Trả nợ... thủ tục

02/05/2017 07:28 GMT+7

Theo quy định về xử phạt hành vi xây dựng sai phép của Bộ Xây dựng thì việc "phạt cho tồn tại" áp dụng trong thời hạn 60 ngày kể từ ngày lập biên bản.

Tổ chức, cá nhân vi phạm có quyền làm hoàn thiện hồ sơ thủ tục. Hết thời hạn 60 ngày không xuất trình được giấy phép xây dựng hoặc giấy phép xây dựng được điều chỉnh thì sẽ bị cưỡng chế tháo dỡ.
Thực ra ngay từ thời điểm ban hành, quy định này đã vấp phải rất nhiều ý kiến phản đối nhưng nhà quản lý vẫn bảo lưu quan điểm. Tuy nhiên, sau gần 3 năm áp dụng, tình trạng vi phạm và hợp pháp hóa vi phạm xây dựng đã diễn ra tràn lan.
Thậm chí nói không quá lời là đã bùng phát, trở thành vấn nạn, gây ra nhiều hệ lụy cho môi trường đô thị và cho xã hội. Minh chứng là hàng loạt cao ốc "đội" thêm tầng bất chấp giới hạn chiều cao, phá vỡ quy hoạch; những công trình không phép, trái phép có mặt ở khắp nơi... Cũng dễ hiểu, vi phạm ngay sau đó lại dễ dàng được hợp pháp hóa bằng các văn bản chấp thuận điều chỉnh của cơ quan chức năng, lại trở thành hợp pháp thì... dại gì không vi phạm.
Đã đến lúc phải siết lại việc phạt tiền rồi cho tồn tại với các vi phạm trong lĩnh vực xây dựng. Bởi nếu vẫn tạo điều kiện cho các chủ đầu tư "trả nợ" thủ tục chẳng khác nào cổ súy cho việc xây dựng sai phép, không phép.
Tâm lý "người ta làm được thì mình làm được" sẽ dẫn đến nhà nhà vi phạm, người người vi phạm, làm méo mó bộ mặt đô thị, kỷ cương - luật pháp bị coi thường. Bên cạnh đó, tạo điều kiện cho chủ đầu tư "trả nợ" giấy phép xây dựng có thể dẫn đến việc chạy chọt, đi đêm để hợp pháp hóa vi phạm. Bởi nếu công trình đủ điều kiện cấp phép thì không có lý do gì chủ đầu tư công trình để bị phạt tới hàng chục lần mà vẫn không hoàn thiện hồ sơ như trường hợp mà dư luận đang quan tâm ở tòa nhà HH-01 (Q.Nam Từ Liêm, Hà Nội) xây tới 18 tầng nhưng không có giấy phép xây dựng; bị cơ quan chức năng kiểm tra, xử phạt hàng chục lần nhưng tầng nọ vẫn nối tiếp tầng kia mọc lên... Vậy công trình này thiếu điều kiện gì? Có đúng quy hoạch hay không? Liệu khi được "hợp pháp hóa" rồi công trình có an toàn hay không?...
Chính phủ đang quyết liệt cải thiện môi trường đầu tư, trong đó kiên quyết loại bỏ cơ chế "xin - cho". Cấm hẳn việc hợp pháp hóa vi phạm trong xây dựng cũng là một trong những biện pháp hiệu quả góp phần thực hiện chủ trương này.
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.