Vô trách nhiệm

05/07/2019 04:53 GMT+7

Bán vé tàu “lụi” có thể xem là hành vi lừa đảo của “cò” vé, và là hình thức cố ý làm trái, tham nhũng của một bộ phận cán bộ nhân viên có trách nhiệm của nhà ga.

Đối với nhân viên bán vé của nhà ga, nhân viên soát vé trên tàu thì hành vi làm, bán vé trái quy định, tiêu thụ vé giả được xem là hành vi bị cấm trong hoạt động đường sắt theo khoản 13 điều 9 luật Đường sắt 2017. Điều 68 Nghị định 46/2016/NĐ-CP ngày 26.5.2016 của Chính phủ quy định xử phạt vi phạm hành vi bán vé tàu trái quy định; mua, bán vé tàu nhằm mục đích thu lợi bất chính phải nộp lại toàn bộ số tiền thu lợi, bị phạt tiền từ 2 - 4 triệu đồng; phạt tiền từ 10 - 15 triệu đồng đối với cá nhân, từ 20 - 30 triệu đồng đối với tổ chức thực hiện một trong các hành vi vi phạm vận chuyển vé tàu giả, bán vé tàu giả, tàng trữ vé tàu giả.
Đối với lãnh đạo ngành đường sắt thì Bộ GTVT là cơ quan đầu mối giúp Chính phủ thực hiện quản lý nhà nước về hoạt động đường sắt. Theo quy định tại khoản 14 điều 83 luật Đường sắt 2017 thì lãnh đạo ngành đường sắt phải “Thanh tra, kiểm tra, giải quyết khiếu nại, tố cáo và xử lý vi phạm pháp luật trong hoạt động đường sắt”.
Thế nhưng, việc để tình trạng “cò” vé, vé “lụi” ở ga Sài Gòn mà Báo Thanh Niên vừa phản ánh, một bộ phận cán bộ nhân viên ngang nhiên tổ chức đưa người không mua vé lên tàu nhằm thu lợi; việc thanh tra, kiểm tra không phát hiện hoặc phát hiện, nhưng không xử lý hoặc xử lý không đúng quy định nên không đủ sức răn đe, cho thấy một bộ phận lãnh đạo ngành đường sắt và những người có trách nhiệm tại Bộ GTVT, những đơn vị quản lý trực tiếp thiếu tinh thần trách nhiệm trong thực thi nhiệm vụ. Theo điều 179 BLHS 2015, nếu cá nhân được phân công nhiệm vụ mà thiếu trách nhiệm gây thiệt hại thì tùy theo tính chất, mức độ có thể bị truy cứu trách nhiệm hình sự về tội thiếu trách nhiệm gây thiệt hại đến tài sản của nhà nước, cơ quan, tổ chức, doanh nghiệp.
Ngành đường sắt VN còn lạc hậu, không theo kịp sự phát triển của đất nước, kinh doanh kém hiệu quả. Ngoài lý do khách quan là do tiến trình cổ phần hóa chậm, thì một trong những nguyên nhân chính yếu là suốt thời gian qua những vi phạm trên đã không được xử lý triệt để.
Quốc hội và Chính phủ đang thảo luận huy động nguồn lực để xây dựng đường sắt cao tốc. Tuy nhiên, nếu ngành đường sắt chưa xử lý được những tiêu cực tồn tại dai dẳng trong nội bộ, thì không có nhà đầu tư nào dám bỏ tiền tham gia hiện đại hóa ngành đường sắt.
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.