Xà xẻo đất nông nghiệp

26/04/2017 05:54 GMT+7

Gần 70% dân số làm nông nghiệp; nhiều mặt hàng nông sản đứng hàng đầu trong bản đồ xuất khẩu thế giới; nông nghiệp là trụ đỡ của nền kinh tế trong những năm khủng hoảng...

Vì thế, chủ trương tích tụ ruộng đất, lập gói cho vay ưu đãi hàng trăm ngàn tỉ đồng để hỗ trợ phát triển nông nghiệp công nghệ cao đang được Chính phủ quyết liệt thực hiện.
Thế nhưng, tình trạng "xẻ" đất nông nghiệp trái phép vẫn diễn ra khắp nơi. Cuối tuần trước, Thủ tướng Chính phủ đã yêu cầu kiểm tra việc lấy đất nông nghiệp làm du lịch tại H.Vĩnh Tường, tỉnh Vĩnh Phúc. Trước đó, người dân tại 2 xã Vĩnh Thịnh và An Tường đã phản ứng về việc tỉnh Vĩnh Phúc cấp đất nông nghiệp cho doanh nghiệp xây khách sạn, điểm vui chơi, sân golf... Việc thu hồi hơn 256 ha đất nông nghiệp phục vụ cho đại dự án khu du lịch sinh thái Vĩnh Thịnh - An Tường khiến nhiều người bức xúc. Bởi người nông dân gắn liền với mảnh ruộng, vườn rau. Cơm họ ăn từ lúa trồng ngoài ruộng; rau hái trong vườn, heo - gà nuôi cũng từ những phụ phẩm nông nghiệp... Ruộng đất là nơi họ sinh - tồn, thu hồi đất chẳng khác nào bứng họ ra khỏi nguồn cội, lấy đi sinh kế của họ.
Chẳng riêng gì Vĩnh Phúc, ở nhiều tỉnh - thành trên cả nước, việc thu hồi đất nông nghiệp cho doanh nghiệp làm dự án du lịch, dự án bất động sản... ngày càng nhiều, gây ra những bức xúc, khiếu kiện kéo dài, gây bất ổn cho đời sống người dân, xã hội.
Vấn đề này đã diễn ra ở nhiều nước, gây ra những hệ lụy lớn. Đơn cử như Trung Quốc. Hơn 1 thập niên trước, tốc độ chuyển đổi đất nông nghiệp nhanh chóng ở nước này đã gây lo ngại tới vấn đề an ninh lương thực và khả năng của Trung Quốc trong việc tự chủ sản xuất lương thực. Với dân số lớn nhất thế giới trong khi đất nông nghiệp ngày càng bị thu hẹp bởi đô thị hóa, câu hỏi “ai sẽ nuôi sống Trung Quốc?” đã được đặt ra khiến nhiều người giật mình. Một chiến dịch bảo tồn đất nông nghiệp đã được đưa ra từ giới chức nước này.
Thái Lan - quốc gia được coi là "nồi cơm" của thế giới - cũng trải qua thời kỳ khó khăn khi đất nông nghiệp bị thu hẹp, thoái hóa. Nông dân rời bỏ ruộng đất tha phương tứ xứ tìm kế mưu sinh mới. Để bảo vệ vị trí số 1 về xuất khẩu gạo, nước này quyết hiện đại hóa nông nghiệp và đã thành công. VN cũng tương tự, nông nghiệp là ngành kinh tế quan trọng, là thế mạnh. Ở đây chưa bàn tới hiệu quả thật sự của việc chuyển đổi mục đích sử dụng đất, song thực tế không thể phủ nhận là sinh kế truyền thống của hàng ngàn, hàng triệu nông dân đang ngày càng mất đi với tốc độ chóng mặt.
Đặc biệt, chủ trương lớn, đúng đắn của Chính phủ là tích tụ ruộng đất, tạo ra những cánh đồng mẫu lớn để cơ giới hóa nông nghiệp, đang thu hút các “đại gia” ở mọi lĩnh vực, ngành nghề tham gia cũng có thể bị ảnh hưởng nếu đất nông nghiệp tiếp tục bị "xẻ thịt".
Chính vì vậy, yêu cầu hiện nay là phải bảo vệ đất nông nghiệp. Điều này, phụ thuộc rất lớn vào ý chí của lãnh đạo địa phương trước những "cám dỗ" từ các doanh nghiệp. Lãnh đạo nhiều tỉnh, thành luôn có tâm lý ưu tiên cho các dự án phát triển kinh tế mà dễ dàng hy sinh đất nông nghiệp.
Không ít doanh nghiệp vì được giao đất rẻ cũng sẵn sàng nhảy vào làm khu nghỉ dưỡng, sân golf... trên vườn, trên ruộng của người dân. Vì vậy, người dân đang trông chờ Chính phủ xử nghiêm các vụ thu hồi đất nông nghiệp vô tội vạ. Không chấp nhận những sự cả nể, những ưu ái, nhân nhượng... để hợp pháp hóa các trường hợp thu hồi đất nông nghiệp không đúng quy định pháp luật.
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.