Trả giá

Vũ Phương Thảo
Vũ Phương Thảo
15/06/2018 05:14 GMT+7

Chi cục Quản lý thị trường TP.Đà Nẵng vừa có quyết định xử phạt nhà hàng 27 Seafood (Q.Sơn Trà, TP.Đà Nẵng) 50 triệu đồng về hành vi bán giá cao hơn giá niêm yết.

Đây là kết quả của vụ việc được tố cáo cách đây hơn 5 tháng, khi nhà hàng này chặt chém một đoàn du khách đến ăn uống.
Tổng số tiền thu cao hơn giá niêm yết là 520.000 đồng, nhưng cái giá mà nhà hàng phải trả là chế tài xử phạt gấp gần 100 lần!
Hôm đầu tháng 6, Sở Du lịch Thừa Thiên-Huế xử phạt một người đạp xích lô 1 triệu đồng cũng vì lỗi chặt chém du khách, đồng thời buộc phải trả lại tiền thừa. Câu chuyện này khiến mọi người nhớ đến túi bánh rán bị “chặt chém” đến 700.000 đồng ở đường phố Hà Nội hồi cuối năm 2016, hay chuyện chủ quán ở bãi biển Đồ Sơn, Hải Phòng “chặt chém” 500.000 đồng tiền ghế ngồi của khách đã bị xử phạt 2 triệu đồng.
Không dừng lại ở những dịch vụ bình dân, tình trạng chặt chém vẫn xuất hiện ở những địa chỉ sang trọng hơn, nơi mà dịch vụ đúng ra phải được ưu tiên hàng đầu như vụ một nhà hàng tại Nha Trang bị tố chặt chém du khách và thậm chí nhân viên nhà hàng còn hành hung khách đến mức nhập viện.
Chỉ cần 1 cái click chuột cho từ khóa “chặt chém du khách”, “xử phạt chặt chém” hay “chặt chém khách du lịch” trên Google, lập tức có hàng trăm ngàn kết quả. Đây là con số đại diện một phần cho những gì đang diễn ra với ngành du lịch, bởi rất nhiều người bị chặt chém nhưng đành tặc lưỡi cho qua và chỉ biết cạch địa chỉ này cho những lần kế tiếp.
Hằng năm, ngành du lịch các địa phương vẫn tổ chức nhiều lớp tập huấn nghiệp vụ, tuyên truyền vận động ý thức người làm dịch vụ du lịch; những vụ chặt chém bị tố cáo liền bị xử phạt tiền nhưng tình trạng chặt chém vẫn xảy ra như một thách thức. Một vài người không khỏi nghi ngại liệu mức xử phạt đã đủ rắn để có sức răn đe?
Câu trả lời đã có từ chuyện Đà Nẵng xử phạt mức gấp 100 lần đối với hành vi chặt chém lần này. Thực tế nhiều người làm dịch vụ đã sốc. Nhưng ở một khía cạnh khác, động thái mạnh mẽ và quyết liệt này của Đà Nẵng cũng nhận được sự đồng tình của rất nhiều người, bởi đến lúc, cần để người làm dịch vụ biết cái giá phải trả cho lòng tham của mình và giúp cho từ “chặt chém” không còn cơ hội định vị trong từ điển du lịch.
Nhưng cũng từ cái giá phải trả gấp trăm lần như thế, cơ quan chức năng, những nhà làm luật, xây dựng các quy định, quy chế cần nhớ cả những mức phạt lẻ tẻ cho những hành vi còn nguy hiểm không kém: an toàn thực phẩm, lấn chiếm lòng lề đường, tận diệt chim cá thiên nhiên... vẫn diễn ra hằng ngày ở khắp mọi nơi.
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.