Chặt nguồn thịt bẩn vào Sài Gòn

19/07/2015 05:18 GMT+7

Thịt heo chết, heo bệnh, thậm chí bốc mùi hôi thối, sau khi được vận chuyển bằng xe khách, taxi vào TP.HCM sẽ được tiêu thụ tại các quán ăn, bếp ăn tập thể cho công nhân hoặc trường học…

Thịt heo chết, heo bệnh, thậm chí bốc mùi hôi thối, sau khi được vận chuyển bằng xe khách, taxi vào TP.HCM sẽ được tiêu thụ tại các quán ăn, bếp ăn tập thể cho công nhân hoặc trường học…

 
Chiếc xe khách chở thịt heo chết vào TP.HCM bị chặn lại - Ảnh: Công Nguyên
Nắm được thông tin xe khách 16 chỗ BKS 60B-004.20 thường xuyên vận chuyển thịt heo chết từ xã Gia Kiệm (H.Thống Nhất), Hố Nai 3 (H.Trảng Bom, Đồng Nai) về TP.HCM để bán, lực lượng chức năng lên kế hoạch chặn bắt. Sau nhiều ngày theo dõi, rạng sáng 18.7, đoàn liên ngành gồm Chi cục Thú y TP.HCM, Đội CSGT Cát Lái, Quản lý thị trường TP.HCM phối hợp bắt chuyến hàng.
Mật phục lúc rạng sáng
Nhiều bịch ni lông chứa thịt heo thối được giấu phía sau xe - Ảnh: Công Nguyên
1 giờ 40 ngày 18.7, trên QL1 đoạn qua cầu vượt ngã ba Tân Vạn, chiếc xe đông lạnh BKS 60C-003... (được xác định là xe cảnh giới) phóng như bay hướng từ Đồng Nai về TP.HCM. Khoảng 10 phút sau, xe khách 60B-004.20 cũng chạy với tốc độ cao, hướng về cầu Sài Gòn. Lúc 2 giờ 10, khi xe khách vừa qua cầu vượt Cát Lái (Q.2) thì bị đoàn liên ngành chặn lại. Tại thời điểm kiểm tra, trên xe có rất nhiều bịch ni lông chứa thịt và phụ phẩm heo để dưới ghế ngồi, phía sau xe. Qua kiểm tra, có tổng số 609 kg thịt và phụ phẩm heo, 18 kg chả lụa. Tất cả số thịt trên đều không rõ nguồn gốc, không giấy chứng nhận kiểm dịch, rỉ dịch và bốc mùi hôi thối.
Tài xế Phạm Ngọc Hùng (43 tuổi, ngụ H.Trảng Bom, Đồng Nai) khai chở thuê số thịt này từ H.Trảng Bom về TP.HCM mà không biết chủ là ai! Còn 6 người phụ nữ đi cùng xe đều khai là hành khách và xuống xe bỏ đi ngay sau đó. Chiếc xe khách được đưa về Đội CSGT Cát Lái lập hồ sơ xử lý.
Theo một cán bộ thuộc Chi cục Thú y TP.HCM, xe khách này chuyên vận chuyển thịt heo chết từ xã Hố Nai 3 về bỏ mối cho những người buôn bán thịt heo tại chợ Bà Chiểu (TP.HCM). Qua tìm hiểu của PV, tại chợ này có 3 chủ sạp thịt là bà Th., ông H. và một cặp vợ chồng chuyên nhập loại thịt bẩn này về bỏ mối, bán lẻ. Trung bình mỗi ngày 3 chủ sạp bán khoảng 1 - 2 tấn thịt heo. Đáng nói, chiếc xe khách chở thịt heo chết nói trên từng bị lực lượng chức năng TP.HCM bắt 3 lần về hành vi tương tự. Sau mỗi lần bị bắt, chiếc xe thay tài xế, đường đi lại, hoặc cho người đi trước cảnh giới.
Con đường lây lan dịch bệnh
Thịt heo đã biến sắc, bốc mùi hôi, rỉ dịch
Theo một cán bộ thú y, 6 người có mặt trên xe khách 60B-004.20 khai là hành khách thực chất là các chủ buôn bán thịt heo đi cùng. Họ cùng ngụ tại xã Hố Nai 3, hằng ngày đi thu mua, giết mổ heo chết tại địa phương. Sau đó, chất thịt heo lên xe khách 60B - 004.20 đi thẳng lên chợ Bà Chiểu để bỏ mối, bán sỉ đến 6 giờ sáng thì lên xe về lại Đồng Nai. Những người này từng bị Chi cục Thú y TP.HCM bắt nhiều lần do vận chuyển thịt thối vào TP bằng xe buýt, taxi, xe tải. Nay để đối phó, qua mặt cơ quan chức năng, họ thuê xe khách để ngụy trang. “Nếu bị bắt, họ sẵn sàng bỏ thịt heo, để tài xế tự giải quyết, còn họ khai là khách đi xe và tìm cách đánh bài chuồn”, vị cán bộ này nói.
