Tự chủ và học phí

Việc tự chủ đại học Việt Nam từ thí điểm 2014 cho đến nay đã có nhiều tiến bộ và đang được nâng cao theo các nước tiên tiến.

Một vấn đề lớn của tự chủ đại học chính là tự chủ tài chính, trong đó đặc biệt phải kể đến khả năng đảm bảo nguồn thu để nhà trường không chỉ tồn tại mà còn phát triển.
Hiện nay đa số nguồn thu đều chú trọng vào học phí nhưng các trường đại học Việt Nam và cả các nhà làm chính sách vĩ mô phải tính đến nguồn thu vượt khỏi học phí để giáo dục đại học Việt Nam có sức bật và phát triển bền vững.
Vượt khỏi học phí ở thời điểm này là rất sớm nhưng nếu chúng ta không có sự chuẩn bị trước về tầm nhìn, tinh thần, cách làm và lộ trình, thì e rằng đại học Việt Nam sẽ giậm chân tại chỗ do thiếu hụt tài nguyên.
Học phí không nên và không thể làm nguồn thu duy nhất của nhà trường vì hai lý do. Thứ nhất, sẽ rất bất công cho người học nếu họ phải trả hết chi phí tồn tại và phát triển của một trường đại học. Thứ hai, ngay cả khi ta chấp nhận thu học phí chỉ để trang trải chức năng giảng dạy của đại học, thì việc chỉ dựa vào học phí sẽ khó khả thi cho các ngành/nhóm ngành có chi phí đào tạo cao như khoa học tự nhiên, kỹ thuật, y khoa. Trong những trường hợp vừa kể thì việc phụ thuộc nguồn thu học phí sẽ đẩy học phí lên rất cao, gián tiếp ảnh hưởng đến công bằng xã hội và nhu cầu nhân lực của đất nước.
Có ba giải pháp để các trường đại học có nguồn thu bổ sung. Thứ nhất, các trường có thể làm dịch vụ tuyển dụng, tư vấn và chuyển giao công nghệ cho doanh nghiệp, đây là những dịch vụ mà các trường đại học ở các nước tiên tiến đều có. Thứ hai, các trường nên xây dựng một mạng lưới cựu sinh viên mạnh để huy động nguồn vốn vật chất, xã hội và chuyên môn của chính cộng đồng này. Để có mạng lưới cựu sinh viên mạnh, nhà trường trước tiên phải tạo ra sự hài lòng cho sinh viên đang theo học qua cải thiện chất lượng giảng dạy và các dịch vụ sinh viên, đặc biệt là dịch vụ việc làm. Cuối cùng, nhà trường nên trang bị cho các khoa và cá nhân giảng viên năng lực chủ động học hỏi, tìm kiếm các quỹ nghiên cứu trong nước và quốc tế. Điều này vừa giảm tải áp lực tài chính của phía nhà trường cho chức năng nghiên cứu, vừa giúp giảng viên có kinh phí nghiên cứu và đòi hỏi họ nâng cao năng lực và tính chủ động.
Mặc dù ba giải pháp trên sẽ giúp các trường giảm sự phụ thuộc nguồn thu học phí nhưng vai trò hỗ trợ nhà nước vẫn rất to lớn, do giáo dục đại học có ngoại tác tích cực đến kinh tế xã hội, và do nhà nước sẽ có đủ nguồn lực để đảm bảo tính công bằng trong tiếp cận giáo dục đại học. Tuy nhiên sự hỗ trợ nhà nước không nên tùy tiện, theo cơ chế xin cho, mà nên đi theo ba hướng cạnh tranh giữa các trường, tạo mũi nhọn ngành nghề kinh tế và tạo điều kiện phát triển vùng.
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.