Trách nhiệm với dân

Anh Vũ
Anh Vũ
14/04/2021 04:29 GMT+7

“ Theo chân giám đốc công ty ma đi... trình báo công ty ma ”, lần này một thầy giáo lại bỗng dưng làm giám đốc. Hành trình đi xóa “ghế”, xóa nợ, tìm lại danh dự, danh tính của ông tiếp tục bị một số công bộc của dân cho... “ăn hành”.

Đây không phải lần đầu, Báo Thanh Niên cùng người dân lặn lội đi từng nơi, gõ từng “cửa công” để giải quyết. Lần trước là một lao động tự do bị giả mạo giấy tờ, làm chủ công ty ma bị treo nợ thuế hàng tỉ đồng. Trước nữa, một loạt cá nhân khác vào một ngày đẹp trời bị liệt vào danh sách đen của ngành thuế.
Lần nào cũng vậy, họ phải bỏ công bỏ việc, ròng rã hết tháng này sang tháng khác đi làm thủ tục nhưng chỉ nhận được cái lắc đầu vô cảm của cán bộ thuế, công an, kế hoạch - đầu tư, xã, phường...
Nói vô cảm, vô trách nhiệm là bởi tại sao một người dân mất giấy tờ bị giả mạo đi trình báo mà không ai xử lý cho họ. Sở KH-ĐT (nơi cấp phép đăng ký kinh doanh) nói giả mạo thì đi sang trình báo công an. Công an lạnh lùng trả lời “nơi nào cấp thì nơi đó xử lý”. Sang ngành thuế thì nói chỉ quản lý việc thu tiền; gõ cửa UBND xã, phường thì cũng không ai quan tâm.
Một chính quyền “gần dân” sao lại “hành” người ngay đến mức khổ sở như vậy? Người dân bị giả mạo, bị vạ lây bởi các khoản nợ thuế, trốn thuế, hóa đơn, chứng từ bất hợp pháp mà họ có thể bị khởi tố, bắt giam bất cứ lúc nào. Cần chấm dứt tình trạng đá quả bóng trách nhiệm, vô cảm với thân phận bị đe dọa của người dân vô tình là đối tượng của tội phạm.
Rất nhiều lần, Báo Thanh Niên đã đăng tải và gặp trực tiếp các cơ quan chức năng; đã có lời hứa, lời cam kết xử lý, giải quyết. Nhưng câu chuyện đâu vẫn đóng đấy! Một lãnh đạo của Bộ KH-ĐT khẳng định theo luật, trong việc giả mạo giấy tờ trách nhiệm đầu tiên là của công an. Khi người dân trình báo, cán bộ công an phải tiếp nhận, điều tra chứng minh hồ sơ, giấy tờ đó là giả mạo. Sau đó, phối hợp với cơ quan cấp đăng ký kinh doanh, ngành thuế, UBND các cấp để thông báo thu hồi giấy phép, đình chỉ kinh doanh và trả lại danh dự cho người dân.
Cơ quan thứ hai phải chịu trách nhiệm là ngành KH-ĐT. Phòng đăng ký kinh doanh thuộc các sở KH-ĐT, cơ quan cấp phép, khai sinh cho doanh nghiệp, nhưng hậu kiểm như thế nào, giám sát ra sao? Đảng, Nhà nước chủ trương tạo môi trường thông thoáng trong thủ tục đăng ký kinh doanh, nhưng khi thực hiện không thể vô trách nhiệm theo kiểu “thả gà ra cho người khác đuổi”.
Cấp đăng ký kinh doanh cho doanh nghiệp luôn có một quy trình rất chặt chẽ. Người dân, doanh nghiệp làm thủ tục, hồ sơ đi kèm các giấy tờ tùy thân (chứng minh nhân dân, hộ khẩu...) và đặc biệt là đăng ký chữ ký mẫu. Như ngân hàng, việc người dân muốn mở tài khoản, rút tiền đều phải ký và so sánh với chữ ký mẫu. Lỗ hổng ở đây chính là cơ quan cấp phép (KH-ĐT) đã lỏng lẻo, không chặt chẽ, cấp bừa, cấp ẩu. Quá trình hậu kiểm buông lỏng, thiếu kiểm tra, giám sát.
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.