Còn theo tìm hiểu của PV Thanh Niên, những chiếc xe khách chở thịt thối khi vào TP.HCM thường không đón khách, chỉ chở thịt và bao giờ cũng có một xe đông lạnh (chở thịt heo qua kiểm dịch - PV) đi trước làm nhiệm vụ cảnh giới. Nếu phát hiện lực lượng chức năng chốt chặn phía trước, tài xế xe đông lạnh sẽ báo cho tài xế xe khách chở thịt thối dừng lại hoặc lách đi đường khác. “Chúng tôi nhiều lần mất dấu chiếc xe này, vì chúng rải người cảnh giới khắp nơi. Thấy động tĩnh trên đường, chiếc xe khách lại mất tích bí ẩn”, một cán bộ thú y cho biết thêm.
Ông Khương Trần Phúc Nguyên, Trưởng phòng Thanh tra - Chi cục Thú y TP.HCM, cho biết thịt heo chết, thối chuyển từ Đồng Nai về TP.HCM đa phần để bán lẻ, bỏ mối cho các quán ăn, nhà hàng hoặc bếp nấu ăn cho học sinh, công nhân. “Giá thịt heo chết rẻ hơn nhiều lần so với thịt heo qua kiểm dịch. Các tiểu thương trà trộn thịt heo chết vào vẫn bán với giá thịt heo bình thường để tăng lợi nhuận và lừa khách hàng. Điều này tiểm ẩn nguy cơ ngộ độc thực phẩm, nhiễm các bệnh từ thịt heo chết đối với người ăn phải”, ông Nguyên khuyến cáo.
Thịt heo tiêm thuốc gây mê, ngâm hóa chất
Ngày 6.7, đoàn kiểm tra liên ngành phát hiện cơ sở giết mổ heo lậu tại ngôi nhà không số thuộc tổ 47, KP.7, P.Hiệp Thành, Q.12 tiêm thuốc Combistress (thuốc an thần) vào heo trước khi giết mổ. Mục đích tiêm thuốc này là để thịt heo có màu sắc bắt mắt, đỏ tươi... Ông Khương Trần Phúc Nguyên cho biết thuốc Combistress bị cấm tiêm vào heo trước khi giết mổ vì nó sẽ để lại những hậu quả nặng nề về sức khỏe cho người ăn phải thịt heo này. “Thực tế, nhiều tiểu thương còn ngâm hóa chất thịt heo bốc mùi thối để biến thành thịt tươi, mất mùi rồi tiếp tục bán ra thị trường. Ngoài ra, có cơ sở còn dùng hóa chất ngâm, tẩm thịt heo để biến thành các loại đặc sản như đà điểu, nai... rất nguy hại với sức khỏe người dùng”, ông Nguyên nói.
Tiếp tục truy bắt thịt bẩn
Việc chặn bắt xe chở khách nói trên nằm trong kế hoạch phòng, chống dịch bệnh gia súc, gia cầm trên địa bàn TP.HCM của đoàn liên ngành số 2, gồm Quản lý thị trường TP.HCM, Chi cục Thú y TP.HCM, Đội CSGT Cát Lái, Rạch Chiếc, Bình Triệu và Thanh niên xung phong.  Đoàn sẽ thường xuyên tuần tra, xử lý những vụ vận chuyển, buôn bán động vật, thịt, phụ phẩm động vật... không rõ nguồn gốc trên địa bàn TP cũng như từ các tỉnh vào TP.HCM.
Theo Chi cục Thú y TP.HCM, trong 6 tháng đầu năm 2015 chi cục đã xử lý hơn 1.000 trường hợp vi phạm trong lĩnh vực thú y. Trong đó đã xử lý hơn 24 tấn thịt heo, chủ yếu tập trung lỗi: không giấy chứng nhận kiểm dịch, không rõ nguồn gốc. Điển hình, rạng sáng 19.5, Trạm thú y Q.Thủ Đức (TP.HCM) phối hợp UBND P.Tam Bình tiến hành kiểm tra xe tải BKS 60C-028.93 đang bỏ hàng tại chợ đầu mối nông sản Thủ Đức, phát hiện trên xe chở 16 bao đựng thịt gà (1 tấn) đã qua giết mổ. Vào thời điểm kiểm tra, tài xế Nguyễn Quang Dinh (27 tuổi, ngụ H.Long Thành, Đồng Nai) không xuất trình được giấy chứng nhận kiểm dịch. Tất cả số gà này đều biến sắc, rỉ dịch, bốc mùi hôi thối. Theo cán bộ thú y, số gà này được đưa từ Đồng Nai về TP.HCM, sau đó phân phối cho các quán ăn, bếp ăn công nghiệp.
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.