Châu chấu phá hoại hàng chục héc ta ngô ở Cao Bằng

19/06/2017 08:26 GMT+7

Châu chấu cắn phá hàng chục ha ngô, cắn rách lá nhiều diện tích cây trồng khác, gây thiệt hại không nhỏ cho nông dân H.Nguyên Bình, tỉnh Cao Bằng.

Tại xã Thịnh Vượng (H.Nguyên Bình), điểm nóng của dịch châu chấu phá hoại mùa màng, nhiều diện tích trồng ngô đã bị loài này ăn trụi lá, chỉ còn trơ lại ngọn. Bà Lý Thị Em (ngụ tại xóm Xẻ Pán, xã Thịnh Vượng) cho biết, châu chấu xuất hiện lác đác từ đầu tháng 6, người dân đã phun thuốc nhưng không có kết quả, đành bất lực nhìn nhiều ruộng ngô bị cắn phá.
“Chúng tôi đang thu hoạch sớm để vớt vát được chút nào hay chút ấy, còn hơn là để mất trắng”, bà Em nói. Theo bà Em, châu chấu còn cắn rách lá tre, chuối và nhiều loại cây ăn quả khác.
Theo ông Nông Quốc Khánh, Chủ tịch UBND xã Thịnh Vượng, từ đầu tháng 6 đến nay, toàn xã có 32,5 ha ngô bị châu chấu phá hoại, trong đó hơn 2 ha ngô đã ra bắp bị châu chấu ăn sạch, thiệt hại hoàn toàn. Đáng lo nhất là 7 ha mạ chuẩn bị cấy cũng đứng trước nguy cơ bị châu chấu phá hoại.
Ông Khánh cho hay, chính quyền địa phương đã tạm ứng trên 100 triệu đồng để mua thuốc, hóa chất phát cho người dân phun, vừa phòng ngừa, vừa tiêu diệt châu chấu nhưng không đem lại kết quả như mong muốn. Châu chấu ở trong rừng núi có mật độ quá lớn, trong khi thuốc và hóa chất chỉ phun cho các diện tích sản xuất nông nghiệp, đàn châu chấu này chết đàn khác lại kéo về.
“Chúng tôi vừa chống dịch, vừa tổ chức thống kê thiệt hại để đề nghị cấp trên hỗ trợ cho bà con”, ông Khánh nói.
Ông Đào Quang Hải, Chi cục trưởng Chi cục Trồng trọt và Bảo vệ thực vật tỉnh Cao Bằng cho biết, dịch châu chấu tại các xã Thịnh Vượng và Minh Thanh (H.Nguyên Bình) ở mức độ nặng, với mật độ dày đặc, có nơi lên tới 500 con/m2. Các địa phương đã lập ban chỉ đạo, huy động tổng lực, trong đó có thanh niên tình nguyện và bộ đội, ra quân phun thuốc, xịt hóa chất để dập dịch.
Theo ông Hải, trong tháng 3 và tháng 4 vừa qua, dịch châu chấu từng xảy ra tại H.Nguyên Bình với diện tích bị xâm nhiễm lên tới 500 ha. Từ đầu tháng 6, châu chấu bắt đầu trở lại với mật độ dày đặc và khó xử lý hơn.
“Ở các xã đang có dịch, chúng tôi đang theo dõi sát sao, hướng dẫn người dân và chính quyền địa phương dập dịch. Chúng tôi cũng tham mưu cho các Sở NN - PTNT hướng dẫn các huyện khác chủ động phòng ngừa”, ông Hải nói.
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.