Truy xuất “nguồn gốc”

17/08/2017 07:00 GMT+7

Mua vé máy bay thì lộ lịch trình; sắm cái ti vi thì lộ số điện thoại lẫn địa chỉ nhà; thậm chí vừa đăng ký học hành hay khám chữa bệnh thì ngay sau đó, nhân thân gia đình cũng được các trung tâm giáo dục, y tế, bảo hiểm... nắm gọn hồ sơ.

Có thể nói, chưa bao giờ, khách hàng bị “truy xuất” nguồn gốc nhanh chóng, dễ dàng và công khai như hiện nay.
Thông tin cá nhân bị đánh cắp như thế nào hầu hết không ai để ý hay biết một cách rạch ròi nhưng nhiều năm nay, những người sử dụng điện thoại di động đều bị làm phiền bởi tin nhắn, cuộc gọi rác và đều nghĩ đơn giản rằng chắc mình bị “lộ” số điện thoại ở đâu đó. Nhưng thực tế, không chỉ số điện thoại mà rất nhiều thông tin cá nhân quan trọng như địa chỉ nhà, nghề nghiệp, chức vụ, gia đình, con cái... của bất kỳ ai trong chúng ta đều có thể đang được mua bán công khai. Chỉ cần gõ từ khóa “mua bán danh sách khách hàng” chúng ta sẽ chứng kiến một chợ giao dịch sầm uất, đáp ứng mọi nhu cầu và rất có thể, bạn sẽ bắt gặp “lý lịch trích ngang” của chính mình trên đó.
Lộ thông tin cá nhân, mỗi người sử dụng đều trở thành miếng mồi ngon cho tin nhắn rác, cuộc gọi rác và bây giờ là cuộc gọi tự động được cài đặt sẵn nội dung. Thế là mọi chỗ, mọi nơi, bất kể giờ giấc... chủ thuê bao đều bị làm phiền. Những cam kết của nhà mạng, sự quyết liệt của cơ quan quản lý về dẹp sim rác, tin rác... chừng mực hiệu quả và các “dịch vụ rác” này ngày càng biến tướng tinh vi hơn. Nhưng chuyện bức xúc, phiền hà vì bị đánh thức nửa đêm mời mua bất động sản, hay giới thiệu dịch vụ mai táng khi đang trong đám cưới chưa là gì so với những hệ lụy, nguy hiểm của việc thông tin cá nhân bị lộ và được mua bán công khai như hiện nay. Thời gian vừa qua, chúng ta đã chẳng chứng kiến rất nhiều người bị đánh cắp mật mã, số tài khoản để một ngày đẹp trời, tiền trong tài khoản bỗng không cánh mà bay? Chúng ta chẳng đã từng hốt hoảng không hiểu vì sao, các công ty bảo hiểm, trung tâm giáo dục biết rõ con mình học lớp mấy, trường gì...
Theo luật Công nghệ thông tin, các tổ chức cá nhân không được cung cấp thông tin cá nhân của người khác cho bên thứ 3 trừ trường hợp pháp luật có quy định hoặc được sự đồng ý của người đó. Nghị định 19 của Chính phủ cũng nêu rõ, việc sử dụng thông tin mà không được người tiêu dùng đồng ý hoặc tự chuyển giao thông tin của người đó cho bên thứ 3 sẽ bị phạt từ 10 - 20 triệu đồng. Thế nhưng bao năm qua, thông tin cá nhân vẫn được mua - bán công khai mà chưa thấy ai bị phạt. Trong khi cũng chẳng khó khăn gì để truy xem các công ty bảo hiểm, các doanh nghiệp bất động sản, trung tâm giáo dục... và đặc biệt là các công ty kinh doanh đầu số lấy danh sách khách hàng từ đâu mà tối ngày “dội bom” tin nhắn rác, cuộc gọi rác... hành hạ họ.
Nghịch lý là cả thế giới trong đó có chúng ta hốt hoảng vì lo mã độc tống tiền tấn công máy tính, nhưng chuyện lộ thông tin cá nhân với những hệ lụy chẳng kém lại vẫn được coi là “chuyện thường” như vậy.
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.