Chất lượng đấu giá

17/12/2021 04:27 GMT+7

Vụ đấu giá đất Thủ Thiêm (TP.HCM) vừa qua với những “cú chốt” không tưởng của một số nhà đầu tư khiến người ta nhớ đến “bí quyết giá rẻ” đã giúp các nhà thầu Trung Quốc trúng thầu và “ồ ạt” góp mặt ở khắp các công trình trọng điểm kinh tế của VN trước đây.

Theo thống kê, năm 2009, có tới 30 doanh nghiệp Trung Quốc tham gia làm tổng thầu EPC (thiết kế - cung cấp thiết bị - xây lắp), hoặc là đối tác đầu tư cho 41 dự án kinh tế trọng điểm quốc gia. Nguyên nhân các nhà thầu Trung Quốc thắng thầu ở hầu hết các dự án chính là do giá của họ hầu như bao giờ cũng rẻ hơn các doanh nghiệp (DN) nội và DN nhiều nước khác.

Thế nhưng, tình trạng nhà thầu Trung Quốc làm chậm tiến độ, đội vốn gấp nhiều lần là phổ biến, trong khi chất lượng thiết bị, công nghệ vẫn rất cách biệt so với các nước phát triển. Chưa kể, khi các đối tác Trung Quốc thực hiện EPC thì 100% công việc tại dự án là “nhập khẩu”. Nghĩa là chúng ta đã tạo công ăn việc làm và GDP cho Trung Quốc và làm gia tăng nhập siêu.

Tương tự với vụ đấu giá đất Thủ Thiêm, cao nhất lên tới 2,45 tỉ đồng/m2 nhưng đắt chưa phải là tất cả. Đắt đến mức không tưởng, thì lại gây ra những hệ lụy khôn lường. Nhãn tiền là chỉ trong vài ngày qua, giá đất ở Thủ Thiêm nói riêng và ở nhiều nơi nói chung đã chính thức “bắt sóng”. Một số chủ đầu tư đã dừng bán để tính toán tăng giá cho “hợp xu hướng”. Ở nhiều tỉnh thành trên cả nước, cơn sốt đất đã được châm ngòi.

[FLYCAM] Cận cảnh lô đất gần 2.5 tỉ một m2 ở khu đô thị mới Thủ Thiêm

Chúng ta đều biết, sốt ảo quá nhiều thì thành sốt thật, một mặt bằng giá bất động sản mới sẽ được thiết lập, cao hơn trước. Nghi án “bỏ con tép, bắt con tôm”, chấp nhận “chốt” một vài lô đất Thủ Thiêm với giá khủng để đẩy giá mặt bằng chung lên cao rồi “ra hàng” của nhóm nhà đầu tư không biết thực hư thế nào, nhưng hệ lụy nhãn tiền đã có. Ước mơ về một chỗ an cư lại càng xa tầm tay của người dân.

Hệ lụy tiếp theo là đẩy chính quyền TP.HCM vào thế “tiến thoái lưỡng nan” cho các phiên đấu giá đất sắp tới: thấp không được mà cao cũng không xong. Định giá thấp hơn nhiều so với mức đấu giá thành công lần 1 thì có thể sẽ bị quy thiếu trách nhiệm, gây thất thoát ngân sách nhà nước.

Mà để giá cao vút thì liệu có ai tham gia? Nguy cơ đổ bể các vụ đấu giá sau đó là có thật và nếu điều đó xảy ra, sẽ ảnh hưởng đến cả chương trình phục hồi, tăng trưởng kinh tế của TP. Nên nhớ, TP.HCM vừa quyết định không tăng hệ số điều chỉnh giá đất, vì nếu điều chỉnh hệ số điều chỉnh giá đất quá cao (theo giá thị trường) sẽ tạo đột biến, gây khó khăn cho người sử dụng đất và an sinh xã hội vốn đã bị ảnh hưởng do dịch bệnh.

Giờ cứ để các nhà đầu tư đẩy giá “thủng nóc” ở các phiên đấu giá, há chẳng phải trống đánh xuôi, kèn thổi ngược? Chưa kể, các nhà đầu tư trúng giá đất Thủ Thiêm cao ngất ngưởng vừa rồi thì năng lực tài chính hết sức khiêm tốn, vậy động cơ của họ là gì? Những nghi án, đồn đoán cũng gây bất ổn cho thị trường bất động sản vốn đã quá nhiều vướng mắc hiện nay.

Thế mới nói, không phải cứ trúng thầu giá rẻ, đấu giá đắt đỏ là vội mừng. Mục tiêu quan trọng nhất của việc đấu thầu, đấu giá là sự minh bạch và chất lượng của các dự án hay quỹ đất đó được sử dụng hiệu quả nhất, tốt nhất, đóng góp vào sự phát triển chung của đất nước.

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.