Ưu đãi và công bằng

25/12/2018 09:51 GMT+7

Khả năng Samsung có thể chuyển hoặc mở rộng đầu tư tại Việt Nam sau khi đóng cửa nhà máy tại Thiên Tân (Trung Quốc) đang được rất nhiều người quan tâm đón đợi.

Theo các chuyên gia, để đón khoản đầu tư này, Việt Nam phải cạnh tranh với Ấn Độ.
Để nắm phần thắng, cũng khá nhiều đề xuất tạo lợi thế cạnh tranh được đưa ra như mặt bằng, chất lượng lao động, những ưu đãi về thủ tục, chính sách... Điều đó là cần thiết, bởi đón được nguồn vốn này, thu hút vốn FDI sẽ ghi nhận thêm một khoản đầu tư chắc chắn rất lớn, giải quyết được nhiều lao động, kim ngạch xuất khẩu có thể đột phá. Hiện riêng Samsung chiếm 25% tổng kim ngạch xuất khẩu của VN, khoảng 60 tỉ USD năm 2018, tạo hàng trăm ngàn công ăn việc làm...
Tuy nhiên, xung quanh việc đầu tư của Samsung cũng xảy ra khá nhiều tranh cãi liên quan đến khoản đóng thuế khiêm tốn do được các chính sách ưu đãi của công ty này vào ngân sách. Đơn cử năm 2017 tổng doanh thu của 4 nhà máy Samsung tại VN là 61,5 tỉ USD, lợi nhuận 5,8 tỉ USD, tăng 40% so với năm 2016. Để hình dung rõ về con số lợi nhuận khủng của Samsung, hãy nhìn vào so sánh này:
5,8 tỉ USD tương đương 132.000 tỉ đồng, lợi nhuận của 4 nhà máy Samsung tại VN tương đương với tổng lợi nhuận của 40 doanh nghiệp (DN) niêm yết có lợi nhuận lớn nhất trong năm 2017. Thế nhưng trong bảng xếp hạng 10 DN nộp thuế nhiều nhất VN cùng năm, Samsung đứng thứ 8.
Ngoài thuế, chúng ta cũng kỳ vọng sự có mặt của Samsung là cơ hội để các DN trong nước tham gia vào chuỗi cung cấp cho tập đoàn này, từng bước đặt chân vào chuỗi giá trị toàn cầu. Thế nhưng trong hơn 600 nhà cung cấp hiện tại của Samsung, VN chỉ có chưa tới 50 đơn vị và chỉ "thầu" những phần rất phụ.
Trong một cuộc họp về ngành công nghiệp hỗ trợ tổ chức hồi tháng 10 vừa qua, một số DN nói thẳng, họ ao ước được một nửa các ưu đãi của Samsung. Chuyện ưu đãi khối ngoại khiến các DN nội bị chèn lấn được đặt ra nhiều năm nay.
Vẫn phải nhắc lại là việc cạnh tranh thu hút đầu tư nước ngoài (FDI) nói chung và Samsung nói riêng là hết sức cần thiết để tận dụng nguồn vốn ngoại để phát triển đất nước. Tuy nhiên, vấn đề quan trọng là chọn lọc các ưu đãi, tạo môi trường cạnh tranh bình đẳng để DN ngoại phát triển, ngân sách có nguồn thu nhưng DN nội không bị loại ra khỏi cuộc chơi.
Vì suy cho cùng, DN nội vẫn là xương sống của nền kinh tế. Doanh thu, lợi nhuận họ làm ra cách này, cách kia đều tái đầu tư vào nền kinh tế chứ không chuyển về nước như các DN ngoại.
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.