Trách nhiệm và tiếng lòng

20/11/2018 04:43 GMT+7

4.0 là đích đến của mọi ngành, trong đó giáo dục có vai trò đặc biệt. Nhưng nếu cẩn trọng sẽ thấy 4.0 không chỉ mang đến cơ hội mà còn rất nhiều thách thức.

Thời đại 4.0, thầy cô có một nền tảng công nghệ thông tin để khai thác và sử dụng trong việc dạy học. Với những thành tựu của khoa học máy tính, thầy cô có thể khai thác các phương pháp dạy học hiện đại, sử dụng công nghệ thông tin để tổ chức hoạt động dạy học thật hiệu quả. Nền tảng của dạy học trực tuyến e-learning cho phép thầy cô có thể dạy học trực tuyến hiệu quả bằng các phần mềm và cổng thông tin...
4.0 còn tạo cho thầy cô nhiều cơ hội để có thể tồn tại và phát triển trên thế giới phẳng. Thầy cô có thể học tập ngoại ngữ, tham gia các diễn đàn khoa học trên thế giới, tạo cho mình những cơ hội thể hiện bản thân, khẳng định hình ảnh của mình.
4.0 cho thầy cô cơ hội học tập trọn đời. Chỉ sử dụng một cú nhấp chuột là thầy cô có thể không ngừng nâng cao trình độ để tích lũy những hiểu biết về nghề nghiệp, gắn kết với học sinh bằng những kỹ thuật giáo dục hiện đại, từng bước chuẩn bị cho học sinh của mình trở thành công dân toàn cầu bằng những sự đầu tư bài bản và khoa học.
Tuy nhiên công nghiệp 4.0 còn thách thức ở kiểu nhìn biện chứng và tư duy hệ thống. Con người luôn là sản phẩm của thời cuộc. Không thể quá sức để đáp ứng chuẩn 4.0 nhằm đảm bảo chất lượng giáo dục khi chính thầy cô lại bị những sức ép hằng ngày. Đã qua rồi thời của những suy nghĩ nghề giáo là nhàn hạ khi giáo viên chưa đáp ứng chuẩn phải liên tục nâng cao trình độ. Liệu mỗi tuần chỉ còn 2 ngày cuối tuần có đủ để giáo viên tiểu học đẩy mình lên trình độ mới về tin học? Liệu thời gian ấy có đủ để học tập nâng hạng, để nâng cao trình độ, để bồi dưỡng thường xuyên? Liệu có thể nâng cao chuẩn tiếng Anh khung bậc châu Âu một cách dễ dàng?...
4.0, tự dưng một số thầy cô thấy sợ về nghề... Bởi một sơ suất không đáng có cũng có thể trở thành điểm đến của mạng xã hội. Sức mạnh của công nghệ, mạng xã hội, của đám mây ảo chứa đựng sự trừng phạt bởi những cơn thịnh nộ làm thầy cô xa xót... Xin đừng quên có những lời nói làm tổn thương một cách sâu sắc không điểm dừng với thầy cô đã và đang theo nghề, có những phản ánh thiếu căn cứ làm cho lớp người đang chuẩn bị theo nghề huyễn hoặc về nghề trong sự đối chiếu với bản thân mình... Và cũng có những đám đông phán xét thiếu cái nhìn hai chiều đã làm cho người ta buồn nhiều hơn vui, không còn động cơ phấn đấu, thiếu hẳn sự tự tin để sẽ thay đổi cho hoàn hảo hơn...
Nếu 4.0 đặt ra cho thầy cô những trách nhiệm cần thực hiện như: thích ứng, nỗ lực, đổi mới, làm chủ thì tiếng lòng của thầy cô cũng cần được lắng nghe. Có lẽ 4.0 cần là cuộc cách mạng được thực hiện bởi lý trí sáng suốt, ý chí cụ thể hóa thành hành động và tâm hồn nhân văn, trái tim rộng mở để các bên có liên quan cùng đồng hành, phát triển...
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.