Vất vả chống ngập

10/08/2013 03:00 GMT+7

Cảnh Hà Nội chớm mưa đã ngập tiếp tục lặp lại, bất chấp những tuyên bố lạc quan của cơ quan chức năng. Với lượng mưa 180 mm trong vài ngày qua, Hà Nội được báo cáo là có 21 điểm ngập sâu. Nhưng thực tế con số còn nhiều hơn vì không chỉ các điểm giao cắt lớn được thống kê mà có rất nhiều khu dân cư đã ở trong tình trạng ngập nặng. Câu hỏi Hà Nội làm thế nào để giải bài toán ngập xem ra vẫn còn “treo”.

Từ năm 1998, Hà Nội đã triển khai Dự án thoát nước bằng nguồn vốn vay ODA, ước tính lên tới hơn 2 tỉ USD. Theo đó, dự án kết thúc giai đoạn 2 vào năm 2013 này, Hà Nội có thể “đỡ” được trận mưa hơn 310 mm/2 ngày. Nhưng có thể thấy, chỉ với lượng mưa nhỏ 180 mm trong vài ngày qua thì hệ thống thoát nước của Hà Nội đã phải chống đỡ quá vất vả. Tất cả các gói thầu trong Dự án thoát nước Hà Nội đều là để cải tạo kênh mương, cống thoát nước, nâng cấp trạm bơm, điều này đương nhiên cũng rất có ích, nhưng sẽ chưa giải quyết chuyện ngập úng. Bởi lẽ, theo một kiến trúc sư thuộc Viện Kiến trúc, quy hoạch đô thị và nông thôn (Bộ Xây dựng), hầu hết đồ án quy hoạch của Hà Nội hiện tại đều được phê duyệt chỉ trên cơ sở bản vẽ quy hoạch sử dụng đất và quy hoạch giao thông mà không tính đầy đủ đối với hệ thống hạ tầng.

Khu phố Pháp có hơn 1.000 ha nhưng đường cống tới 74 km, trong khi diện tích tự nhiên của Hà Nội (chưa tính phần mở rộng Hà Tây) đã tăng lên 92.200 ha mà chiều dài hệ thống ống cống cũng chỉ có 634 km.

Quy hoạch 1998 cho Hà Nội một kế hoạch phát triển với hệ thống gần 40 hồ lớn nhỏ. Nhưng tổng kết lại (trước khi làm quy hoạch chung Hà Nội năm 2011), phần âm (chứa nước và thoát nước) đã không cân bằng với phần dương (các đô thị mới mở). Tại một số khu đô thị như Ciputra, Mỹ Đình, Yên Hòa… trong quy hoạch đều có hồ nhưng chủ đầu tư chỉ làm nhà mà không đào hồ. Chưa kể, khoảng 30% trong tổng số 2.100 ha hồ nước nguyên thủy của Hà Nội đã bị lấp trong vòng gần 20 năm qua (báo cáo của Sở Tài nguyên - Môi trường Hà Nội).

Có lẽ, các ngành chức năng của Hà Nội cần lập tức nhìn nhận lại giá trị của hồ, các dòng sông nhỏ; thậm chí cần phải hy sinh một số khu nhà ổ chuột để mở rộng hồ. Ở Hàn Quốc, khi đô thị phát triển quá nóng họ phải chấp nhận phá đi cả một con đường cao tốc để đào lại một con sông ngay giữa thủ đô. Hà Lan cũng đang dự kiến bỏ đi 3 con đường ở thủ đô Amsterdam để trả lại kênh rạch như ngày xưa.

Trong quy hoạch chung thủ đô mở rộng, Hà Nội phát triển theo mô hình tập hợp bởi đô thị vệ tinh. Nhưng nếu không ngay từ bây giờ, giữ những không gian cách ly của các đô thị, giữ tuyệt đối sông và hồ ao lớn của Hà Tây, Hà Nội sẽ lặp lại câu chuyện chống ngập tốn kém bao năm nay.

An Nguyên

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.