Vắc xin và trách nhiệm với dân

11/08/2021 04:50 GMT+7

Cho đến hôm nay, việc xác định chiến lược vắc xin như một giải pháp hiệu quả nhất để ngăn chặn đại dịch Covid-19 là điều không phải bàn cãi nữa.

Điều quan tâm nhất lúc này là không biết đến bao giờ đại đa số người dân mới được tiếp cận với vắc xin, bất luận nó đến từ nguồn nào, tài trợ hay Chính phủ bỏ tiền ra mua.
Người dân sốt ruột bởi lẽ dịch Covid-19 với biến chủng mới đang lây lan theo tốc độ phi mã mà không có bất cứ lớp rào chắn nào có thể ngăn cản được, trừ vắc xin. Thế nhưng, với nguồn cung khan hiếm như hiện nay, cộng với việc triển khai ở một số nơi bị đánh giá là khá chậm khiến cho việc ngăn chặn lây lan dịch Covid-19 cũng bị ảnh hưởng theo.

Hôm 9.8, tại buổi giao ban trực tuyến với 63 tỉnh thành về công tác triển khai tiêm vắc xin, Thứ trưởng Bộ Y tế Đỗ Xuân Tuyên đã nêu đích danh 8 địa phương trong cả nước triển khai tiêm vắc xin chậm chạp so với tiến độ chung. Vậy là lời cảnh báo của Bộ Y tế cách đây một tuần đã không còn là sự “răn đe” nữa. Bên cạnh việc nêu tên các địa phương tiêm vắc xin chậm, Bộ Y tế cũng đã truyền đạt ý kiến của Thủ tướng Chính phủ về việc rà soát lại các nơi để điều chuyển số vắc xin của tỉnh nào tiêm chậm về cho địa phương khác!
Trách nhiệm với dân của người lãnh đạo ở các địa phương đang được đặt trước một thử thách. Đây là lúc lãnh đạo địa phương thể hiện năng lực quản lý, điều hành của mình, và triển khai tiêm vắc xin là liều thuốc thử rõ nhất. Tuy nhiên, Chính phủ cũng cần bổ sung thêm là nếu triển khai chậm tiêm vắc xin thì người đứng đầu địa phương đó cũng sẽ chịu trách nhiệm trước Thủ tướng nữa. Bởi lẽ, tiêm vắc xin là quyền lợi được hưởng của mỗi công dân nhưng không vì sự yếu kém của lãnh đạo địa phương mà bắt người dân phải chịu thiệt.

Bản tin Covid-19 ngày 10.8: Cả nước 8.390 ca nhiễm, TP.HCM phấn đấu kiểm soát được dịch bệnh trước 15.9

Tính đến ngày 8.8, cả nước mới chỉ tiêm được 10,393 triệu liều vắc xin, trong đó đủ 2 mũi chưa đến 1 triệu người. Nếu tính tốc độ mỗi ngày tiêm 1 triệu liều thì chúng ta cần đến 130 ngày nữa mới tiêm xong 2 mũi vắc xin cho 70 triệu dân để có thể đạt miễn dịch cộng đồng (70/100 triệu dân).
Đây quả là một thử thách không hề dễ dàng dù Chính phủ và Bộ Y tế đã rất nỗ lực để có vắc xin và các thiết bị chuyên dụng trang bị cho các địa phương. Vì hiện nay, toàn ngành y tế không phải chỉ tiêm vắc xin mà còn phải căng mình ra chống đỡ trước sự lây lan quá nhanh chóng của dịch Covid-19 nữa.
Thực tế cho thấy, những người đã tiêm vắc xin, dù chỉ một mũi, thì khả năng chống đỡ trước dịch Covid-19 vẫn tốt hơn nhiều so với người chưa được tiêm. Vì vậy, mong muốn được tiêm vắc xin lúc này là quyền lợi mà người dân được hưởng nhưng quyền lợi đó phải được gắn với trách nhiệm của người lãnh đạo ở mỗi địa phương.
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.