Trước bão Peipah...

05/11/2007 00:03 GMT+7

Thời tiết vùng Tây Bắc Thái Bình Dương đang cực kỳ xấu. Theo dự báo sáng 4.11 của nhóm Alpha (JTWC, Mỹ), cạnh bão Peipah còn có một vùng nhiễu động khác có khả năng thành xoáy lốc nhiệt đới tại 18,0 độ bắc 128,9 độ đông, cách Manila khoảng 500 dặm.

Suốt tuần qua, miền Trung mưa tầm tã, nhiều nơi lũ vượt báo động III do ảnh hưởng một áp thấp khác vừa tan biến cách Nha Trang chỉ hơn 100 dặm. Lũ lụt lại phức tạp. Hết xuống lại lên. Đã mấy ngày, người dân ở Cam Ranh, Phú Yên, Nha Trang phải đối mặt nạn mưa tối trời tối đất, có khi không thể ra khỏi nhà. Hôm 3.11, JTWC dự báo bão hướng vào trung Trung Bộ chiều tối 8.11, chúng tôi liên tục nhận tin nhắn lo âu. Đến 4.11, JTWC dự báo bão sẽ đi dọc biển, chạm bờ từ Quy Nhơn đến TP.HCM vào sáng 8.11, chúng tôi lại nhận những thông tin u ám!

Nhưng bão sẽ vào đâu? Theo lý thuyết, gió mùa đông bắc đang thổi xuống phía nam, nên vùng biển ấm từ cực nam Trung Bộ đổ xuống Cà Mau là môi trường lý tưởng cho bão tìm đến. Ngược lại, nếu gió mùa đông bắc bỗng yếu đi, bão sẽ vào trung Trung Bộ. Diễn biến bão Peipah được dự báo rất phức tạp, chưa cơ quan khí tượng quốc tế nào dám khẳng định điểm đổ bộ của nó từ trước 24 giờ. Có vẻ đường đi của bão Durain năm 2006 đang lặp lại, tức Peipah sẽ đi dọc biển, thậm chí có thể xuống đến chót mũi Cà Mau, hoặc có thể bất ngờ đổ bộ nơi nào đó từ Bình Thuận đến Cần Thơ!

Không chỉ VN, Philippines cũng đang lo sốt vó. Khác với ban đầu, cho rằng đây chỉ là bão nhỏ, sáng 4.11, cơ quan dự báo của Philippines cho biết, bão Peipah mở rộng tầm hoạt động, tiếp tục di chuyển nhanh hơn, trước khi đổ bộ lên đảo Luzon, sẽ tăng cấp vòi rồng (typhoon), sức gió trên 120 km/giờ. Từ nửa đêm 5.11, bão sẽ gây mưa lớn trên đảo, xuống cấp bão nhiệt đới sau khi vượt qua các dãy núi Sierra Madre và Cordillera. Từ 6.11 bão chính thức vào biển Đông và sẽ tăng cấp vòi rồng trở lại khi hướng xuống vùng biển phía Nam VN từ 7.11.

Bão sẽ đổ lên đâu chưa rõ, song điều này chắc chắn, bão sẽ gây mưa to gió lớn, nạn lụt tràn lan là không tránh khỏi. Tại Quảng Nam, Đà Nẵng nhiều đang người liên tưởng nạn lụt năm Thìn 1964 sẽ tái diễn. Chỉ mong sao, giờ chót gió nghịch chiều vùng gần tâm bão sẽ mạnh lên, nội thân bão sẽ xâu xé nhau và nó sẽ tự suy yếu ngoài biển xa như bão Utor năm rồi.

Đặng Ngọc Khoa

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.