Châu chấu lạ di cư từ Trung Quốc cắn phá tre nứa, hoa màu ở Điện Biên

24/07/2020 10:00 GMT+7

Các xã vùng biên giới Điện Biên phát hiện đàn châu chấu lạ di cư từ Trung Quốc sang cắn phá gây thiệt hại nhiều diện tích tre lứa, hoa màu.

Ngày 24.7, thông tin từ Văn phòng Ủy ban quốc gia ứng phó sự cố, thiên tai và tìm kiếm cứu nạn cho biết đã gửi văn bản đến Bộ Tư lệnh Quân khu 2, Cục Bảo vệ thực vật (Bộ NN-PTNT), Ban chỉ huy phòng chống thiên tai và tìm kiếm cứu nạn tỉnh Điện Biên để triển khai công tác ứng phó với châu chấu di cư từ Trung Quốc.
Trước đó, Bộ tham mưu Quân khu 2 đã có báo cáo gửi Văn phòng Ủy ban quốc gia ứng phó sự cố, thiên tai và tìm kiếm cứu nạn, cho biết từ ngày 20.7, trên địa bàn 4 bản: Bú Nhù Khó, Tá Miếu, Tả Gó Ky và A Pa Chải (xã Xín Thầu, H.Mường Nhé, Điện Biên) phát hiện châu chấu bay từ biên giới Trung Quốc sang phá hoại rừng tre nứa, hoa màu tại địa phương.

Trước khi tràn vào Việt Nam, 'quân đoàn hủy diệt' châu chấu sa mạc đã tàn phá những đâu?

Qua quan sát, châu chấu này ăn theo đàn, mật độ khoảng 100 - 200 con/m2 , di cư không ổn định và gây thiệt hại nặng nề chỉ sau 3 ngày xuất hiện. Thống kê đến 15 giờ ngày 23.7, đàn châu chấu đã cắn phá khoảng 40 ha rừng tre, nứa và 20 ha hoa màu, trong đó có 5 ha hoa màu thiệt hại với 70% diện tích.
Trước đó, trong tháng 4, Bộ NN-PTNT đã có văn bản báo cáo Thủ tướng Chính phủ về nguy cơ châu châu sa mạc xâm nhập vào Việt Nam. Ở thời điểm đó, châu chấu sa mạc đã có xu hướng tiến đến biên giới Myanmar và Trung Quốc. Theo nhận định của Bộ NN-PTNT, dù dự báo nguy cơ châu chấu sa mạc xâm nhập vào Việt Nam ở mức thấp. 
Tuy nhiên, trong điều kiện biến đổi khí hậu, khi hướng gió, nhiệt độ thay đổi, rất có thể châu chấu sa mạc vẫn di trú vào Việt Nam nên phải có các kịch bản chủ động ứng phó.
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.