên cao tốc qua C08, nhưng chưa hề nhận được thông báo nào của đơn vị này về việc xử lý phương tiện vi phạm. “Việc CSGT có xử lý hay không VEC E không nắm được, vì chúng tôi không nhận được thông báo số phương tiện bị CSGT xử lý như cam kết tại cuộc họp hai bên”, lãnh đạo VEC E nói và cho biết thêm tại một số cuộc họp sau đó, VEC E tiếp tục đề nghị gửi kết quả xử lý các phương tiện vi phạm thì C08 cho biết gặp một số khó khăn như nhiều hình ảnh do VEC E cung cấp chưa đủ cơ sở pháp lý; gửi giấy mời chủ phương tiện lên làm việc nhưng đổi địa chỉ nên bị trả lại; gửi giấy mời nhưng chủ phương tiện không lên làm việc hoặc có đến thì nói tài xế vi phạm nghỉ việc… “Thực tế, chỉ một trường hợp trước đây người đi đường quay camera ô tô vi phạm, đưa lên mạng xã hội, báo chí đăng thì CSGT có thông báo kết quả xử lý đối với phương tiện này”, vị lãnh đạo VEC E cho biết.
Bạn đọc đề nghị làm rõ trách nhiệm của CSGT
Trong một diễn biến khác, sau khi Thanh Niên phản ánh tình trạng xe chạy bạt mạng trong làn khẩn cấp trên cao tốc với hình ảnh rõ ràng về biển số xe, thời gian vi phạm… rất nhiều bạn đọc bày tỏ bức xúc về hành vi xem thường tính mạng hành khách, xem thường pháp luật của nhà xe, tài xế và yêu cầu CSGT phải xử lý nghiêm. Bên cạnh đó, nhiều bạn đọc cũng đặt vấn đề về trách nhiệm của CSGT khi để nhà xe vi phạm kéo dài. “Nhiều xe khách có thương hiệu chuyên chạy tuyến Vũng Tàu - TP.HCM vi phạm thường xuyên. Nói thật, với mức phạt từ 800 - 1,2 triệu đồng, bị tước quyền sử dụng giấy phép lái xe từ 1 - 3 tháng, nếu bị phạt 1 lần là tài xế như tụi tôi tởn liền, hết dám vi phạm. Nhưng ở đây xe cứ chạy hà rầm chẳng có biểu hiện gì lo lắng thì CSGT “có vấn đề”, cần xem xét trách nhiệm”, anh Nguyễn Thanh Tùng, một tài xế ở TP.HCM, nêu vấn đề.
Xe khách vượt, dừng trong làn khẩn cấp trên đường cao tốc Ảnh: VEC E cung cấp

Liên quan đến vấn đề này, chiều 24.9, PV Thanh Niên đã tới trụ sở C08 (phía nam) để tìm hiểu nhưng không có câu trả lời cụ thể, vì “Các đơn vị đang rà soát tình trạng trên để có phương án xử lý” (một lãnh đạo Cục CSGT nói). Nhiều lần sau đó, PV liên lạc với Cục CSGT đường bộ nhưng vẫn không nhận được câu trả lời cụ thể. Đến chiều 26.9, trao đổi với PV qua điện thoại, đại tá Trần Thanh Trà, Phó cục trưởng C08, cho biết phát ngôn báo chí thuộc thẩm quyền của cục trưởng và đề nghị báo có công văn gửi Cục CSGT để có câu trả lời.
Về vấn đề bạn đọc đặt nghi vấn “xe khách mua đường trên cao tốc nên mới chạy tràn lan vào làn khẩn cấp”, đại tá Trà nói: “CSGT không thể dừng xe vi phạm trên đường cao tốc vì xe chạy tốc độ rất nhanh sẽ rất nguy hiểm, nên việc xử phạt qua hình ảnh là chủ yếu. Việc người dân đặt vấn đề xe khách mua đường là không có cơ sở”.
Chạy ẩu do áp lực từ nhà xe
Trao đổi với PV Thanh Niên, một lái xe khách tuyến cố định từ TP.Vũng Tàu đi Bến xe Miền Tây cho biết phần lớn các tài xế đều chạy vào đường ưu tiên trên cao tốc. “Do áp lực thời gian chạy mà nhà xe quy định và hành khách trên xe hối thúc nên nhiều tài xế phải lấn vào làn đường ưu tiên chạy”, lái xe này nói.
Trong khi đó, trả lời PV Thanh Niên, ông Lê Văn Đào, Giám đốc điều hành Công ty TNHH vận tải và dịch vụ du lịch Hoa Mai (Hãng xe Hoa Mai, TP.Vũng Tàu), cho biết công ty luôn yêu cầu tài xế không được chạy vào đường ưu tiên. “Thế nhưng trên thực tế cũng có nhiều tài xế chạy vào đường ưu tiên mà chúng tôi không thể nào biết được. Trong thời gian qua có nhiều tài xế bị công ty nhắc nhở; nhiều trường hợp vi phạm đã bị xử lý cho thôi việc vì có hành vi chạy vào đường ưu tiên. Những trường hợp bị phát hiện chạy vào đường ưu tiên là do cơ quan chức năng gửi biên bản về công ty mới biết”, ông Đào cho hay.
Về phía cơ quan quản lý, ông Dương Viết Tri, Trưởng phòng Phương tiện và người lái Sở GT-VT tỉnh Bà Rịa-Vũng Tàu, cho biết từ trước đến nay chưa nhận được thông báo nào của cơ quan chức năng về việc các lái xe chở khách trên địa bàn tỉnh vi phạm cho xe chạy vào đường ưu tiên trên cao tốc.
Nguyễn Long
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.