Trơ trơ

15/07/2016 06:00 GMT+7

Vậy là lần thứ 2, trong vòng 8 tháng, Thủ tướng phải có “ý kiến chỉ đạo” trực tiếp về xử lý sai phạm về trật tự xây dựng xảy ra tại dự án xây dựng nhà số 8B Lê Trực, mà sự việc vẫn “trơ trơ”.

Trước đó, công trình 8B Lê Trực (Q.Ba Đình, Hà Nội) được kết luận là vụ việc vi phạm nghiêm trọng pháp luật về quy hoạch kiến trúc, đầu tư xây dựng và quản lý trật tự đô thị. Thủ tướng yêu cầu Hà Nội phải tiến hành tháo dỡ phần xây dựng sai phép để đảm bảo các chỉ tiêu về chiều cao, mật độ xây dựng như an toàn, an ninh khu vực.
Câu hỏi gần nhất được Thủ tướng đặt ra trong phiên họp thường kỳ tháng 6.2016 là: Hà Nội có “đập” được chỗ này không? Hay cứ để trơ trơ như thế?
Trên thực tế, trong vòng 8 tháng kể từ ngày có chỉ đạo đầu tiên của Thủ tướng, các đơn vị chức năng của Hà Nội mới tháo dỡ được 328/6.000 m2 sai phạm.
Điều gì khiến Thủ tướng phải 2 lần “chỉ đạo” một công việc vốn thuộc thẩm quyền của cấp quận? Câu hỏi này có lẽ dành cho chính quyền Hà Nội và các nhà nghiên cứu chính sách hành chính công.
Sự thực thì, tình trạng các địa phương, bộ, ngành “đùn” việc lên Thủ tướng, hoặc chờ Thủ tướng chỉ đạo mới giải quyết một vụ việc hoàn toàn thuộc thẩm quyền của mình là khá phổ biến. Chẳng hạn như xin ý kiến Thủ tướng về tiền nợ thuế của Công ty TNHH vàng Phước Sơn và Công ty TNHH khai thác vàng Bồng Miêu ở Quảng Nam; vụ lấp sông ở Đồng Nai, chặt cây xanh ở Hà Nội… Rất nhiều vụ việc phải chờ Thủ tướng có ý kiến chỉ đạo các cấp ngành mới vào cuộc như vụ quán cà phê Xin Chào, vụ cá chết trên sông Bưởi... Thậm chí Thủ tướng chỉ đạo nhưng vẫn rất chậm trễ như vụ 8B Lê Trực.
Việc lạm dụng xin ý kiến Thủ tướng, trong khi luật Tổ chức Quốc hội và Hội đồng nhân dân, luật Tổ chức Chính phủ đã quy định rất rõ về thẩm quyền là một cách né trách nhiệm của lãnh đạo bộ, ngành, địa phương. Chưa dám nói đến sự yếu kém về năng lực điều hành, điều đó thể hiện trách nhiệm công việc hạn chế của cán bộ, công chức.
Còn nhớ, trong phiên họp thường trực Chính phủ đầu tiên ở cương vị Thủ tướng, bàn về tháo gỡ vướng mắc trong thi hành luật Đầu tư và luật Doanh nghiệp, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc từng thổ lộ rằng: “Tôi rất buồn! Đất đai thì có lót tay, tiêu cực mới có sổ đỏ; việc tạo điều kiện cho dân, doanh nghiệp làm ăn thì mờ nhạt”. Ông gọi đó là “vấn đề đau đầu nhất của đất nước hiện nay”.
“Phải lót tay” mới có sổ đỏ là một dẫn chứng thực tế, sinh động. Và cũng giống như sai phạm sờ sờ trong vụ 8B Lê Trực mà Thủ tướng phải 2 lần chỉ đạo, hình ảnh đó cho thấy những khoảng trống pháp lý về kỷ cương phép nước.
Tình trạng nhũng nhiễu khi giải quyết thủ tục hành chính cho dân và doanh nghiệp, hay việc không chấp hành kỷ luật hành chính của cán bộ công chức, chính là biểu hiện rõ nét của thái độ và hành vi lũng đoạn của một số cá nhân. Nếu những thái độ, hành vi “trơ trơ” đó không được xử lý nghiêm, gắn với những cán bộ, công chức cụ thể phải chịu trách nhiệm thì nỗi buồn của Thủ tướng về bộ máy sẽ trở thành nỗi buồn về sự phát triển của đất nước.
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.