Tù mù giá điện

24/06/2015 06:02 GMT+7

Như đã thành quy luật, cứ đến các tháng cao điểm nắng nóng, hàng loạt hộ tiêu dùng điện ở các thành phố lớn: Hà Nội, TP.HCM, Đà Nẵng, Quảng Ninh… phản ánh đến báo chí, trên mạng xã hội về những tờ hóa đơn thanh toán tiền điện cao bất thường.

Như đã thành quy luật, cứ đến các tháng cao điểm nắng nóng, hàng loạt hộ tiêu dùng điện ở các thành phố lớn: Hà Nội, TP.HCM, Đà Nẵng, Quảng Ninh… phản ánh đến báo chí, trên mạng xã hội về những tờ hóa đơn thanh toán tiền điện cao bất thường.

Nhưng mùa hè năm nay, mức độ bức xúc dường như cao hơn, khi giá điện đã tăng từ tháng 3.2015 và đi theo nó là biểu giá điện lũy tiến đáng ngờ có độ cách biệt khá lớn về giá.

Các chuyên gia điện lực ghi nhận quy định giá điện sinh hoạt bán lẻ bậc thang với cơ số tiến càng mua nhiều càng đắt để việc sử dụng điện phải được kiềm chế, tránh lãng phí và người có thu nhập thấp cũng có điện dùng với nhu cầu tối thiểu. Nhưng ở nhiều nước, nếu cung lớn hơn cầu thì chính sách giá điện lại theo cơ số lùi, càng mua nhiều càng rẻ để khuyến khích tiêu dùng điện.

Ở VN, trong thời điểm hiện nay, theo số liệu của Cục Điều tiết điện lực, Bộ Công thương, tổng công suất lắp đặt của hệ thống điện đã đạt tới 35.500 MW, trong đó, công suất khả dụng là 29.500 - 30.000 MW. Nhưng trong thời điểm nắng nóng nhất, công suất sử dụng đạt khoảng 25.000 MW hoặc cao hơn một chút. Như vậy, nguồn điện dự phòng còn khoảng trên 4.000 MW. Ngành điện vẫn có thể đáp ứng một nhu cầu tiêu thụ cao hơn mà không cần phải áp đặt một biểu giá điện sinh hoạt bán lẻ có mức độ cách biệt về giá cao đến như vậy.

Đáng tiếc rằng, khi ngành điện xây dựng các phương án tăng giá, người ta quá chú ý đến mức giá mà chưa chú ý nhiều đến biểu giá điện bậc thang lũy tiến. Để đến khi vào thời điểm nắng nóng, sự bất hợp lý của biểu giá này mới bộc lộ thì chính sách đã đặt người dân vào câu chuyện đã rồi.

Ở đây, có vấn đề là thiếu công khai, minh bạch thông tin. Các phương án điều chỉnh giá điện trước mỗi lần điều chỉnh và cả biểu giá dự kiến đều được cho là thông tin “mật”, không được công khai nên báo chí, các chuyên gia điện lực, chuyên gia kinh tế, các doanh nghiệp, người dân không được thông tin để có ý kiến, có phản biện là mức giá đó, biểu giá đó hợp lý hay không.

Do đó, với thực tế đang có quá nhiều ý kiến bức xúc của người dân về câu chuyện tiền điện tăng quá cao, Tập đoàn điện lực VN (EVN) năm nay có thể có mức doanh thu trong năm 2015 vượt xa con số 13.000 tỉ đồng dự kiến khi tăng giá điện từ ngày 16.3.2015, rất cần thiết để Chính phủ, Bộ Công thương có yêu cầu chỉ đạo xem xét lại tính hợp lý của biểu giá điện này. Dù biểu giá đó đã ban hành, cũng rất cần thiết có một đề án phản biện, đánh giá tính hợp lý của biểu giá bán lẻ điện sinh hoạt hiện hành để sớm có những điều chỉnh, đảm bảo sự hài hòa về lợi ích của doanh nghiệp (EVN) và của người dân.

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.