'Tôi chịu trách nhiệm'

04/12/2020 04:30 GMT+7

“Trách nhiệm” mà ông Chu Ngọc Anh nhắc tới là chế độ trách nhiệm hành chính, trách nhiệm chính trị, là việc đánh giá mức độ hoàn thành công việc được giao, mức độ tín nhiệm của cán bộ, công chức.

Câu nói tưởng chừng rất bình thường của tân Chủ tịch UBND TP.Hà Nội Chu Ngọc Anh hôm 2.12, khi muốn khẳng định quyết tâm chính trị của Hà Nội và cá nhân ông trong việc ngăn chặn làn sóng thứ 3 của dịch Covid-19, hóa ra lại làm dư luận hưng phấn.
Người mỉm cười hài lòng, người lắc đầu ngờ vực. Một sự bình thường bỗng trở thành bất thường như thế âu cũng bởi vì, lâu nay chỉ quen thấy trách nhiệm trong hình hài “chúng ta”, ít thấy có cái “tôi” đầy mạnh mẽ như vậy.

Người Hà Nội giật mình trước tin phát hiện ca Covid-19 đang cách ly tại khách sạn

“Trách nhiệm” mà ông Chu Ngọc Anh nhắc tới là chế độ trách nhiệm hành chính, trách nhiệm chính trị, là việc đánh giá mức độ hoàn thành công việc được giao, mức độ tín nhiệm của cán bộ, công chức. Hoàn thành thì còn chức quyền, không hoàn thành thì hết chức quyền. Khi một quan chức tuyên bố sẵn sàng chịu trách nhiệm, có thể được hiểu là “nếu tôi không làm được (như cam kết), tôi sẵn sàng từ chức”. Câu nói của tân Chủ tịch Hà Nội được quan tâm, chính bởi tính “sẵn sàng” ấy.
Tuy nhiên, cần phải nhắc lại “tôi chịu trách nhiệm” (nếu Hà Nội mà bung, toang (vì Covid-19), không phải là “phát minh” của ông Chu Ngọc Anh, mà nó được xác nhận trong quy chế người đứng đầu và tinh thần xuyên suốt trong các chỉ thị, công điện, quan điểm chỉ đạo của Chính phủ về phòng, chống dịch Covid-19. Nếu để dịch bùng phát do chủ quan, người đứng đầu các địa phương, cơ quan, đơn vị phải chịu trách nhiệm.
Nhưng đã có người đứng đầu nào phải “chịu trách nhiệm” vì điều đó chưa thì có lẽ là chưa; ngay cả khi dịch bùng phát trong làn sóng thứ 2 ở ổ dịch Bạch Mai (Hà Nội) hay Đà Nẵng hồi tháng 8, mang đầy các yếu tố chủ quan, không tuân thủ nghiêm các quy định phòng dịch tại thời điểm đó, thì chế độ trách nhiệm người đứng đầu cũng chưa từng được vận hành. Vậy có gì đâu mà không “tôi chịu trách nhiệm” nhỉ!
Mệnh lệnh “chống dịch như chống giặc” có lẽ chỉ duy nhất Việt Nam có. Nó được nêu ra trong một văn bản chính thức của Chính phủ, chính là muốn kích hoạt tinh thần thời chiến, đòi hỏi sự thống nhất ý chí toàn xã hội, trên dưới một lòng. Mà trong “chống giặc” thì thái độ dám làm dám chịu trách nhiệm không phải để nói cho vui mà nó sẽ được đong đếm bằng sự an toàn sức khỏe và cả tính mạng của người dân. Nên mong rằng tinh thần “tôi chịu trách nhiệm” sẽ được vận hành một cách thực chất.
Nói rộng ra thì không chỉ trong phòng, chống dịch Covid-19, bất kỳ lĩnh vực nào trong đời sống xã hội, khi chế độ trách nhiệm chính trị được vận hành, có nghĩa rằng, sẽ không có thứ trách nhiệm chung chung, mà nó được gọi tên và cá thể hóa.

TP.HCM sẽ giãn cách xã hội nơi có nguy cơ nếu Covid-19 tiếp tục lây nhiễm cộng đồng

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.