Tiền lệ xấu

19/06/2021 06:00 GMT+7

Mới đây, UBND tỉnh Đắk Nông đã thông tin nội dung và quá trình xử lý đối với 3 cán bộ TAND H.Đắk Song liên quan hành vi lập khống 57 hồ sơ vụ án để được tái bổ nhiệm thẩm phán.

Tuy nhiên, Ủy ban Kiểm tra Tỉnh ủy Đắk Nông cho rằng các sai phạm của các thẩm phán không có mục đích vụ lợi về vật chất, chưa gây thiệt hại về kinh tế cho tổ chức, cá nhân và nhà nước. Do đó, quyết định chỉ kỷ luật các cán bộ bằng hình thức khiển trách.
Mặc dù vụ việc chưa gây thiệt hại đến ai, chưa thiệt hại về vật chất, nhưng hậu quả để lại từ hành vi này là vô cùng nghiêm trọng, ở chỗ: những người thực thi pháp luật, nhân danh nhà nước để đưa ra phán xét công bằng cho nhân dân lại ngang nhiên vi phạm pháp luật, coi thường sự tôn nghiêm của pháp luật. Sứ mệnh của TAND là bảo vệ công lý, bảo vệ sự thật. Nhưng chính các cán bộ TAND lại “ngang nhiên” làm sai. Vậy, người dân còn có thể tin vào sự nghiêm minh của pháp luật nữa không? Rõ ràng hành vi này đã ảnh hưởng nghiêm trọng đến uy tín của ngành tòa án, rộng hơn là ngành tư pháp của nước ta, gây mất niềm tin của nhân dân vào pháp luật.
Mặt khác, mục đích lập khống hồ sơ là nhằm tạo thành tích cuối năm thi đua khen thưởng, đồng thời tạo điều kiện để được tái bổ nhiệm thẩm phán. Đây chính là hệ quả của việc nghiệp vụ non kém nhưng lại mang bệnh thành tích. Căn bệnh này là mối nguy hiểm cho mọi ngành, nhưng riêng đối với ngành tư pháp lại càng đặc biệt nguy hiểm.
Theo quy định của ngành, điều kiện để được tái bổ nhiệm thẩm phán là phải có trình độ, năng lực nghiệp vụ đạt tiêu chuẩn, được thông qua việc đánh giá số lượng án được giải quyết và số lượng án bị hủy trong một năm. Do đó, thẩm phán phải không ngừng trau dồi kiến thức, có trách nhiệm trong hoạt động xét xử, mà nghiệp vụ còn phải cao. Tuy nhiên, nếu việc làm khống hồ sơ vụ án để lấp liếm sự non kém về mặt nghiệp vụ, nhằm “giữ chỗ” trong ngành tư pháp của các cán bộ chỉ bị xử lý bởi hình thức khiển trách thì sẽ tạo ra tiền lệ. Bởi hình thức xử lý là quá nhẹ, trong khi đó vẫn được tái bổ nhiệm để tiếp tục hoạt động trong ngành.
Quả thực, sẽ khó có thể tưởng tượng được trong thời gian tới, vì để “giữ ghế” mà các tỉnh, thành khác cũng sẽ xuất hiện hoạt động tương tự như H.Đắk Song khi mà chỉ bị xử lý kỷ luật bằng hình thức khiển trách.
Thực tế, việc tạo lập và thụ lý hồ sơ 57 vụ án không phải là điều dễ dàng bởi rất nhiều tài liệu, giấy tờ, quyết định... được ban hành và đều phải có chữ ký của các cơ quan, tổ chức. Nếu xác định 57 vụ án dân sự này đều là giả mạo thì các giấy tờ và chữ ký trong hồ sơ vụ án cũng đều là giả. Điều này còn có dấu hiệu hình sự của một số tội danh theo quy định của pháp luật hình sự, chẳng hạn: tội giả mạo trong công tác, hoặc tội xâm phạm hoạt động tư pháp; tội ra bản án, quyết định trái pháp luật.
Phải khẳng định rằng, nếu xử lý cán bộ vi phạm trên chỉ dừng lại ở mức kỷ luật khiển trách là chưa nghiêm minh, không đủ tính răn đe và ngăn chặn các hành vi lập khống hồ sơ khác trong ngành tư pháp. Tới đây, cơ quan điều tra Viện KSND tối cao vào cuộc, mong rằng các sai phạm trên sẽ được làm sáng tỏ.
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.