Từ khó chết đến bị... bức tử

14/11/2013 03:00 GMT+7

Đó là 2 thái cực của luật Phá sản 2004 và luật Phá sản sửa đổi đang được Chính phủ trình Quốc hội hiện nay. Sự đổi chiều đột ngột này đang khiến cho các doanh nghiệp khỏe mạnh cũng có nguy cơ bị bức tử.

Đó là 2 thái cực của luật Phá sản 2004 và luật Phá sản sửa đổi đang được Chính phủ trình Quốc hội hiện nay. Sự đổi chiều đột ngột này đang khiến cho các doanh nghiệp khỏe mạnh cũng có nguy cơ bị bức tử.

Sau gần 10 năm thi hành luật Phá sản (năm 2004), chỉ có 83 doanh nghiệp chính thức được khai tử còn hàng ngàn doanh nghiệp (DN) thực tế đã chết nhưng vẫn cố lây lất sống. Ngoài lý do thủ tục rắc rối, nhiều quy định còn chung chung, một nguyên nhân quan trọng dẫn đến tình trạng này là luật Phá sản 2004 coi những người đứng đầu công ty bị phá sản là tội phạm. Họ không được quyền thành lập và bị cấm đảm nhiệm các chức vụ quản lý doanh nghiệp từ một đến ba năm, kể từ ngày bị tuyên bố phá sản. Đối với những người quản lý, điều hành DN 100% vốn nhà nước cũng tương tự. Người đại diện phần vốn góp của nhà nước tại DN phá sản sẽ không được đảm đương chức vụ đó ở bất kỳ DNNN, DN có vốn nhà nước nào. Với quy định này, các ông chủ DN thà sống ảo còn hơn chết thật. Bởi như vậy, họ vừa không bị truy xét trách nhiệm làm thua lỗ, thất thoát tài sản nhà nước (ở DNNN), vừa có cơ hội làm sếp ở công ty mới. Hậu quả là, nền kinh tế tồn đọng hàng ngàn "xác chết biết đi", hàng ngàn DN thực tế chỉ còn tồn tại cái tên trên giấy tờ.

Nhưng dự án luật Phá sản sửa đổi không giúp "chôn" các DN đang lây lất nói trên mà thậm chí, lại bức tử hầu hết các DN khỏe mạnh với quy định "không có khả năng thanh toán nợ đến hạn từ 200 triệu trở lên trong thời gian 3 tháng... bị coi là phá sản". Có ý kiến cho rằng, với quy định này, 99% DN hiện nay sẽ phá sản. Ý kiến này là chính xác.

Chúng ta đều biết, hầu hết DN Việt Nam hoạt động dựa vào vốn vay với tỷ lệ rất lớn, lên tới 80%, chỉ khoảng 20% là vốn tự có. Đó là lý do, gánh nặng lãi suất đã bóp nghẹt các DN khi khủng hoảng kinh tế xảy ra.  Sau 5 năm đối mặt với khó khăn và đặc biệt là vấn nạn tồn kho kéo dài chưa thể giải quyết, chuyện nợ quá hạn 200 triệu đồng trong 3 tháng là quá khiêm tốn so với thực trạng sức khỏe các DN. Nên có thể khẳng định, việc 99% DN sẽ bị phá sản với quy định này là hoàn toàn có cơ sở. Từ chỗ khó chết, chỉ cần có người đến đòi nợ, không hoặc chưa trả được, DN phải chết. DN có vốn ngàn tỉ cũng có thể bị phá sản vì 200 triệu đồng...

Dự án luật Phá sản sửa đổi đang được trình Quốc hội và hàng ngàn DN cũng đang hồi hộp theo dõi số phận mình sẽ được quyết định như thế nào. Nhưng có thể nói, nếu như luật Phá sản năm 2004 có thể coi như đã bị phá sản khi để tình trạng hàng ngàn DN muốn chết cũng không được thì luật Phá sản sửa đổi cũng sẽ tiếp tục phá sản nếu quy định "ép" các DN phải chết như nói trên được thông qua.

Nguyên Khanh

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.