Từ tự nguyện sang bắt buộc

14/05/2020 04:18 GMT+7

Đề xuất bật đèn xe máy cả ban ngày đang gây nhiều tranh luận trái chiều. Nhưng Việt Nam đã tham gia Công ước Vienna quốc tế về giao thông đường bộ.

Tại điều 32 khoản 6 Công ước Vienna, yêu cầu tất cả người đi xe mô tô, xe gắn máy luôn cần phải bật một đèn nhận diện phía trước và một đèn đỏ phía sau xe máy. Bởi vậy về mặt căn cứ pháp lý là đã đầy đủ.
Tuy nhiên, do người dân phần lớn đọc và tham khảo luật quốc gia nên cần cập nhật quy tắc sử dụng đèn nhận diện với các phương tiện cơ giới hai bánh (bao gồm xe mô tô, xe gắn máy, xe máy điện, xe đạp điện) trong luật Giao thông đường bộ đang được nghiên cứu sửa đổi.
Về quy chuẩn tiêu chuẩn, để đảm bảo nâng cao tính năng nhận diện đối với các loại phương tiện cơ giới hai bánh, có thể thực hiện bằng việc dùng loại đèn DRL hay AHO, hoặc đơn giản là bật đèn chiếu gần khi xe di chuyển. Do đó, cơ quan quản lý xem xét quy định áp dụng đèn nhận diện ban ngày đối với xe mô tô, xe gắn máy, xe máy điện, xe đạp điện trong luật giao thông đường bộ sửa đổi, đồng thời tiến hành cập nhật Quy chuẩn đối với những loại phương tiện này được sản xuất tại Việt Nam. Việc lựa chọn loại đèn nào để áp dụng (AHO hoặc DRL) nên để nhà sản xuất tự quyết định.
Về lộ trình triển khai, sau khi bổ sung quy định pháp luật phương tiện xe mô tô, xe gắn máy, xe máy điện, xe đạp điện phải có DRL hoặc AHO thì nên nghiên cứu quy định cụ thể về lộ trình triển khai. Ví dụ, trong giai đoạn 2020 - 2022 nên khuyến khích các nhà sản xuất áp dụng và người dân tự nguyện sử dụng, đồng thời tạo một khoảng thời gian để các nhà sản xuất chuẩn bị các điều kiện cần thiết để triển khai, đồng thời nâng cao nhận thức của người dân về lĩnh vực này.
Trong giai đoạn sau 2022, bắt buộc với mô tô, xe gắn máy, xe máy điện, xe đạp điện khi lưu hành tại Việt Nam cần phải có hoặc DRL hoặc AHO. Người tham gia giao thông phải sử dụng đèn nhận diện ban ngày khi dùng xe máy tham gia giao thông.
Để các sửa đổi bổ sung nêu trên phát huy tác dụng, cần bổ sung các quy định pháp luật khác có liên quan như các quy định xử phạt hành chính liên quan đèn nhận diện ban ngày của xe máy và yêu cầu kỹ thuật đối với các loại phương tiện cơ giới hai bánh. Quy định các mức phạt phù hợp, vừa có tính giáo dục nhưng cũng đủ sức răn đe đối với hành vi vi phạm.
Song song với các chương trình tăng cường tuyên truyền đối với người dân về bản chất, lợi ích của đèn nhận diện ban ngày, cần tăng cường công tác cưỡng chế thực thi quy định pháp luật, trong đó có các chuyên đề cao điểm về xử phạt người đi xe mô tô, xe gắn máy, xe máy điện, xe đạp điện không sử dụng đèn nhận diện ban ngày trên toàn quốc.
Câu chuyện sử dụng đèn nhận diện ban ngày cũng giống như chuyện bắt buộc đội mũ bảo hiểm nhiều năm trước. Đã trở thành luật thì việc tiếp theo là phải làm nghiêm, sau khi đã tuyên truyền về lợi ích và vận động để chấp hành.
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.