Tỉnh táo và cảnh giác

11/06/2018 06:00 GMT+7

Nhiều khái niệm đang bị đánh tráo, bản chất tích cực của một số dự luật trình Quốc hội khóa 14 tại kỳ họp lần thứ 5 này đang bị kẻ xấu xuyên tạc trắng trợn. Rồi kích động việc xuống đường tuần hành gọi là “phản ứng” với ngay cả những việc chưa hề xảy ra hoặc không bao giờ có thể xảy ra được.

Quốc hội (QH) hai lần thảo luận về dự luật Đơn vị hành chính kinh tế đặc biệt, nói gọn là luật Đặc khu kinh tế, vào cuối năm ngoái và tại kỳ họp đang diễn ra. Dự luật được chuẩn bị công phu, kỹ lưỡng trên cơ sở cả về lý luận và thực tiễn, nhằm thể chế hóa các nghị quyết của Đảng và cụ thể hóa Hiến pháp năm 2013, tạo cơ sở pháp lý để xây dựng đặc khu kinh tế, tạo sự tăng trưởng và thử nghiệm thể chế phát triển vùng có tính đột phá, hiệu quả và có sức lan tỏa lớn.
Đáng nói là trong dự luật, hạn giao đất cho nhà đầu tư thuê bao nhiêu năm không phải cứ mặc định mà là thời hạn tối đa có thể sau khi cân nhắc, xem xét kỹ; đất thuê theo quy trình hằng năm UBND trình HĐND giá thuê đất chứ không phải giao vĩnh viễn theo kiểu nhượng tô, nhượng địa. Dự luật cũng không hề nêu việc cho phép doanh nghiệp của một nước nào đó được đầu tư độc quyền tại đặc khu.
Đặc biệt, sau khi tiếp thu các ý kiến tâm huyết, trách nhiệm của các đại biểu QH, các chuyên gia và người dân về một số nội dung cần tiếp tục hiệu chỉnh, Chính phủ đã thống nhất với Ủy ban Thường vụ QH sẽ trình QH xem xét, cho lùi việc thông qua dự luật này sang kỳ họp lần tới.
Thế nhưng, các luận điệu ác ý lại lu loa những điều gây ngộ nhận là việc này, việc kia là mặc định, là có thật để kích động, tạo bức xúc gây rối xã hội từ trong đời thực lẫn trên internet. Đáng tiếc, vẫn có người dân do chưa có thông tin đầy đủ về bản chất vụ việc, bị tác động mà thiếu cân nhắc lẽ thiệt, điều hơn.
Với dự thảo luật An ninh mạng cũng vậy, nhằm làm sao để môi trường mạng, trong đó có mạng xã hội, được phát triển tích cực, nhân văn và có ích cho đời sống hơn; được giám sát, quản lý hiệu quả vì sự phát triển của cộng đồng, đất nước hơn. Người sống tốt, chấp hành pháp luật nghiêm khi sử dụng internet thì đâu có gì phải lo, đâu có gì phải bị truy trách nhiệm. Chỉ những ai sử dụng mạng với động cơ chính trị đi ngược với lợi ích đất nước và dân tộc, với động cơ kinh doanh, làm ăn trái phép hay sai luật, với động cơ cá nhân trong dựng chuyện, phao tin giả làm tổn hại đến danh dự và uy tín của tập thể hoặc người khác... mới cần bị giám sát, xem xét và xử lý.
Ai đã từng bị mạo danh hoặc là nạn nhân của những cuộc vu khống lan truyền, của những chiêu lừa đảo tiền, tình trên mạng có lẽ càng thấm thía điều này. Rằng, môi trường sống nào cũng vậy, dù trong thế giới thật hay ảo thì cũng không thể có sự tự do vô tận, bất chấp mà luôn cần các nguyên tắc tối thiểu, mốc giới hạn cần thiết để cuộc sống cộng đồng được an toàn, tốt đẹp hơn.
Hơn lúc nào hết, mỗi người yêu nước cần có sự tỉnh táo trong tiếp nhận thông tin chính trị - xã hội, cảnh giác để không bị dẫn dắt bởi các luận điệu bẻ cong, bóp méo sự thật, vin vào những điều phi lý mà kích động tập trung đông người, gây mất trật tự công cộng, vi phạm pháp luật; gây phân tâm, ly tán.
Việc góp ý hay phản biện có nơi, có chỗ phù hợp với tinh thần và thái độ xây dựng đương nhiên được lắng nghe, ghi nhận và tiếp thu như đã từng.
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.