Cháo cá lóc cây sung có gì mà về miền Tây phải ăn bằng được?

11/04/2022 08:31 GMT+7

Tên là cháo cá lóc cây sung nhưng điều 'làm nên cơm cháo' của món ngon này là phải có rau đắng đất, chấm mắm me. Ai về miền Tây cũng phải ghé ngang ăn nồi cháo cá lóc rau đắng rồi muốn đi đâu thì đi.

Nồi cháo cá lóc cây sung Long An với đầy đủ gia vị ăn kèm, nhìn chảy nước miếng

bảo vy

Anh Trầm Minh Thường, 32 tuổi, quê gốc ở H.Trà Cú, Trà Vinh nhưng theo gia đình lên TP.HCM sinh sống từ nhỏ. Một năm ít nhất đôi lần, cả nhà lại về miền Tây và đều như vắt chanh, lần nào cũng phải ghé quán cháo cá lóc cây sung ở Long An. Câu cửa miệng của mẹ anh Thường khi chiếc xe hơi vừa xi nhan, tấp vào lề là: “Cái quán này dễ tuổi bằng tuổi thằng Thường. Ngày xưa đi lại khó khăn, chạy Honda về quê, đường hẹp lắm nhưng sáng hôm nào cả nhà cũng phải ghé quán này ăn rồi mới đi tiếp”.

Hơn 30 năm quán vẫn nằm đó, bên quốc lộ 1, TP Tân An, Long An, hai bên là 2 cây sung chi chít trái từ gốc tới ngọn. Ai cũng hỏi nhau, không biết món cháo cá lóc ăn cùng rau đắng đất nơi này có sức hút mãnh liệt gì để níu chân bao thế hệ, từ già tới trẻ?

Quán mộc mạc với đặc điểm nhận biết là cây sung chi chít trái trước cửa

bảo vy

Một ngày bán hơn 100 kg cá lóc

Chị phục vụ nhanh nhảu ra hỏi đoàn có bao nhiêu người rồi nói với vào trong, để các chị em khác chuẩn bị 2 bàn cho khách. Chiếc bàn gỗ tròn bao năm không đổi thay. Đặc biệt, nhìn từ xa đã biết không đi lộn quán, đó là những chiếc khăn trải bàn vải bông rực rỡ, nào đỏ, nào hồng, đúng chất quê hương miền Tây. Khách vừa đi rửa mặt cho mát quay lại thì trên bàn đã bày biện sẵn sàng.

Một chiếc bếp cồn, trên đó đặt sẵn nồi cháo cá bốc khói thơm nghi ngút với nấm rơm, thịt viên, gừng xắt sợi, hành lá, tiêu… Bên cạnh đó là mấy đĩa lớn với phần đầu cá và thịt cá lóc phi lê đã nấu chín thơm lừng, rưới mỡ hành, gừng, đậu phộng, rắc thật nhiều tiêu, nhìn ứa nước miếng. Gia vị ăn kèm đầy ăm ắp, nào ớt bằm, giá, tiêu, mắm me, đậu phộng, nước mắm nguyên chất và không thể nào thiếu phần làm nên hồn cốt của món ăn nơi này: những đĩa rau đắng đất tươi non mơn mởn.

Những phần đầu cá được luộc riêng trong nồi nước lèo trong vắt để thịt cá không bị nát

bảo vy

Hồn cốt của món ăn nằm ở đĩa rau đắng đất non mơn mởn này

bảo vy

Rau đắng không còn xa lạ với nhiều người. Nhưng rau đắng bình thường dễ kiếm ở mọi chợ lớn nhỏ ở TP.HCM, cho vị đắng nhẹ. Còn ở cháo cá lóc cây sung, chỉ dùng rau đắng đất, thân mảnh mai hơn, nhưng vị đắng mạnh hơn. Bỏ vào chén một chút giá, gừng, rau đắng, gỡ thêm miếng thịt cá kèm mỡ hành, đậu phộng rồi múc mấy vá cháo còn nóng rẫy vào, rắc chút ớt chút tiêu vào, thế là ta được một chén cháo cá lóc ăn một lần nhớ mãi.

