Tư duy nhiệm kỳ

21/03/2016 06:10 GMT+7

Đánh giá công tác nhiệm kỳ và kiện toàn nhân sự bộ máy nhà nước chiếm 2/3 thời gian làm việc, dự kiến kéo dài 19 ngày, bắt đầu từ hôm nay của kỳ họp cuối cùng của QH khóa 13 này.

Đánh giá công tác nhiệm kỳ và kiện toàn nhân sự bộ máy nhà nước chiếm 2/3 thời gian làm việc, dự kiến kéo dài 19 ngày, bắt đầu từ hôm nay của kỳ họp cuối cùng của QH khóa 13 này.

Đây không phải là lần đầu tiên, việc kiện toàn nhân sự lãnh đạo nhà nước nhiệm kỳ mới, trong đó có các chức danh chủ chốt là Chủ tịch nước, Thủ tướng Chính phủ và Chủ tịch QH được quyết định sớm từ kỳ họp cuối cùng của khóa trước, thay vì kỳ họp đầu tiên của QH khóa mới. Và đây cũng là lần thứ “n”, QH đánh giá kết quả nhiệm kỳ bộ máy.
Không mới nhưng nó luôn luôn rất quan trọng, và thực tiễn đang thúc bách đòi hỏi một cách đánh giá nhiệm kỳ toàn diện và khách quan hơn. Bởi lẽ, đánh giá đúng luôn là tiền đề của lựa chọn đúng. Câu chuyện thực tiễn hiện nay, đó là, bối cảnh hội nhập kinh tế quốc tế đã thực sự gõ cửa, trong khi căn bệnh thành tích và lối tư duy nhiệm kỳ đang khá phổ biến trong quản lý đầu tư công và quy hoạch.
Căn bệnh ấy, lối tư duy ấy khởi nguồn của tình trạng đầu tư dàn trải, sự gia tăng mất cân đối vốn đầu tư công và nợ đọng xây dựng cơ bản, chất lượng dự án thấp; mua sắm tài sản công qua trung gian vòng vèo, hàng kém chất lượng... cốt để “đánh bóng”, để kiếm tiền “lại quả”, kiểu “sống chết mặc bay, tiền thầy bỏ túi”. Tư duy nhiệm kỳ đã cho ra đời những dự án “đầu voi, đuôi chuột”, là việc không muốn hay trì hoãn cổ phần hóa, tư nhân hóa ngấm ngầm, làm thất thoát vốn nhà nước, “đục nước béo cò”.
Tư duy nhiệm kỳ, lợi ích nhóm cũng thể hiện ở tình trạng sử dụng quỹ đất lãng phí, giao đất không đúng đối tượng; chuyển đổi mục đích sử dụng đất và đền bù đất dự án tùy tiện, luồn lách hoặc bất chấp pháp luật; “rút lõi” và khai thác cạn kiệt nguồn tài nguyên rừng, tài nguyên khoáng sản. Tư duy nhiệm kỳ còn thể hiện ở chính sách không ổn định, thiếu nhất quán.
Nhưng nguy hiểm nhất, lối tư duy nhiệm kỳ khiến cho cán bộ ngại thay đổi và ngại đối diện với sự phức tạp, muốn kéo dài đặc lợi và sự yên ổn trong nhiệm kỳ của mình, bất chấp nhu cầu thực tế cuộc sống và lợi ích quốc gia.
Khắc phục tư duy nhiệm kỳ và chống lợi ích nhóm là "đổi mới" cần thiết nhất mà QH cần tạo ra. Đồng thời cũng là thách thức lớn nhất, bởi lẽ, để làm được việc đó, không chỉ là việc lựa chọn nhân sự theo nguyên tắc “không để lọt vào bộ máy những người cơ hội chính trị” mà quan trọng là QH phải tạo ra những cơ chế để kiểm soát sự cấu kết của các nhóm lợi ích với các nhà hoạch định chính sách theo lối tư duy nhiệm kỳ.
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.