Rau đắng đất không chỉ được bỏ vào trụng trong cháo nóng mà nhiều người còn thích ăn rau sống. Chấm một chút rau đắng trong mắm me đậu phộng rồi ăn kèm cháo sẽ thấy vị đắng hòa quyện cùng cái chua, cái mặn, cay, giây lát sau sẽ thấy dư vị ngọt đậm đà, khó mà quên được. Ăn một chén lại thấy thèm, cứ thế ăn nữa cho tới khi no căng bụng.

Đáng để nói, cháo cá lóc rau đắng nơi này giá mềm mại đến mức nhiều người ăn xong thấy giật mình. 10 người ăn, gọi 2 nồi cháo đầy đủ, cả nước với khăn, ăn tới mức ai cũng no lặc lè không thể ăn thêm gì, lúc tính tiền chỉ mất 500.000 đồng.

Rau đắng đất chấm với mắm me kèm chút đậu phộng, ăn kèm cháo nóng hổi, nước ngọt lừ thì không gì hấp dẫn bằng

bảo vy

Những đặc sản miền Tây khác được bán ở quán cho khách ghé thăm

bảo vy

Người phụ nữ đứng bếp canh những nồi nước lèo vui vẻ tiếp chuyện khi thấy chúng tôi khen ngợi món ăn. Chị tươi cười: “Quán của nhà, bán dễ hơn 30 năm rồi, bắt đầu từ đầu những năm 1990”. Lý giải vì sao cá lóc của quán săn chắc, ngon ngọt, không có mùi tanh, chị nói cá lóc được đặt người ta nuôi rồi giao bỏ mối. “Không phải cá lóc mua ở chợ đâu, người ta bao năm giao cho mình nên cá phải được nuôi đặc biệt hơn, cách chế biến có bí quyết riêng, cho thịt thơm ngon hơn”, chị đáp.

Đồng thời, rau đắng đất cũng được mối ruột trồng và giao cho tiệm bao nhiêu năm qua chứ không phải hàng lấy ngoài chợ. Nhờ vậy, rau đắng đất lúc nào cũng có, tươi rói, đảm bảo an toàn.

Người phụ nữ cho biết quán mở cửa đều đặn từ 7 giờ sáng tới 9 giờ tối mỗi ngày trung bình quán bán hơn 100 kg cá lóc tươi. Những ngày cuối tuần, lễ lạt, số cá lóc bán được hơn 150 kg/ngày và hơn thế, con số đủ cho thấy cháo cá lóc rau đắng Long An có sức hấp dẫn như thế nào với bao người.

Ăn cháo không bỏ tiêu, sao ai đó cay xè mắt?

Nhiều năm trước chúng tôi ghé cháo cá lóc cây sung, sau gian bếp rộng, bên cạnh khu rửa tay vẫn còn một khu vườn trống được trồng đủ loại rau thơm như ngò gai, húng và cây ăn trái. Giờ thì chủ quán đã xây hết thành sân bê tông, nhưng tổng thể, quán cháo cá lóc cây sung vẫn giản dị, mộc mạc, gần gũi với thực khách như thế suốt bao năm.

Chiếc bàn gỗ bao năm, và tấm khăn trải bàn bông rực rỡ đậm chất miền Tây

bảo vy

Món ăn dân dã, quán mộc mạc nhưng mỗi ngày đón lượng khách không hề nhỏ từ khắp mọi tỉnh thành

bảo vy

Bởi vậy mới có những câu chuyện nghẹn ngào xúc động khi có những người con xa quê hương, bao năm về thăm miền Tây, ghé cháo cá lóc cây sung ăn thì nhớ mẹ, nhớ cha.

“Ngày xưa lúc ba tôi còn sống, những dịp tiết thanh minh ở quê nhà ông chở mấy anh em tôi trên cái xe máy cũ rồi ghé đây ăn cháo cá lóc cây sung. Mấy ba con đi từ sáng tới tối mịt mới về tới quê. Quán cũ vẫn còn đây, món ăn cũ vẫn vị xưa mà ba không còn nữa…”. Ẩm thực quê hương, mộc mạc, bình dị, vẫn cứ trở thành sợi dây kết nối giữa thế hệ ông bà và cháu con, quá khứ và hiện tại, để nỗi nhớ và tình yêu thương khiến ai kia ăn cháo không bỏ tiêu, ớt mà cay xè đôi mắt…

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.